03:10 05/03/2020

Sức sống mới trên 'ốc đảo' ở Trà Vinh

Sau hơn một năm dòng điện lưới quốc gia mang lại nguồn sáng, hai “ốc đảo”: Cồn Phụng, cồn An Lộc đã và đang thay da đổi thịt đến bất ngờ. Đó không chỉ là điều tai nghe mắt thấy của chúng tôi khi trở lại vùng đất này vào những ngày đầu năm mới 2020 mà cũng là cảm nhận của tất cả những ai đến đây và chính là điều mỗi người dân sống ở đây hồ hởi bộc bạch.

Chú thích ảnh
Điểm đóng điện vận hành công trình cấp điện cồn An Lộc.

Con tôm khơi dậy tiềm năng ốc đảo “Cồn Phụng”

Chuyến phà từ Bãi Vàng (xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, Trà Vinh) ra “ốc đảo” hôm ấy đông đúc hơn thường lệ. Đi đến đâu tôi cũng nghe người dân trò chuyện về con tôm trên “ốc đảo”. Cồn Phụng là một trong 10 ấp thụộc xã Long Hòa, huyện Châu Thành, Trà Vinh, nằm dọc theo nhánh sông Cổ Chiên. Ấp Cồn Phụng thành lập mới năm 2010, do điều kiện đặc thù tách biệt đất liền nên đời sống người dân rất khó khăn. Khi điện lưới về thì “ốc đảo” thay da đổi thịt. Không diễn tả hết được niềm vui, bà Phạm Thị Liên, 56 tuổi chia sẻ: Đời tui suốt hơn hai chục năm sống ở “ốc đảo” sông nước bồng bềnh, nhưng mà đâu hết nghèo, bởi thiếu điện không mở rộng sản xuất được. Mặc dù có đến 5 ha đất canh tác lúa xen canh nuôi tôm càng thả lan, nhưng thu nhập quanh năm chỉ đủ ăn. Điện lưới về, gia đình tui chuyển đổi qua nuôi tôm thẻ, sử dụng quạt máy bằng mô-tơ, lợi nhuận năm rồi đạt trên 200 triệu đồng".

Trên lộ trình xây dựng nông thôn mới nơi đây - điện, đường, trường, trạm phát triển hơn. Và theo đó, điện đã giúp người dân ở đây không chỉ giải quyết được những nhu cầu bức thiết của cuộc sống mà hơn thế là nâng cao đời sống tinh thần, giúp phát triển nhanh kinh tế, đặc biệt là nuôi tôm. Ông Nguyễn Văn Thanh - Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Nhân dân ấp Cồn Phụng hồ hởi cho biết: Toàn ấp có 136 hộ dân, diện tích đất trên 300 ha, đất sản xuất nông nghiệp 120 ha. Trước đây trồng lúa 3 vụ/năm kết hợp nuôi tôm càng thả lan trên ruộng, có khoảng 08 hộ dân nuôi tôm công nghiệp. Tuy nhiên chi phí đầu vào (chủ yếu là nhiên liệu dầu) quá cao nên việc nuôi tôm không đạt hiệu quả đáng kể. Năm nay điện lưới kéo về, sử điện lưới trong nuôi tôm tiết kiệm được 40% so với sử dụng dầu Do, nên có đến 80% hộ nông dân chuyển qua sử dụng điện nuôi tôm công nghiệp.  Năm 2019 bà con trúng mùa, thấp nhất cũng trên 100 triệu đồng/hộ, mức trung bình khoảng 200-300 triệu đồng/hộ, cao nhất có hộ từ 1 đến 1,2 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Công nhân Điện lực Châu Thành kiểm tra sửa chữa điện cho các hộ dân ấp Cồn Phụng.

Chuyển mình từ kinh tế vườn và du lịch ở cồn An Lộc

Tiếp nối niềm vui của chính quyền và người dân ấp Cồn Phụng, tại xã Long Hòa, huyện Châu Thành, vừa đặt chân lên bến đò, chúng tôi cảm nhận được không khí náo nhiệt, những gánh hàng tập nập chở theo hàng hóa chủ yếu là “trái cây” được trồng từ cồn An Lộc chuyển vào đất liền. Từ khi có điện, cả “ốc đảo” nhộn nhịp lên. Người dân đất cù lao này chia sẻ: Giờ đây, khi trời đêm buông xuống, cồn An Lộc sẽ rực sáng ánh điện trong những căn nhà, những vườn cây sum suê trĩu quả, những con đường bê tông thẳng tắp….

Cồn An Lộc, hay còn gọi là cồn Bần Chát (ấp An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) nằm trên dòng sông Hậu, diện tích tự nhiên rộng trên 473 ha, trong đó đất canh tác 167 ha, có 146 hộ dân sinh sống. Cồn cách đất liền khoảng một km, qua đò ngang mất khoảng hơn 15 phút, được thiên nhiên ưu đãi với cây trái sum suê, cá tôm dồi dào; cồn còn nổi tiếng với những người dân cần cù, chân chất và thân thiện. Trước đây, khi chưa có điện toàn ấp chỉ có 43 hộ dân sử dụng điện năng lượng mặt trời, số còn lại sử dụng bình ắc quy, đèn dầu thắp sáng; cá biệt một số hộ có điều kiện kinh tế  khá thì mua máy phát điện để sử dụng.  Không có điện lưới, “ốc đảo” nhiều năm liền không phát triển. Khi điện lưới quốc gia được kéo về thì gần như nhà nào cũng có mảnh vườn trồng đủ loại cây trái theo mùa như: ổi, xoài, nhãn, mận, dâu, bòn bon, chôm chôm, vú sữa, sầu riêng…, trong đó nhiều nhất là nhãn, xoài, chuối.

