08:16 08/08/2012

Syria, khó lắm thay hai chữ bình yên

Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập Kofi Annan từ nhiệm; Thủ tướng Riyad Hijab bị cách chức với lý do được đồn đoán là đào tẩu; phái bộ giám sát LHQ sắp hết thời hạn hoạt động, trong khi chiến sự vẫn diễn ra hết sức ác liệt với hàng trăm người chết mỗi ngày…

Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập Kofi Annan từ nhiệm; Thủ tướng Riyad Hijab bị cách chức với lý do được đồn đoán là đào tẩu; phái bộ giám sát LHQ sắp hết thời hạn hoạt động, trong khi chiến sự vẫn diễn ra hết sức ác liệt với hàng trăm người chết mỗi ngày…

 

Chuyển một người bị thương trong cuộc giao tranh giữa lực lượng chính phủ và quân nổi dậy tại quận al-Sahur ở phía bắc thành phố Aleppo ngày 7/8. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Những diễn biến bất lợi ấy đã xảy ra dồn dập trong những ngày qua đang tạo thêm nhiều đám mây đen trên bầu trời Syria vốn đã u ám bởi khói lửa từ súng ống, đạn dược của chính những người mà cách đây chưa lâu còn nằm chung trong mái nhà Nước Cộng hoà Arập Syria.

 

Mới nhất là vụ Thủ tướng Syria bị cách chức ngày 6/8. Có tin nói ông đào nhiệm sang Jordan và nếu đúng vậy, đây là quan chức cấp cao nhất rời bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong làn sóng ra đi của một loạt tướng lĩnh và đại sứ trong thời gian gần đây. Vụ đánh bom hồi giữa tháng 7 vừa qua đã lấy đi của ông al-Assad 4 quan chức an ninh hàng đầu tiếp sau vụ đào tẩu trước đó của Chuẩn tướng Manaf Tlass, quan chức quân đội thuộc hàng cao nhất và từng là chỗ dựa vững chắc của tổng thống. Những vụ việc này được giới quan sát bên ngoài cho là những dấu hiệu bộc lộ những rạn nứt trong giới cầm quyền, đã khiến một số hãng truyền thông phương Tây hoan hỉ nhận định “Syria đang sụp đổ từ bên trong”. Tuy nhiên, một quan chức Chính phủ Syria đã ngay lập tức trấn an rằng các vụ đào nhiệm, tại bất kỳ cấp nào, cũng không ảnh hưởng tới chính quyền, đồng thời phủ nhận thông tin về sự đào nhiệm của một số bộ trưởng hay việc các bộ trưởng không còn trung thành với Tổng thống al-Assad. Bằng chứng là việc chỉ một ngày sau khi cách chức ông Hijab, Syria đã lại có một thủ tướng lâm thời cùng một nội các nguyên vẹn và chính phủ vẫn hoạt động bình thường.

 

Vụ đào nhiệm của ông Hijab có chăng chỉ làm lu mờ trong chốc lát những tiến triển mà quân đội Syria đã đạt được trong cuộc chiến chống lực lượng chống đối, như giành lại quyền kiểm soát toàn bộ thủ đô, tiêu diệt nhiều phần tử khủng bố... Tuy nhiên, trên thực địa, phe đối lập vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ ngầm từ bên ngoài, do vậy tại thủ đô Damascus vẫn xảy ra giao tranh lẻ tẻ và trụ sở Đài truyền hình quốc gia bị đánh bom hôm 6/8. Chiến sự cũng vẫn còn tiếp diễn ở nhiều điểm nóng khác trên cả nước như Aleppo, thành phố lớn thứ hai và là trung tâm thương mại của Syria, thành phố Homs, Daraa..., gây thương vong cho hàng chục, thậm chí hàng trăm người mỗi ngày, khiến cho dòng người tị nạn đổ sang các nước láng giềng ngày một đông thêm.

 

Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” ấy, Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập Annan  tuyên bố từ bỏ sứ mệnh trung gian hòa giải ở Syria vào cuối tháng Tám này, cùng những bế tắc tại Hội đồng Bảo an LHQ càng khiến cuộc khủng hoảng Syria trở nên khó có được lối thoát trong một sớm, một chiều.

 

Trở lại với ông Annan, tháng 2/2012 ông đảm nhận sứ mệnh giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria như một “nhiệm vụ thiêng liêng”. Tuy nhiên, những nỗ lực hòa bình của ông đã không mang lại kết quả như cá nhân ông và cộng đồng quốc tế mong đợi sau khi thỏa thuận ngừng bắn ngày 12/4 không được các bên thực hiện. Ông Annan đã phải thừa nhận mọi nỗ lực của ông nhằm đem lại hòa bình cho Syria đã thất bại mà nguyên nhân chính là kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông không được hiện thực hóa. Ông kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ nên chung vai chịu trách nhiệm cứu Syria khỏi thảm họa nội chiến, và chỉ có như thế thì vấn đề đang nóng bỏng này mới có cơ hạ hoả.

 

Điều đáng nói nữa là chính sự rút lui của ông Annan cùng việc Đại hội đồng LHQ hôm 3/8 thông qua nghị quyết về Syria đang được phương Tây tận dụnhg như cái cớ để gạt bỏ mọi sự lựa chọn ngoại giao và chỉ để lại trên bàn giải pháp duy nhất là can thiệp quân sự. Từ lâu, báo chí Mỹ đã cho rằng sứ mệnh của ông Annan khó có thể thành công khi các giải pháp hoà bình mà ông đưa ra chỉ được phương Tây coi là “bước đệm” để lấp liếm dư luận cho việc tiến hành chiến dịch quân sự, và để họ có cớ nói với thế giới rằng đã thăm dò mọi biện pháp ngoại giao rồi đấy nhưng không thành công.

 

Trước những diễn biến mới này Mỹ đã tính đến kịch bản Syria thời “hậu al-Assad” nhưng điều mà ai cũng thấy rõ là cho dù Tổng thống al-Assad hoặc tự nguyện từ chức, hoặc bị lật đổ bởi lực lượng chống đối trong nước hay sự can thiệp quân sự từ bên ngoài, thì những rắc rối ở đất nước Trung Đông này chưa thể kết thúc, và hai chữ “hoà bình” càng trở nên xa vời đối với hơn 20 triệu dân của đất nước nằm bên bờ Đông Địa Trung hải này. Khi mà phe đối lập vốn là một tập hợp gồm nhiều phe phái và nhóm vũ trang với nhiều bất đồng, chia rẽ chưa có được một sự lãnh đạo thống nhất để tạo đủ độ tin cậy để thay thế chính phủ hiện nay, rất có khả năng Syria “hậu al-Assad” sẽ chứng kiến những cuộc tranh giành quyền lực và mâu thuẫn sắc tộc, vùng miền bất tận, xé Syria thành nhiều mảnh. Đây là điều đã được chứng minh ở Iraq và một số nước mà làn gió “mùa Xuân Arập” đã quét qua như Libi, Ai Cập, Yêmen.

 

 

Khánh Linh