11:09 16/11/2011

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Phát triển theo hướng bền vững

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, nhưng sản xuất nông nghiệp lại phải cung cấp sản lượng lương thực nhiều hơn nữa, tái cơ cấu nông nghiệp đang là yêu cầu bức thiết.

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, nhưng sản xuất nông nghiệp lại phải cung cấp sản lượng lương thực nhiều hơn nữa, tái cơ cấu nông nghiệp đang là yêu cầu bức thiết.

Phát triển chưa bền vững

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), nông thôn Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức, lực lượng lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn (trên 50% cả nước), nhưng đa số khó thích nghi với công nghiệp hóa dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao. Quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ, chăn nuôi phát triển chậm. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, dịch vụ nông thôn còn nhiều hạn chế.

Chăm sóc đàn lợn sinh sản tại trang trại hộ gia đình ở huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Đặc biệt, tỷ lệ giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp cũng có xu hướng giảm, từ gần 46% năm 2000 xuống còn 39% năm 2010. Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng và nhiều tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức.

Ông Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) nhận định, ngành nông nghiệp nước ta tăng trưởng còn kém bền vững, khả năng cạnh tranh thấp. Đời sống của một bộ phận nông dân chậm được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao và chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng.
Hiện có tới 73% dân số Việt Nam sống ở nông thôn và đang bị tụt hậu trong sự phát triển chung của đất nước.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, nhưng nhu cầu đòi hỏi phải cung cấp sản lượng lương thực ngày càng nhiều hơn nữa, với “mục tiêu sau mỗi thập kỷ trong tương lai là sản lượng lương thực, thực phẩm ở Việt Nam tăng lên 20% và giảm tỷ lệ đói nghèo 20%”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), dự báo trong 10 năm nữa nhu cầu lương thực trên thế giới sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện tại. “Việt Nam là quốc gia sản xuất nhiều lương thực, nông sản, thủy sản... cho thị trường thế giới. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam phát triển chưa bền vững, còn nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm và chưa đủ năng lực đối phó với những thách thức toàn cầu”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam đánh giá.

Cơ cấu theo hướng nào?

Để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong những năm tới.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong lĩnh vực trồng trọt, sẽ ưu tiên hơn cho nhóm cây rau và hoa, đổi mới cơ cấu giống, ứng dụng công nghệ cao, thực hành GAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với ngành chăn nuôi, tăng tỷ trọng gia cầm và bò sữa; giảm tỷ trọng đàn heo. Chuyển dịch mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại theo kiểu công nghiệp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chuyển dịch dần chăn nuôi từ vùng đồng bằng lên vùng trung du, miền núi. Trong thủy sản, ưu tiên phát triển nuôi tôm, cá tra và nhuyễn thể theo hướng công nghiệp, thâm canh, đảm bảo vệ sinh an toàn và môi trường bền vững.

Bên cạnh đó, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, Việt Nam cần kiểm soát chuỗi giá trị từ vật tư đầu vào, sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản đến thương mại và tiêu dùng. Đồng thời, đổi mới chính sách, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài ngành đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Đăng Khoa cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ra đời với mục tiêu tạo ra những thay đổi mang tính đột phá cho khu vực nông thôn. Đây là chương trình khung phát triển nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng người dân.

Tuy nhiên, “trong quá trình thực hiện, bên cạnh những thành công ban đầu vẫn còn nhiều vấn đề về chính sách và triển khai cần phải được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, ngoài sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương, Việt Nam mong muốn nhận được sự chia sẻ và giúp đỡ của các tổ chức quốc tế”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Đăng Khoa nói.

Ngoài ra, ông Steven Jaffee, điều phối viên Ban nông thôn thuộc WB cho rằng, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ NN&PTNT Việt Nam cần nhận biết được các tiềm năng của khối tư nhân để thu hút họ đầu tư vào nhiều lĩnh vực như chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu nông sản, thực hành sản xuất bền vững… Có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài để ưu tiên cho các chương trình khoa học công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, giá trị cao. Đặc biệt là gia tăng hàm lượng, giá trị chế biến trong tất cả các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản hiện nay, coi đây là khâu đột phá để vừa đảm bảo ổn định về tăng trưởng vừa nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.

Hữu Vinh - Minh Phương