05:08 15/05/2011

Tác quyền âm nhạc: Ngày càng có nhiều người tham gia

Bắt đầu từ tháng 5/2011 nhiều nhạc sĩ khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã vui mừng rủ nhau đến 44 Linh Lang, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (tên quốc tế là VCPMC) để nhận tiền tác quyền quý 1...

Bắt đầu từ tháng 5/2011 nhiều nhạc sĩ khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã vui mừng rủ nhau đến 44 Linh Lang, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (tên quốc tế là VCPMC) để nhận tiền tác quyền quý 1. Thông tin từ đây cho biết, chỉ trong quý 1 này, tổng số tiền phân phối tới các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm (trong nước và quốc tế) sẽ là 5.492.000.000 đồng.

Một buổi làm việc của VCPMC.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, người được công chúng yêu mến với nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng: Chảy đi sông ơi, Hồ trên núi, Về quê, Không thể và có thể, Trên đỉnh Phù Vân..., Giám đốc Trung tâm này cho biết, đã 5 năm nay, do dồn hết tâm sức trong lĩnh vực bảo vệ tác quyền âm nhạc, ông đã không sáng tác được thêm bài hát nào. Bản tính cẩn thận, chu đáo và say mê với công việc mà đảm nhận việc này đã khiến ông bỏ công việc sáng tác lại phía sau. Nhiều người nói, ông đã chấp nhận “hy sinh” một phần tâm sức của mình cho công việc chung.

Cùng với ông là một đội ngũ chuyên viên có kiến thức nghiệp vụ và nhiệt tình cho dù đây là lĩnh vực còn mới mẻ. Nhờ thế mà nhiều năm qua hiệu quả đem lại cho tác giả và chủ sở hữu tác phẩm là rất thiết thực. Năm 2010, số tiền phân phối tác quyền đạt gần 23 tỷ đồng.

Nhịp sống xã hội thay đổi kéo theo sinh hoạt âm nhạc phong phú, ngày nay nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc được tổ chức như Việt Nam Idol, Sao Mai Điểm hẹn, nhiều dịch vụ âm nhạc phát triển mạnh như mạng 3G, nhạc chuông, nhạc chờ… được tổ chức. Lẽ đương nhiên, sử dụng nhiều thì phí sử dụng lớn nếu người sử dụng nhận thức đúng đắn vấn đề bản quyền tác giả. Vấn đề này đã và đang được xã hội quan tâm ngày một nhiều hơn. Các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm cũng đã nhận thức rõ ràng hơn và có nhu cầu bảo vệ quyền lợi của mình nhiều hơn.

Theo một cán bộ của VCPMC, đồng thời với nhận thức của xã hội về vấn đề tác quyền, hiệu quả của công tác này có được còn nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan hữu quan của nhà nước, với hệ thống văn bản pháp luật đáp ứng; và bên cạnh là sự quan tâm hỗ trợ của Liên minh quốc tế các Hiệp hội của các nhà soạn nhạc và lời (CISAC), Hiệp hội quản lý quyền sao chép thế giới (BIEM), các tổ chức bản quyền trong khu vực như COMPASS (Hiệp hội các tác giả nhạc và tác giả lời Singapore), JASRAC (Hiệp hội tác giả của Nhật), APRA (Hiệp hội quyền biểu diễn và quyền sao chép của Ôxtrâylia), Hiệp hội bản quyền của Na Uy (Norcode)…

Tính đến hết ngày 30/4/2011 đã có 1.812 tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đã tin tưởng ủy quyền cho VCPMC. Những người đó tin tưởng vào khả năng chuyên nghiệp của nơi này cùng với những báo cáo thường niên, công khai trên website (http://vcpmc.org) và nền tài chính được xem xét bằng kiểm toán quốc tế. “Trên cơ sở phần mềm lưu trữ tác giả tác phẩm châu Á Mis@Asia theo tiêu chuẩn quốc tế mà chúng tôi đã lắp đặt từ giữa năm 2008, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng ký thông tin tác giả tác phẩm lên hệ thống lưu trữ Quốc tế CISnet giúp cho việc tra cứu tác phẩm quốc tế và các nước trên thế giới tra cứu tác phẩm Việt Nam được nhanh chóng, thuận tiện hơn. Hiện nay số lượng tác phẩm âm nhạc của các hội viên mà Trung tâm đang lưu trữ trên hệ thống quốc tế lên tới con số hàng chục ngàn... Chính vì tính quốc tế của nó mà mọi hoạt động của chúng tôi đều thực hiện theo phương châm công khai, minh bạch ngay từ khi thành lập và kiểm toán cũng là do công ty Kiểm toán quốc tế thực hiện...”, đại diện VCPMC cho biết.

Nhưng cũng theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, dù rất nỗ lực để có kết quả như thế, song công việc vẫn không hoàn toàn mỹ mãn. Nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của chính các tác giả đối với tổ chức của mình và đối với xã hội vẫn còn chưa đầy đủ. Bên cạnh phần lớn các tác giả hết lòng ủng hộ, hỗ trợ Trung tâm trong hoạt động bảo vệ quyền tác giả âm nhạc thì vẫn còn một số ít tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thờ ơ, thiếu hợp tác với Trung tâm. Sự thụ động, đôi khi tùy tiện của một số ít tác giả đối với chính các tác phẩm của mình là điều cần phải thay đổi. Có một thực tế đáng buồn hiện nay là còn một số tác giả, chủ sở hữu tác phẩm mặc dù đã ký ủy quyền với Trung tâm nhưng vẫn trực tiếp ký hợp đồng với các đơn vị khác. Điều này vô tình đã giúp các đơn vị này né tránh việc thực hiện trả tiền sử dụng tác phẩm tác giả với lý do đã chi trả trực tiếp cho tác giả, trong khi thực tế thì không phải tất cả các tác giả đều đã được trả tiền sử dụng tác phẩm và số tiền do các đơn vị này trả, nếu có, chỉ mang tính chất “tượng trưng”, thấp hơn nhiều so với số tiền sử dụng tác phẩm phải trả. Hơn nữa việc làm đó trực tiếp ảnh hưởng đến các tác giả nghiêm túc tôn trọng hợp đồng ủy quyền với Trung tâm, cũng như gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động chung của Trung tâm.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng hy vọng “trời mỗi ngày mỗi sáng”, các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm sẽ đến với Trung tâm nhiều hơn, nhận thức xã hội tốt hơn, và từ đó tác phẩm sẽ được sáng tạo nhiều hơn.

Trần Thị