06:08 10/06/2017

Sức sống Trường Sa - Bài 1: Màu xanh của lá trên quần đảo đá

Trường Sa - tiếng gọi thân thiết, thiêng liêng với mỗi người Việt Nam. Ai cũng ao ước một lần được đặt chân tới quần đảo, thềm lục địa đầy nắng và gió của Tổ quốc.

Để có nước ngọt tưới rau, các chiến sĩ hải quân phải tiết kiệm nước trong sinh hoạt hàng ngày.

Vừa qua, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã tham gia cùng Đoàn Công tác số 10 gồm cán bộ Quân chủng Hải quân đến với Trường Sa. 10 ngày tới thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, chúng tôi cảm phục ý chí của những người lính biển kiên cường nơi đầu sóng; tự hào khi hòa nhịp hát Quốc ca trong lễ chào cờ trên đảo Sơn Ca; vui vẻ, yên bình với tiếng cười của trẻ nhỏ ở thị trấn Trường Sa; chứng kiến sự kết giao giữa biển đảo và đất liền thông qua các hoạt động ý nghĩa giữa đoàn công tác và đại diện các đảo.

Sống trong môi trường bao quanh là biển cả mặn mòi, muốn có một tấc đất cũng phải từ đất liền chuyển tới nhưng ở bất cứ đảo nào nằm trong quần đảo Trường Sa, chúng tôi đều tìm thấy những vườn rau, vườn cây xanh mướt. Để có màu xanh đó, cán bộ, chiến sĩ các đảo phải chắt chiu từng giọt nước, trân quý từng mầm cây.

Hãy mang cây đến đảo

Phát biểu trước khi đoàn công tác khởi hành, Đại tá Đỗ Doãn Hồng, Phó Chủ nhiệm Hậu cần, Quân chủng Hải Quân, Trưởng đoàn công tác nhắc vui mà thấm thía: “Cả nước hướng về Trường Sa, chúng ta góp đá xây Trường Sa. Vì thế, khi ra đến đảo, mong các anh chị không lấy đá, lấy cây về làm kỷ niệm. Để có một cây xanh trên đảo, cán bộ chiến sĩ tại đó phải chắt chiu từng vốc đất, từng giọt nước, dầy công chăm chút từng ngày”.

Khi đặt chân lên các đảo, chúng tôi mới tường tận sự quý giá của từng bóng cây xanh. Bao quanh các đảo là nghìn trùng sóng, nghìn trùng gió. Giữa biển khơi chỉ có hai mùa là mùa nắng và mùa khô. Cái nắng ở Trường Sa khô khốc, bỏng rát như những ngày Hà Nội nóng 39 - 40 độ C. Những ngôi nhà trên đảo đều được xây dựng trên các bãi đá, thời điểm mới xây dựng không có một bóng cây.

Trong điều kiện khắc nghiệt như thế, cán bộ chiến sĩ trên các đảo phải tiết kiệm từng giọt nước. Nhưng vì muốn nhìn thấy màu xanh của lá, nuôi dưỡng những mầm cây, các anh sẵn sàng 3 - 4 ngày không tắm để nhường nước tưới cây. Và màu xanh trên đảo bắt đầu từ sự chắt chiu như thế.

Trong các địa điểm chúng tôi tới ở quần đảo Trường Sa, màu xanh phủ rợp tại các đảo Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, Phan Vinh. Ấn tượng nhất phải kể đến đảo dừa Nam Yết. Được biết, 100 cây dừa đầu tiên trồng tại đảo Nam Yết cách đây 20 năm. Để trở thành đảo dừa xanh ngút mắt, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Nam Yết đã đào rất nhiều hố để khi quả dừa già rụng xuống sẽ mọc lên những lớp cây mới.

Dừa không chỉ là người bạn mang lại bóng mát, không khí trong lành mà còn là lá chắn giúp đảo Nam Yết chống chọi với những cơn bão to, gió lớn. Nam Yết cũng trở thành “chiếc nôi” nhân giống dừa trồng tại các đảo khác trên quần đảo này.

Do thời tiết khắc nghiệt nên những loài cây trồng tại đây phải có sức chống chọi thiên nhiên tốt. Các loại cây lâu năm được trồng chủ yếu trên các đảo là bàng vuông, sú, phong ba. Nhưng đừng tưởng trên đảo chỉ có màu xanh của trời, màu xanh của lá. Ở đây vẫn có những đảo rực rỡ như công viên trong đất liền. Đến đảo Phan Vinh , ai cũng ngỡ ngàng trước những cụm hoa giấy rực rỡ, đủ màu.

Chính trị viên đảo Phan Vinh, Thượng tá Phạm Văn Thường cho biết, hoa được trồng nhiều do các đồng chí lãnh đạo Quân chủng Hải quân muốn cán bộ, chiến sĩ của đảo sau những giờ tập luyện vất vả sẽ có không gian thư thái để vơi bớt mệt nhọc và nỗi nhớ đất liền nên đã chuyển nhiều giống hoa giấy ra đây. Ngoài những cây hoa giấy rực rỡ, đảo Phan Vinh còn lãng mạn, nên thơ bởi màu tím của những thảm hoa muống biển bao quanh đảo.

Những vườn rau thanh niên

Vườn rau xanh của cán bộ, chiến sĩ trên nhà dàn DK1.

Cùng với trồng cây lấy bóng mát, các đảo còn trồng rau để đảm bảo bữa ăn hàng ngày có rau xanh. Trung úy Nguyễn Đình Sơn, Chính trị viên đảo Đá Lớn B cho biết: “Trên đảo rất thiếu màu xanh cây cỏ nên dù trồng được một luống rau rất khó khăn, cán bộ trên đảo vẫn tích cực bằng mọi cách để giúp cây sinh trưởng.

Mỗi khi thời tiết thay đổi, anh em trên đảo lại phải di chuyển các ô rau vào những vị trí phù hợp để tránh nắng to, gió lớn. Do nước ngọt trên đảo vô cùng khan hiếm, nhiều khi chúng tôi không tắm 2-3 hôm, dành nước ngọt tưới rau hàng ngày. Nhìn những luống rau lớn lên ai cũng vui, giúp giảm bớt căng thẳng sau những giờ làm việc”.

Khi nhìn những bóng cây trên đảo đã quý, đến nhà giàn DK1, ai cũng phải ngỡ ngàng trước những ô rau đủ loại trồng nơi đây. Nhà giàn DK1 được dựng lên từ những trụ thép, cách mặt nước biển khoảng 30 mét. Giống như trồng rau ở các đảo khác, các chiến sĩ trên nhà giàn phải tiết kiệm nước, nhường nước cho rau. Tuy nhiên, do bão gió, nắng nóng ở nhà giàn khắc nghiệt hơn, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn chưa thể ứng dụng trồng rau bằng nhà lưới, nhà kính như một số đảo.
     
Với sự cần cù, sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ thuộc các đảo trên quần đảo Trường Sa đã nuôi dưỡng được màu xanh của cây lá trên những quần đảo đá. Một số đảo lớn, rau xanh đã cung ứng đủ cho các bữa ăn hàng ngày. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang hỗ trợ nhà lưới, nhà kính để trồng thử nghiệm rau xanh ở quần đảo Trường Sa và đã có kết quả ban đầu rất tốt.

Bài 2: Thầy thuốc với biển đảo quê hương

Bài và ảnh: Minh Thu (TTXVN)