12:16 31/12/2011

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước: Cần những biện pháp đủ mạnh

Tại Hội nghị TƯ 3 khóa XI, Ban Chấp hành TƯ Đảng đã xác định, mục tiêu tổng quát của 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 là phát triển nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh...

Tại Hội nghị TƯ 3 khóa XI, Ban Chấp hành TƯ Đảng đã xác định, mục tiêu tổng quát của 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 là phát triển nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng: Tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Như vậy, tái cơ cấu DNNN là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần cơ cấu lại trong nền kinh tế nước ta.

Xung quanh vấn đề tái cơ cấu DNNN, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đã dành cho báo Tin Tức số Xuân nhiều ý kiến tâm huyết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: "Quyết tâm tái cấu trúc lại DNNN"

Tính đến 31/12/2011, có 12 tập đoàn, tổng công ty có số lỗ lũy kế hơn 26.110 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do: Trong những năm vừa qua, công tác quản trị, giá bán một số mặt hàng chưa được thực hiện hoàn toàn theo giá thị trường. Khủng hoảng kinh tế thế giới tác động làm suy giảm kinh tế trong nước, chưa kể đến nhiều doanh nghiệp có lỗ kéo dài trong nhiều năm trước chưa xử lý được. Công tác thanh tra, kiểm tra trong việc quản lý và sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước chưa được thường xuyên. Nhiều doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu ít, nhưng huy động nhiều vốn từ các nguồn vay khác nhau để đầu tư dàn trải, dẫn tới hệ số nợ cao, khả năng thanh khoản giảm.

May hàng xuất khẩu tại Tổng công ty Dệt may Gia Định. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Để giải quyết tình trạng nêu trên, trong thời gian tới việc tái cấu trúc DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một trong ba nhiệm vụ quan trọng trong việc cơ cấu lại nền kinh tế. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện những công việc cụ thể như: (1) Xác định rõ chức năng của Nhà nước và DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; tổng kết, đánh giá mô hình quản lý, hiệu quả hoạt động, xác định rõ phạm vi, ngành nghề kinh doanh của DNNN và phê duyệt phương án tổng thể cơ cấu lại DNNN. Căn cứ phương án tổng thể, xem xét phê duyệt đề án cơ cấu lại từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước. (2) Đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa, thực hiện đa sở hữu các DNNN, kể cả tập đoàn và tổng công ty; chỉ giữ lại những doanh nghiệp thực sự cần thiết nhằm thực hiện vai trò của DNNN đồng thời với việc kiện toàn về tổ chức và quản trị để nâng cao hiệu quả hoạt động. (3) Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ tập trung hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính; thực hiện xong việc thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính từ nay đến năm 2015. (4) Xử lý dứt điểm các DNNN thua lỗ, hoạt động không hiệu quả kéo dài bằng các hình thức như cổ phần hóa, sáp nhập, giải thể, bán, phá sản doanh nghiệp. (5) Nghiên cứu để đổi mới cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu của Nhà nước và cơ chế đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại tập đoàn và tổng công ty. Xây dựng tiêu chí quản trị và lựa chọn bố trí đúng cán bộ để lãnh đạo quản lý hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty. (6) Thực hiện công khai minh bạch hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác; kiểm soát có hiệu quả độc quyền tự nhiên.

TS Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển DN (VCCI): “DNNN phải tập trung vào những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế”

Phương án tổng thể của sắp xếp đổi mới DNNN phải thực hiện theo định hướng: DNNN phải có quy mô vừa và lớn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, chiếm thị phần đủ lớn đối với các sản phẩm hàng hóa dịch vụ thiết yếu, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Quá trình sắp xếp, tái cấu trúc và phát triển DNNN được thực hiện theo các hình thức: Sáp nhập, hợp nhất, cổ phần hóa, giao, bán kinh doanh cho thuê, chuyển thành đơn vị sự nghiệp hoặc chuyển thành công ty TNHH một thành viên, hình thức sắp xếp chủ yếu là cổ phần hóa. Kết quả sắp xếp lại DNNN cho thấy: Trong các hình thức nêu trên, cổ phần hóa là hình thức sắp xếp chủ yếu và hiệu quả nhất. Do đó, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa. Đối với khu vực DNNN, yêu cầu tách bạch chức năng quản lý và chức năng chủ sở hữu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội: “Tái cơ cấu DNNN phải tiến hành trên cơ sở quy luật của cơ chế thị trường”

