01:09 26/01/2011

Tắc đường- “một phần tất yếu của cuộc sống”?

Tết càng đến gần, đường phố càng đông. Đường phố càng đông, tắc đường càng triền miên. Càng Tết càng có nhiều việc phải ra đường. Nhưng càng ra đường càng nơm nớp nỗi lo sợ tắc đường… Đấy là tâm trạng chung của mọi người dân Thủ đô ở thời điểm này.

Tết càng đến gần, đường phố càng đông. Đường phố càng đông, tắc đường càng triền miên. Càng Tết càng có nhiều việc phải ra đường. Nhưng càng ra đường càng nơm nớp nỗi lo sợ tắc đường… Đấy là tâm trạng chung của mọi người dân Thủ đô ở thời điểm này.


Tắc đường xảy ra từ sáng đến tối, không phân biệt giờ cao điểm hay thấp điểm, ngày nào cũng như ngày nào, khiến nhiều người phải ngậm ngùi coi tắc đường như là “một phần tất yếu của cuộc sống”!

Ngày Tết, Hà Nội cao điểm tắc đường, còn ngày thường Hà Nội cũng là điểm nóng của đường tắc. Trong 5 năm trở lại đây, cứ vào những tháng cuối năm, các cơ quan chức năng của Hà Nội lại gấp rút thực hiện hàng loạt giải pháp chống ùn tắc. Hàng ngàn lượt cảnh sát giao thông, sinh viên tình nguyện giăng ra mặt đường, song ùn tắc vẫn hoàn ùn tắc, mọi biện pháp chỉ là “đá ném ao bèo”.


Đơn giản bởi vì quá nhiều người, nhiều xe tham gia giao thông trong khi hạ tầng giao thông, đường sá lại vẫn chỉ “giậm chân tại chỗ”, khiến nhiều tuyến đường, nhiều nút giao thông trở nên quá tải nghiêm trọng.


Tính đến ngày 30/11/2010, Hà Nội có 48.287 xe ô tô và 338.512 xe mô tô, xe máy đăng ký mới, trong khi chỉ có khoảng 8.489 km đường giao thông. Như vậy, tính trung bình mỗi kilômét đường Hà Nội phải oằn mình gánh chịu gần 6.500 ô tô và xe máy các loại, chưa kể người! Thế thì làm sao đường không bất lực, không ùn tắc?

Thời điểm này, mỗi ngày Hà Nội xảy ra không dưới 20 vụ tắc đường, trong đó có những vụ ùn tắc kéo dài. Thiệt hại là không thể tính nổi, nhất là về mặt thời gian và những thiệt hại vô hình!

Giao thông Hà Nội quá tải, quy hoạch quá yếu và để thoát khỏi tình trạng tắc đường, chỉ có thể là phải đột phá từ khâu quy hoạch và thực hiện quy hoạch sao cho đồng bộ giữa hạ tầng, dân cư, xây dựng, phát triển đô thị…, sau đó đến khâu quản lý giao thông và nâng cao văn hóa, ý thức giao thông của người dân.


Theo quy hoạch phát triển giao thông Hà Nội đến năm 2020 (chưa tính đến việc có thêm Hà Tây, Mê Linh và 4 xã của Hòa Bình) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2008, từ nay đến năm 2020, mỗi năm Hà Nội sẽ phải xây dựng thêm ít nhất 110 km đường (cả nội và ngoại thành) và thu hồi khoảng 500 ha đất cho giao thông để đạt được mục tiêu hoàn chỉnh giao thông Hà Nội.


Quy hoạch tổng thể có, mục tiêu lớn đã rõ, nhưng nếu không có sự đột phá trong cách làm, không có bước cụ thể hóa về quy hoạch giao thông trong mối tương quan với quy hoạch ngành và các dự án phát triển đô thị… thì có lẽ phải một thời gian rất, rất dài nữa người Hà Nội mới có thể thoát khỏi nạn tắc đường- “một phần tất yếu” bất đắc dĩ trong đời sống của cư dân Thủ đô.

Trân Chân