12:08 20/12/2011

Tái cơ cấu nền kinh tế - Yêu cầu bức thiết

Tiếp tục đổi mới và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 đã được Chính phủ chỉ đạo thực hiện với mục tiêu trong vòng 10 năm tới phải đưa nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực.

Tiếp tục đổi mới và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 (gọi tắt là Đề án tái cơ cấu nền kinh tế) đã được Chính phủ chỉ đạo thực hiện với mục tiêu trong vòng 10 năm tới phải đưa nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh nền kinh tế đang bộc lộ nhiều điểm yếu, đây là đề án mang nhiều kỳ vọng lớn. Từ số báo này, báo Tin Tức mở Chuyên mục Tái cơ cấu nền kinh tế, đăng tải những bài viết xung quanh vấn đề này.

Dây chuyền chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty cổ phần xuất khẩu nông sản Ninh Thuận (tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Danh Lam - TTXVN


Các chuyên gia kinh tế nhận định: Nếu Việt Nam càng thúc đẩy tăng trưởng nhanh dựa vào mở rộng quy mô vốn, giá trị gia tăng thấp và nhân công giá rẻ thì nền kinh tế sẽ không thể cạnh tranh và sẽ khó phát triển bền vững.

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Tái cấu trúc kinh tế xuất phát từ 2 hoàn cảnh: Một là, thế giới đang cấu trúc lại nền kinh tế sau giai đoạn khủng hoảng để hạn chế những khiếm khuyết, như điều chỉnh mô hình kinh tế cũng như cung cách quản lý, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, tiền tệ; Hai là, do bản thân nền kinh tế nước ta đã bộc lộ các yếu kém nội tại, như cơ cấu kinh tế bất hợp lý, nông sản chế biến còn thấp, ngành công nghiệp đầu đàn, kỹ thuật cao chưa có...

Ở một góc độ khác, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbringt nhìn nhận việc phân bổ các nguồn lực giữa các khu vực kinh tế đã bộc lộ những điểm không hợp lý trong những năm qua, khiến nền kinh tế mất cân đối. Điều này được thể hiện rõ khi khu vực kinh tế Nhà nước đóng góp 34% GDP, chiếm hơn 33% tổng vốn đầu tư xã hội nhưng chỉ sử dụng 9% số lượng lao động. Trong khi đó, khu vực ngoài Nhà nước đóng góp 47% GDP, 32% tổng vốn đầu tư xã hội lại sử dụng tới 87% lao động xã hội. Điều đáng bàn là trong khi khu vực kinh tế Nhà nước được hưởng rất nhiều ưu đãi về vốn và đất đai nhưng hiệu quả lại kém hơn hẳn khu vực kinh tế tư nhân.

Điểm yếu của nền kinh tế nước ta còn bộc lộ ở cơ cấu bất hợp lý về phân bố nguồn lực. Cụ thể là các doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, chủ đạo trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Kinh tế tư nhân trong nước còn nhỏ, chưa thể trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Trong khi đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài gia tăng nhanh chóng và đang mở rộng quy mô đến mức làm nền kinh tế nước ta phụ thuộc ngày càng nhiều vào bên ngoài.

Trong nhiều năm qua, nước ta đã huy động và sử dụng rất nhiều nguồn lực của cả trong nước và ngoài nước để có được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng các nguồn lực này còn hạn chế.

Mô hình phát triển của nền kinh tế nước ta trong nhiều năm qua là hướng ngoại, dựa nhiều vào xuất khẩu, nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Mô hình này chỉ có thể phù hợp trong điều kiện bình thường, nhưng lại khiến nền kinh tế và nền tài chính, tài khóa trong nước bị tổn thương khi kinh tế thế giới có biến động và lâm vào tình trạng bất ổn.

Những điểm yếu cơ bản của cơ cấu kinh tế nước ta không phải đến bây giờ mới được nhìn ra. Từ khá lâu, các chuyên gia kinh tế cũng như các nhà hoạch định chính sách đã phác thảo cận cảnh nền kinh tế với các biểu hiện rõ nét: Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm có xu hướng giảm dần, chất lượng giảm sút; tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên; hiệu quả sử dụng các nguồn lực (vốn, tài nguyên thiên nhiên, đất đai...) và năng suất lao động còn thấp. Chi phí sản xuất, tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm ở mức cao và có xu hướng tăng lên...

Sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ chưa tạo ra nhiều việc làm để thu hút lao động thiếu việc từ khu vực nông nghiệp. Trong khi đó, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo ở nông thôn cung cấp việc làm cho 52,6% lao động nhưng họ chỉ nhận thu nhập bằng 17,3% GDP, điều này sẽ khiến chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn, làm hạn chế sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, cơ cấu các ngành nghề manh mún, nhỏ lẻ và phân tán, dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và lao động phổ thông giá rẻ. Trình độ sản xuất thấp nên sản phẩm xuất khẩu nước ta chủ yếu ở dạng gia công, lắp ráp. Giá trị gia tăng thấp do dựa chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu và các sản phẩm trung gian từ bên ngoài. Đến nay, nước ta cũng chưa có sản phẩm chủ lực mới, rất ít sản phẩm thương hiệu quốc gia. Đa số các sản phẩm có đóng góp lớn trong GDP cũng như kim ngạch xuất khẩu đều từ lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và khai khoáng, rất ít các sản phẩm công nghiệp mang tính đặc thù thương hiệu Việt Nam.

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, trong tái cơ cấu nền kinh tế, việc các địa phương sử dụng các nguồn lực có hiệu quả và hợp lý hay không là một trong những vấn đề cần bàn. Chúng ta đang phân cấp và có nhiều cơ chế thuận lợi tạo sự tự chủ cho các địa phương phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu không có sự quản lý, giám sát cũng như có những chiến lược tổng thể vì những lợi ích cục bộ, nhiều khi các nguồn lực của quốc gia sẽ bị lãng phí, thậm chí là tự triệt tiêu lẫn nhau.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã từng nêu vấn đề, kinh tế Việt Nam đang đứng trước 3 nhiệm vụ gắn kết với nhau: Ở tầm ngắn hạn là tiếp tục đối phó với các tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu. Ở tầm trung hạn là vận dụng những cơ hội mới, ứng phó với những thách thức mới của thời kỳ “hậu khủng hoảng”. Ở tầm dài hạn hơn là chuẩn bị cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020. Do vậy, trong giai đoạn "hậu khủng hoảng" sự phục hồi của kinh tế thế giới nhanh hay chậm tùy thuộc vào khả năng tái cấu trúc và thích nghi của mỗi quốc gia.

Việc tái cơ cấu kinh tế đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu thực hiện thành công Việt Nam sẽ tiếp tục rút ngắn khoảng cách, đuổi kịp và vượt các quốc gia khác trong khu vực về trình độ phát triển. Ngược lại, nếu quá trình đổi mới chậm lại, không theo kịp với những thay đổi từ bên ngoài và yêu cầu phát triển nội tại của đất nước, năng suất hiệu quả và năng lực cạnh tranh không được cải thiện, sẽ làm xói mòn niềm tin của thị trường và dân chúng vào việc tiếp tục duy trì, ổn định kinh tế vĩ mô.

Mai Phương

Kỳ sau: Định hướng cơ cấu lại