12:13 09/12/2010

Tái chế giấy láng nhựa bảo vệ môi trường

Giấy láng nhựa đã trở thành một phần của cuộc sống hiện đại. Chúng hiện diện trong rất nhiều loại sản phẩm như giấy dán tường và các loại bao gói… Và cũng như túi nilon, rác giấy láng nhựa rất khó bị phân hủy hay tái chế mà không gây hại môi trường.

Giấy láng nhựa đã trở thành một phần của cuộc sống hiện đại. Chúng hiện diện trong rất nhiều loại sản phẩm như giấy dán tường và các loại bao gói… Và cũng như túi nilon, rác giấy láng nhựa rất khó bị phân hủy hay tái chế mà không gây hại môi trường.

Song có một người Thái Lan đã biết cách để tách “giấy ra giấy, nhựa ra nhựa” một cách an toàn. Đó là anh Paijit Sangchai, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Flexoresearch. Từ bỏ công việc được trả lương cao tại một hãng công nghiệp danh tiếng của Thái Lan 4 năm trước đây, Paijit vùi đầu vào các thí nghiệm với những enzyme được sản xuất từ nấm. Sau nhiều thất bại, những nỗ lực của Paijit đã đơm hoa kết trái. Công ty của anh đã phát triển được các loại enzyme hỗn hợp có thể tách bột hay sợi giấy ra khỏi lớp nhựa láng ngoài. Hãy xem một thí nghiệm của anh: Paijit thả một mẩu giấy láng nhựa nhỏ vào một hỗn hợp chất lỏng là các enzyme. Vài phút sau đó, anh lấy miếng giấy ra và để nó dưới vòi nước chảy, những bột giấy trôi đi và trên tay anh hiện ra tấm nhựa trong suốt.

Paijit cho biết, trong vài phút đó, đầu tiên một enzyme sẽ “tấn công” hóa chất chịu nước bao phủ bề mặt tấm giấy, sau đó các enzyme khác sẽ “xử lý” các lớp giấy và làm chúng tách khỏi lớp màng nhựa. Quy trình tái chế này không gây ô nhiễm môi trường, nó giúp tạo ra nhựa sạch có thể tái chế. Phần bột giấy thu được cũng có thể dùng để sản xuất các loại sản phẩm giấy mới hoặc được dùng trong vật liệu xây dựng thay thế bột amiăng, chất có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. 


Phát minh của anh Paijit Sangchai đã giải tỏa được mối lo rác giấy láng nhựa. Ảnh: Internet


Nhờ phát minh này, công ty của anh mới đây đã được Diễn đàn Kinh tế Thế giới công nhận là một trong 31 "nhà tiên phong công nghệ" (Technology Pioneer) với các sản phẩm "giúp giảm sử dụng amiăng ở các nước đang phát triển, có tác động tích cực đối với sức khỏe con người".

Trong khi đó, tạp chí Time miêu tả Flexoresearch là một trong "10 khởi đầu có thể thay đổi cuộc đời bạn". Đó là một vinh dự hiếm hoi đối với một doanh nghiệp nhỏ ở một đất nước vốn không thuộc hàng cường quốc công nghệ thế giới như Thái Lan.

Paijit cho biết, ở những nước đang phát triển như Thái Lan, giấy láng nhựa thường được hủy bằng cách đốt. Việc này gây ô nhiễm không khí và gây bệnh cho những người hít phải thứ không khí ô nhiễm này. Tại những nước phát triển như Mỹ, công nghệ hủy giấy láng nhựa an toàn hơn nhưng vẫn chưa có công nghệ tái chế giấy láng nhựa. Phát minh mới này được coi là tiên phong về tái chế giấy láng nhựa và hứa hẹn biến công ty nhỏ Flexoresearch với 17 nhân viên của Paijit thành một doanh nghiệp “triệu đô”.

Kể từ khi giành được giải thưởng Technology Pioneer - giải thưởng cũng từng được trao cho các hãng danh tiếng thế giới như Google và Twitter, Paijit đã nhận được hàng nghìn thư điện tử từ các doanh nghiệp tư bản ngỏ ý muốn đầu tư cho phát minh của anh. Tuy nhiên, Paijit cho hay anh giờ đây anh không quan tâm tới việc mượn thêm tiền hay bán cổ phần cho các nhà đầu tư. Điều anh muốn là tìm những nước muốn phổ biến công nghệ này và hiện đã có một số nước như Malaixia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ tỏ ý quan tâm. Anh nói: "Tôi muốn làm việc với mọi người trên thế giới nhằm bảo vệ môi trường".

Paijit cho biết anh cũng đang nhắm tới việc biến các rác thải khác thành thứ có khả năng sinh lời, trong đó phải kể đến công nghệ biến nước xả của hệ thống làm lạnh thành dầu có thể sử dụng cho ngành xây dựng.

Đỗ Sinh (Theo AFP)