05:08 05/05/2012

Tái cấu trúc ngân hàng: Bắt đầu từ thanh khoản

Hệ thống ngân hàng thương mại đang rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản nghiêm trọng, nợ xấu gia tăng khiến niềm tin trên thị trường tín dụng cũng như thị trường liên ngân hàng bị lung lay. Vì vậy, thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần bắt đầu từ việc cải thiện khả năng thanh khoản...

Các chuyên gia kinh tế nhận định, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đang rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản nghiêm trọng, nợ xấu gia tăng khiến niềm tin trên thị trường tín dụng cũng như thị trường liên ngân hàng bị lung lay. Nếu chúng ta không tự cải cách, không tự làm mới thì sẽ mất dần các luồng đầu tư cũng như các đối tác thương mại quốc tế. Vì vậy, thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần bắt đầu từ việc cải thiện khả năng thanh khoản...

 

Bắt đầu từ thanh khoản

 

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, chúng ta tái cấu trúc trong tình trạng một số ngân hàng nhỏ bị mất thanh khoản nghiêm trọng nên đương nhiên phải bắt đầu từ thanh khoản. Trước hết là thanh khoản của các ngân hàng yếu kém đang gặp nhiều khó khăn do huy động vốn trong một thời gian ngắn với khối lượng lớn và cho vay nhiều ở khu vực bất động sản, trong khi đó bất động sản đang tụt dốc nặng nề. Sau khi thanh khoản được giải quyết tương đối ổn định phải xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ bất động sản hiện đang chiếm khối lượng lớn (8 - 10%) nhưng thực tế có thể gấp đôi con số này. Trong khi dự phòng rủi ro của các ngân hàng chỉ đáp ứng một nửa, ông Nghĩa cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tốn khá nhiều tiền để xử lý các món nợ xấu bằng cách thanh lý, giãn, khoanh, hoặc có thể xóa nợ tùy thuộc vào nguồn lực tài chính. Nhưng tuyệt đối không để thị trường bất động sản sụp đổ, nếu bất động sản sụp đổ thì toàn hệ thống tài chính của Việt Nam có thể rơi vào khủng hoảng và kéo dài rất nhiều năm chứ không chỉ một vài năm. Cuối cùng là lành mạnh hóa thị trường liên ngân hàng, tái cấu trúc lại tổ chức hoạt động, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ, sản phẩm của các NHTM, trong đó chú trọng đến quản trị rủi ro và chuẩn mực kế toán an toàn giám sát tài chính sát với thông lệ quốc tế…

 

Theo ông Nghĩa, để tái cấu trúc ngân hàng mất tối đa khoảng 5-6 tỷ USD nhưng chúng ta luôn tìm cách để tái cấu trúc phù hợp với nguồn lực chúng ta có bằng chi phí thấp nhất. Do đó cần phải tiến hành cẩn trọng vì liên quan đến tài chính sau này. Nếu chúng ta hoàn tất được các bước này chính là thanh toán được nợ xấu trong các NHTM ở mức thấp, làm sạch nợ xấu của các NHTM để tạo mối quan hệ trở lại bình thường giữa các NHTM với các doanh nghiệp (DN).

 

Lập lại niềm tin cho thị trường

 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta đang rơi vào tình trạng niềm tin giữa DN và ngân hàng đang đổ bể, DN vừa và nhỏ đang khát vốn nhưng không dám vay ngân hàng. Trong khi đó, thị trường liên ngân hàng cũng gặp tình cảnh các ngân hàng nhỏ không thể trả vốn cho ngân hàng lớn nên phải gia hạn, niềm tin của cả hệ thống ngân hàng cũng bị mất khi những khoản nợ cho vay quá hạn 30 ngày gia tăng. Làm thế nào lấy lại niềm tin trên thị trường tín dụng và thị trường liên ngân hàng để khôi phục lại niềm tin của toàn bộ nền kinh tế, nhất là nhà đầu tư trong và ngoài nước. NHNN phải đứng ra mua nợ xấu của các NHTM để giải quyết thanh toán chứ không thể hạ chuẩn tín dụng xuống để các DN nhỏ tiếp cận tín dụng.

 

Khách hàng làm thủ tục vay với lãi suất ưu đãi tại HDBank Chi nhánh quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Gần đây Chính phủ đã có những chính sách đối với bất động sản như tái cơ cấu lại nợ, cung cấp nợ vay cho các dự án có khả năng hoàn thành (các dự án giá rẻ, nhà ở xã hội…), đình hoãn những dự án có chi phí cao. Tuy nhiên, đây mới chỉ là hành động của Chính phủ, còn các NHTM và DN chưa thấy động tĩnh gì. Đơn giản vì họ chưa tin nhau, chưa tin rằng thị trường có thể phục hồi và chưa tin rằng các động thái đó của Chính phủ có thể làm cho thị trường có những thay đổi nhất định theo hướng tích cực. Một mặt ngân hàng tái cấu trúc khoản nợ cho DN, mặt khác DN phải tự tái cơ cấu đầu tư và sắp xếp lại toàn bộ quản lý bản cân đối tài sản như thế nào; đồng thời phải có kế hoạch trả nợ cho ngân hàng trong tương lai. Việc một số DN bỗng dưng “biến mất” thời gian qua cũng làm mất niềm tin đối với ngân hàng và đó không phải là cách làm ăn hiện đại.

 

Ông Phạm Mạnh Thường – Phó Tổng giám đốc Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) về xử lý nợ xấu cho biết, theo công bố của NHNN mới đây thì nợ xấu đang ở mức 3,6%, tuy nhiên thực tế nợ xấu ở Việt Nam hiện cao hơn rất nhiều so với con số được công bố chính thức. Điều đáng nói là nợ xấu đang có xu hướng gia tăng, trong đó nợ xấu nhóm 4 (nợ khó đòi) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm đến 50%. Ông Thường cho rằng, NHNN Việt Nam đã cho phép các tổ chức tín dụng bán các khoản nợ xấu nhưng thực tế giao dịch mua bán này rất ít, quá trình đàm phán nhiều khi mất từ 6 tháng đến 1 năm. Đến nay DATC mới mua được khoảng 7.000 tỷ đồng và 5.000 tỷ đồng đang trong quá trình đàm phán, nhưng thực tế con số này rất nhỏ so với tổng nợ xấu. Vấn đề là chúng ta chưa có áp lực buộc họ phải xử lý nhanh nợ xấu, vì nợ xấu càng để lâu càng mất giá trị. Chẳng hạn như, nếu ngân hàng để nợ xấu quá 3% trong liên tục 3 tháng thì phải có những quy định ràng buộc, có chế tài mạnh hơn buộc họ phải có trách nhiệm với vấn đề xử lý nợ xấu. Có như vậy thì tiến trình tái cấu trúc ngân hàng mới diễn ra thuận lợi.

 

 

Việt Âu