12:06 16/12/2014

Tái cơ cấu DNNN phát huy hiệu quả

Trong khi tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra rất chậm, thiếu tính đột phá thì TP Hồ Chí Minh có thể xem là một địa phương đi đầu. Tuy nhiên, để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả sau khi tái cơ cấu không dễ.

Trong khi tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra rất chậm, thiếu tính đột phá thì TP Hồ Chí Minh có thể xem là một địa phương đi đầu. Tuy nhiên, để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả sau khi tái cơ cấu không dễ.

Sản xuất bước đầu ổn định

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện nay thành phố có 106 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc thành phố và quỹ địa phương. Tổng doanh thu năm 2014 ước đạt gần 83.000 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận khoảng trên 8.800 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kì. Các doanh nghiệp cũng đóng góp tích cực cho ngân sách thành phố. Năm 2014, ước tính số tiền nộp ngân sách gần 8.967 tỷ đồng, tăng hơn 3,4% so với cùng kì. Các doanh nghiệp này còn đầu tư những dự án trọng điểm, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố ở các lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến lương thực thực phẩm, cơ khí chế tạo.

Thị trường bất động sản đóng băng làm ảnh hưởng tới tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp.


Tính đến thời điểm hiện nay, thành phố đã xem xét phê duyệt đề án tái cấu trúc của 14/14 tổng công ty, công ty mẹ và thực hiện xong cổ phần hóa 12/15 doanh nghiệp của năm 2014. Đầu năm 2015 sẽ có thêm 3 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa do cần thêm thời gian để xác định giá trị doanh nghiệp. Thành phố cũng đã sắp xếp 6/25 doanh nghiệp tồn đọng sau đợt sắp xếp trước đây, trong đó có 3 doanh nghiệp tuyên bố phá sản, 1 doanh nghiệp giải thể, 2 doanh nghiệp sáp nhập.

Đánh giá về tiến độ đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của thành phố, TS. Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ năm 1992, thành phố đã thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi các tổng công ty 91 sang mô hình công ty mẹ con và sau đó là mô hình Công ty TNHH một thành viên. Đại diện 29 doanh nghiệp nhà nước tại TP Hồ Chí Minh cũng cam kết thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2014 - 2015 theo đúng kỳ hạn.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước phần lớn có lãi, số doanh nghiệp thua lỗ chiếm tỉ lệ thấp. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ổn định và bắt đầu tăng từ năm 2013. Trong đó, các doanh nghiệp có tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao chủ yếu hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực vận tải, thương mại, du lịch, dịch vụ, vàng bạc đá quý. Các doanh nghiệp cũng đang thực hiện thoái vốn khỏi các lĩnh vực không phải ngành nghề kinh doanh chính, sắp xếp lại phương án hoạt động, kinh doanh, sử dụng hiệu quả nguồn vốn.

Theo TS. Trần Anh Tuấn, để đảm bảo hoạt động hiệu quả sau khi tái cấu trúc, các doanh nghiệp cần tránh đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành như tài chính, bất động sản… Thay vào đó, doanh nghiệp nên đầu tư có trọng điểm vào các ngành kinh doanh của mình, cải tiến chất lượng, mẫu mã hàng hóa, đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, tránh việc phụ thuộc vào một hay vài thị trường cố định.

Vẫn thiếu phương án kinh doanh tốt

Cái khó lớn nhất hiện nay trong việc thực hiện chính sách tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chính là doanh nghiệp chưa xây dựng được phương án tái cơ cấu hoàn chỉnh, chưa tạo ra sự đổi mới về tổ chức, quản trị, con người, thiếu phương án kinh doanh hấp dẫn thị trường...

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc
Công ty Vissan:

Tái cấu trúc không có nghĩa là thanh lý mà đầu tư chuyên sâu vào ngành nghề chính. Nếu doanh nghiệp cổ phần hóa không cung cấp đủ thông tin thì nhà đầu tư nghi ngại không dám mua vào và như vậy giá cổ phiếu sẽ thấp, không bán được, càng khó để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Nếu sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn chiếm cổ phần chi phối và vẫn giao cho những con người đó quản trị thì chẳng có gì thay đổi, doanh nghiệp yếu kém vẫn hoàn yếu kém. Nhà đầu tư dù đã bỏ tiền ra mua cổ phiếu nhưng tỷ lệ sở hữu thấp thì cũng không có điều kiện thực hiện quyền và chức năng giám sát đối với nguồn vốn của mình. 

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND, TP Hồ Chí Minh: 

Thị trường bất động sản đóng băng, khiến nhiều dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp không có tiền nộp. Muốn cổ phần hóa, thì doanh nghiệp phải định giá lại toàn bộ dự án dở dang. Nhưng dự án đóng băng thì doanh nghiệp không thể xác định được giá trị nên buộc các doanh nghiệp phải gia hạn thời hạn công bố giá trị doanh nghiệp để xử lý những tồn tại… Điều này gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ cổ phần hóa của doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa đều không đề cập đến phương án kinh doanh sau cổ phần hóa. Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, hiệu quả kinh doanh không cao đã làm cho cổ phiếu rớt giá. Điều này tạo ra hệ lụy trong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành - bán cổ phần của các doanh nghiệp rơi vào bế tắc, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp.

Theo ông Lê Tùng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), mặc dù Satra đã có phương án kinh doanh mới rất cụ thể, sắp xếp lại các ngành nghề kinh doanh, từ 51 ngành nghề còn 35 ngành nghề chính yếu, tổ chức lại bộ máy tinh gọn, và cơ cấu lại lực lượng lao động… nhưng việc thoái vốn ở 47 doanh nghiệp của tổng công ty vẫn chưa thuận lợi. Các nhà đầu tư hiện vẫn chưa quan tâm đến cổ phiếu của các doanh nghiệp nhỏ, khiến việc thoái vốn gặp nhiều khó khăn.

Trên thực tế, dự tính giai đoạn 2014-2015, số vốn cần thoái của các doanh nghiệp đã lên đến hơn 4.700 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay chỉ mới thực hiện thoái vốn được 155 tỷ đồng (khoảng hơn 3%). Nguyên nhân, là do thị trường tài chính ảm đạm, trong khi các doanh nghiệp lại không đưa ra được phương án sản xuất kinh doanh mới hiệu quả.

Mặt khác, việc các doanh nghiệp đồng loạt thoái vốn sẽ dễ bị ép giá do thị trường quá tải. Điều này đồng nghĩa với việc, muốn đẩy nhanh tiến độ, các doanh nghiệp phải chịu lỗ. Trong khi đó, theo quy định, việc thoái vốn phải đảm bảo giá trị theo sổ sách. Hơn nữa, dù hiện nay Chính phủ đã cho phép thoái vốn dưới mệnh giá, nhưng lại buộc các doanh nghiệp phải lập quỹ dự phòng để bù lỗ nên doanh nghiệp cũng không đáp ứng được yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về giá chuyển nhượng phần vốn góp, hoặc nợ công hàng chục năm không xử lý được. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp không thể thực hiện được cổ phần hóa, cũng như không thể chuyển nhượng vốn góp.

Lê Hiền