05:06 20/05/2014

Suốt đời làm theo lời Bác dạy

Lần đầu tiên được ăn cơm cùng Bác Hồ, tôi thấy vinh dự và xúc động vô cùng. Bác là lãnh tụ của đất nước, bận trăm công nghìn việc mà vẫn quan tâm đến những người lao động như tôi.

Lần đầu tiên được ăn cơm cùng Bác Hồ, tôi thấy vinh dự và xúc động vô cùng. Bác là lãnh tụ của đất nước, bận trăm công nghìn việc mà vẫn quan tâm đến những người lao động như tôi. Nghĩ đến đó, tôi chẳng ăn được gì, chỉ ngồi lặng đi ngắm Bác...”, đó là tâm sự của anh hùng lao động Nguyễn Thị Thạc, người có vinh dự nhiều lần được gặp Bác Hồ.

 

Anh hùng lao động Nguyễn Thị Thạc tặng hoa Bác Hồ tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định (1963).

Tháng 8/1956, bà Nguyễn Thị Thạc bắt đầu làm việc tại nhà máy Dệt Nam Định. Năm 1957, Bác Hồ về thăm nhà máy, lúc đó bà chưa có vinh dự được đi đón Bác Hồ. Sau đó, được biết nhà máy phát động phong trào thi đua lập thành tích cao nhất để đón Bác Hồ, bà đã quyết tâm phấn đấu, trở thành lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua với kỷ lục cao nhất nhà máy Dệt Nam Định.


Năm 1961, bà được cử tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3. Bà nhớ lại: “Đây là lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ. Lúc đó, Bác mặc bộ quần áo kaki, chân đi dép cao su và vui vẻ nói chuyện với mọi người”.


Trong đại hội, Bác đã động viên những thành tích của thế hệ trẻ trong cả nước. Bác nói: “Từ một người cộng sản trẻ tuổi là Lý Tự Trọng, đến nay đã có hàng vạn đoàn viên thanh niên ưu tú, những thắng lợi ấy khiến Bác rất phấn khởi”.


Sau đại hội, bà được chọn cùng đoàn thanh niên Việt Nam và quốc tế đến gặp và chụp ảnh cùng Bác tại Phủ Chủ tịch. Bác gọi tên, giới thiệu từng thanh niên Việt Nam với bạn bè quốc tế.

 

Anh hùng lao động Nguyễn Thị Thạc (ngoài cùng bên phải) cùng các đại biểu Hội nghị Chính trị đặc biệt (năm 1964).


Ngày 4/5/1962 bà Thạc được trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Sau đó, bà được cử đi tham dự Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc. Đây cũng là lần thứ 2 bà được gặp Bác Hồ. Bà chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ như in từng lời dạy của Bác hôm ấy. Bác nói: “Là anh hùng thì đã tốt rồi nhưng giữ được anh hùng không phải là dễ. Các cháu phải tiếp tục rèn luyện, học tập không ngừng để phát huy thành tích đã đạt được, giữ vững danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng”.


Năm 1963, Bác Hồ về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định. Sau Đại hội, bà Thạc đã vinh dự được dùng cơm cùng Bác tại nhà máy Dệt Nam Định. Đây cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất về Bác Hồ trong cuộc đời bà. Bà chia sẻ: “Trong phòng ăn hôm ấy có các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Nam Định. Nhưng chỉ có tôi và bà Trương Thị Thu (Trưởng ty Y tế tỉnh Nam Định lúc đó) là phụ nữ. Bác Hồ bước vào, nhìn khắp phòng rồi vẫy tay bảo tôi và chị Thu: “Hai cháu lên đây ngồi ăn cơm với Bác”.

 

Được ngồi cạnh Bác, tôi xúc động đến mức không còn biết trong bữa cơm có những món ăn gì, chưa bao giờ tôi dám nghĩ có một ngày sẽ được ngồi bên Bác, ăn cơm cùng Bác. Trong bữa ăn, Bác hỏi tôi về gia đình, anh em và đời sống riêng. Tôi lần lượt thưa với Bác. Khi nghe tôi nói muốn cống hiến cho đất nước đến 27 tuổi mới lập gia đình, Bác bảo: “Không nên, không nên, 25 tuổi cháu lấy chồng được rồi.

 

Nhưng lấy chồng phải có kế hoạch, có kế hoạch sẽ hoàn thành được cả việc công và việc riêng”. Rồi Bác hỏi tôi: “Mỗi bữa cháu ăn được mấy bát cơm?”. Sau đó, Bác đưa cho tôi một viên thuốc bổ và cầm từng đĩa thức ăn gạt cho tôi một nửa. Bác nói với chị Thu: “Cháu Thạc lao động vất vả, lại gầy thì cần được ăn nhiều. Còn cô béo, bác già thì ăn thế này là vừa”. Tôi chợt nghĩ, có lẽ trên thế giới này chỉ có Bác Hồ, Người vừa là vị lãnh tụ vĩ đại vừa là người ông, người cha thật gần gũi với những người lao động như tôi. Tối đó, có buổi gặp Bác Hồ. Bác bảo tôi và chị Hiếu (Anh hùng lao động Nguyễn Thị Hiếu) hát cho Bác nghe. Tôi hát mà cảm động đến nghẹn lời không hát được. Bác bảo tôi dừng lại, mọi người trong phòng liền hát cùng tôi rất vui vẻ”.


Nhớ lại ngày Bác mất, giọng bà trùng xuống. Bà chia sẻ: “Trong cuộc mít tinh mừng ngày Quốc khánh (2/9/1969) tôi đi dự nhưng không thấy Bác. Hôm sau, khi trở về Nam Định tôi nghe tin có thông báo đặc biệt về sức khỏe Bác Hồ, sau đó được tin Bác qua đời. Tôi khóc mất mấy ngày, gặp ai cũng khóc, vào nhà máy trông thấy nhau cũng khóc. Tôi được chọn là một trong bốn Anh hùng lao động tiêu biểu đại diện của 4 ngành kinh tế quan trọng đứng bên linh cữu Bác Hồ.

 

Trong đó, tôi là đại diện của ngành công nghiệp nhẹ, anh Nguyễn Cường ngành cơ khí, anh Vũ Xuân Thủy ngành than, anh Nguyễn Văn Huyên ngành xi măng. Thấy tôi khóc nhiều, ban Lễ tang cử cán bộ đến động viên tôi, nói tôi phải xác định đây là một trách nhiệm không được khóc tránh làm ảnh hưởng kỷ luật chung. 15 phút đứng bên linh cữu Bác, thỉnh thoảng tôi mới dám liếc nhìn thi hài Bác, người tôi cứ run lên, tôi cố nghiến răng lại để không bật khóc, hoàn thành nhiệm vụ được giao”.


Với bà Nguyễn Thị Thạc, những kỷ niệm về Bác là ký ức vô giá, những lời dạy của Người luôn là mục tiêu để bà phấn đấu trong suốt cuộc đời. Suốt từ đó đến nay, bà vẫn luôn nghĩ những công ơn của Bác Hồ với đất nước, nhân dân và giai cấp công nhân và với riêng bà rất to lớn. Vì thế bà luôn cố gắng sống, học tập và làm việc hết mình để đền đáp công ơn ấy. Tuy đã gần 80 tuổi nhưng bà luôn cố gắng sống thật mẫu mực. Bà dạy con cháu phải cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, mang sức mình phục vụ cho Tổ quốc và nhân dân.


Ánh Tuyết