Ông Nguyễn Văn Lác, 61 tuổi  có 30 năm sống ở “ốc đảo”, một trong 06 hộ dân lập nghiệp ở cồn này tâm sự: Tôi canh tác khoảng 8,6 ha vườn. Trước đây chưa có điện dùng máy nổ để tưới tiêu thì bình quân mỗi ngày hết hoảng 60.000 đ tiền nhiên liệu. Nay có điện sử dụng từ 3-5 kWh, chi phí chỉ khoảng 10.000đ. Vụ này thu hoạch lãi trên 300 triệu đồng, lợi nhuận tăng cao do chí phí đầu vào giảm. Mặt khác rất tiện lợi, chỉ cần bật công tắc là hệ thống nước tự động tưới. Cùng đó, khi có điện, gia đình còn xem tin tức thời sự, xem chương trình khuyến công học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất trên Đài truyền hình. Thực sự có điện người dân cồn An Lộc đổi đời.

Điện không chỉ là động lực phát triển kinh tế vườn, mà còn phát triển ngành chế biến và du lịch sinh thái vườn, là điều kiện nâng cao đời sống người dân. Có lẽ đến tận bây giờ người dân “ốc đảo” cồn An Lộc chưa có niềm hạnh phúc nào hơn khi được đón điện lưới quốc gia. Điện về, niềm vui của người dân như vỡ òa sau bao năm khao khát và ước mơ đổi đời, đi lên đã thành hiện thực. Ông Lê Quốc Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cho biết: Toàn ấp với diện tích đất trồng nông nghiệp 170 ha và sản lượng thu hoạch trái cây 200 tấn/năm. Điện kéo về kinh tế phát triển nhanh, số hộ nông dân khá lên và giàu tăng trên 20% so với năm trước khi chưa có điện. Chính quyền xã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất dần sang các loại cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao, tạo hướng đi mới cho nhà vườn sản xuất sản phẩm sạch, an toàn cung cấp cho thị trường xuất khẩu và trong nước. Mặt khác còn liên kết Công ty TNHH 1TV Thủy sản Biển Đông mở rộng đầu tư thêm 30 ha diện tích nuôi cá tra. Đến nay đã xây dựng được khu nuôi trồng thủy sản lên 60 ha (tăng 30 ha so với năm trước); đồng thời xây dựng đề án báo cáo về Tỉnh quy hoạch đầu tư khu vực cồn An Lộc thành khu sinh thái mô hình vườn cây ăn trái, phát triển du lịch trong tương lai sắp tới.

Tiếp nhận nhu cầu bức thiết của người dân “ốc đảo” qua các lần tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh kiến nghị ngành điện đưa điện lưới quốc gia về vùng đất này. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị nên ngành điện triển khai ngay mặc dù kinh phí rất lớn (bình quân trên 94 triệu đồng/ hộ dân). Để triển khai và đẩy nhanh tiến độ dự án này, Ông Huỳnh Chí Hải, Giám đốc Công ty Điện lực Trà Vinh cho biết: EVN SPC vay vốn qũy tín dụng Trà Vinh và phối hợp chính quyền thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng , tập trung thi công để đóng điện phục vụ tết nguyên đán vào tháng 01/2019. Và sau khi hoàn thành dự án này cũng góp phần giúp huyện Cầu Kè đạt tiêu chí huyện nông thôn mới năm 2019. Sự nỗ lực của ngành điện đã tạo được niềm tin và sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Chiều về dần, chia tay cồn An Lộc, nhìn những cột điện thẳng tắp, cao sừng sững trên các đê bao, chúng tôi cảm nhận rõ sức sống mới ở đây khi ước mơ điện về “ốc đảo” cuối cùng của tỉnh Trà Vinh đã thành hiện thực. Điện đã sáng trong từng căn nhà, trên từng ao tôm… và hơn thế trong lòng mỗi người dân ở đây cũng đang tràn đầy một ánh sáng mới – ánh sáng của niềm tin và hạnh phúc.

Chú thích ảnh
Hộ dân Nguyễn Văn Trọn, cồn An Lộc dùng điện lưới cho hệ thống tưới nước tự  động.
Dự án cấp điện cồn Phụng khối lượng đường dây trung áp 3 pha 22kV trên không 6,346 km; đường dây trung áp 3 pha 22 kV ngầm (vượt sông) 0,487 km; đường dây hạ áp 3 pha 14,368 km; 07 trạm biến áp 1.050kVA và lắp đặt 136 công tơ. Tổng vốn đầu tư 14,6 tỷ đồng do EVNSPC làm chủ đầu tư, hoàn thành tháng 12/2018 Dự án cấp điện cồn An Lộc khối lượng đường dây trung áp 3 pha trên không 3,997 km; đường dây trung áp 3 pha ngầm hóa 0,720 km; đường dây hạ áp 3 pha 5,564 km; 4 trạm biến áp, dung lượng 450 kVA và lắp đặt 146 công tơ. Tổng vốn đầu tư trên 12 tỷ đồng do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) làm chủ đầu tư, hoàn thành tháng 12/2018
Bài và ảnh: Đặng Huy Hoàng