06:07 19/06/2015

Tác giả 'Thế giới phẳng': Thế giới đã không còn phẳng

Nhà báo Mỹ Thomas Friedman, tác giả cuốn sách bán chạy nhất "Thế giới phẳng" cho biết thế giới hiện đại không còn phẳng nữa và giờ là thế giới nhanh.

Thế giới hiện đại không còn phẳng nữa và giờ là thế giới nhanh. Đây là nhận định của nhà báo Mỹ Thomas Friedman, tác giả cuốn sách bán chạy nhất "Thế giới phẳng" (The World Is Flat), đưa ra ngày 18/6 khi ông nêu bật những xu hướng lớn trong thế giới hiện nay.

Ông Thomas Friedman.


Trong bài phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ, ông Friedman cho rằng thế giới đang chuyển động nhanh và mọi thứ đều trở nên phức tạp trong bối cảnh bùng nổ công nghệ cao.

Theo nhà báo Mỹ danh tiếng, thế giới đang chứng kiến nhiều hiện tượng kỳ lạ: Uber trở thành hãng taxi lớn nhất thế giới dù không sở hữu phương tiện vận chuyển nào, Facebook là hãng truyền thông phổ biến nhất song không có bài viết nào, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc là nhà bán lẻ giá trị nhất nhưng không lưu trữ hàng hóa.

Bài phát biểu của ông Friedman đề cập đến mặt tốt và mặt trái khi thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Ông cho đây là thời đại tuyệt vời để sáng tạo, song cũng rất dễ để trở thành kẻ phá hoại, viện dẫn đến việc nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng lợi dụng các công nghệ của Google hay What's APP để truyền bá tư tưởng cực đoan.

Nhà báo Mỹ cũng khẳng định trong thời đại đang thay đổi nhanh chóng, mỗi quốc gia đều đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như sự cạnh tranh, biến đổi khí hậu hay sự tác động của toàn cầu hóa.

Thomas Friedman là nhà báo Mỹ nổi tiếng thế giới và từng 3 lần đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer danh tiếng. Các bài viết của ông chủ yếu đề cập đến sự toàn cầu hóa cũng như mối đe dọa khủng bố và tình hình Trung Đông. Ông được cả thế giới biết đến khi cho ra đời cuốn sách tựa đề "Thế giới phẳng - Tóm lược lịch sử Thế giới Thế kỷ 21" (còn gọi tắt là "Thế giới phẳng"), trong đó ông tóm lược lịch sử phát triển thế giới dưới tác động của toàn cầu hóa theo ba kỷ nguyên. Tựa đề này của tác phẩm là biện pháp ẩn dụ khi so sánh thế giới ở khía cạnh thương mại như một sân chơi mà tất cả người chơi đều có cơ hội như nhau.
TTXVN/Tin tức