Cho đến nay, khu vực DNNN đã giảm nhanh về số lượng (từ 12.000 DN vào năm 1991 còn khoảng 1.500 DN hiện nay); quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu tăng lên hàng chục lần so với thời kỳ đầu trước khi tổ chức lại. Cả nước hiện có 12 tập đoàn kinh tế nhà nước đang hoạt động là động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt trong việc định hình và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quốc gia, đầu tư mồi, tạo cú huých và duy trì động lực tăng trưởng, tạo việc làm xã hội và đảm bảo sự ổn định chung của nền kinh tế quốc gia.

Tuy nhiên, mặc dù lực lượng DNNN đang nắm giữ một nguồn lực rất lớn của nền kinh tế nhưng đóng góp cho nền kinh tế không tương sức, tỷ trọng đóng góp cho GDP chỉ khoảng 27 - 28% GDP, giải quyết việc làm và hiệu quả sử dụng các yếu tố sản xuất (đất đai, tiền vốn, nguyên vật liệu...) kém hơn các loại hình DN khác. Hoạt động của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước luôn đi cùng với lãng phí và tốn kém...

Trước thực trạng trên, tái cơ cấu DNNN cần tuân thủ một số nguyên tắc sau: Thứ nhất, tái cơ cấu DNNN trên cơ sở tôn trọng vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật và nguyên tắc của kinh tế thị trường. Tức là, phải xem nhu cầu thị trường, cơ chế thị trường và hiệu quả, lợi ích là căn cứ chính để phân bổ các nguồn lực cho phát triển. Thứ hai, trong quá trình tái cấu trúc DNNN, mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, phải kiên quyết chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính (Hội nghị TƯ 3 yêu cầu hoàn thành trước 2015) và tập trung phát triển DNNN trong những ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế quốc dân, chủ yếu là liên quan đến kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, dịch vụ công, ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ ba, về cơ chế quản lý DNNN cần thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản nhà nước tại các DN, bảo đảm công khai, minh bạch về tài chính.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Để tái cấu trúc DNNN, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa”

Hiện nay, khối tài sản của Nhà nước trong các doanh nghiệp vẫn còn lớn do thời gian qua cổ phần hóa mới chỉ ở phần lớn các doanh nghiệp nhỏ. Tức là, theo báo cáo, về số lượng đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp được cổ phần hóa nhưng so tỉ trọng về vốn, tài sản của Nhà nước được cổ phần hóa vẫn còn rất ít.

Để tái cấu trúc DNNN, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa. Ngoài việc thu được một phần tiền từ cổ phần hóa, hàng năm Nhà nước giảm đi được một lượng tiền rất lớn để chi trả lương, không phải cấp thêm đất, tạo ưu đãi cho các doanh nghiệp. Bản thân Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thời còn là Bộ trưởng Tài chính, cũng từng nói có những đơn vị kể cả bán không thu được tiền vẫn còn hơn là phải bỏ thêm tiền để "nuôi" mà không mang lại gì.

Nếu nhìn vào việc cổ phần hóa thời gian qua, có thể thấy một số doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, thu hút được nguồn bên ngoài vào thì họ bật lên rất mạnh. Điển hình như Vinamilk sau cổ phần hóa đã trở thành công ty sữa hàng đầu Việt Nam. Khi cổ phần hóa với ý nghĩa đích thực tức là thu hút được đầu tư từ bên ngoài vào thì mới mang lại lợi ích. Còn cổ phần mà chỉ khép kín trong bản thân đơn vị, kể cả nhằm để công nhân có cổ phần và biến thành người chủ, thì thực tế sau đó các “ông chủ” công nhân đều bán hết cổ phần của mình và lại tiếp tục là người làm thuê. Nếu không làm đúng, cổ phần hóa sẽ là kênh cho tham nhũng, thất thoát tài sản nhà nước.
Cách cổ phần hóa này phải tránh. Cách thức cổ phần hóa thời gian tới phải làm khác. Một là phải minh bạch tối đa, hai là mở tối đa cho các nhà đầu tư tư nhân bên ngoài.

Thu Hường (thực hiện)