02:10 27/02/2018

Sức sống mới trên bản Chu Va ở Lai Châu

Sau gần 4 năm xảy ra sự cố lật cầu treo Chu Va 6 tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu), gia đình của các nạn nhân đã được giúp đỡ và hỗ trợ kinh phí nên đã vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế để ổn định đời sống.

Với sự hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật trồng thảo quả của Trạm Khuyến nông huyện, nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường đã trở thành hộ khá của bản từ trồng thảo quả. Ảnh: baolaichau.vn

Cách nay gần 4 năm, vào khoảng 9 giờ 30 phút ngày 24/4/2014, người dân 2 bản Chu Va 6, Chu Va 8 tổ chức đưa ma anh Chang A Súa, khi đoàn hơn 40 người đang đi trên cầu treo Chu Va 6, bỗng cáp cầu bị tuột đầu mối, mặt cầu lật, cả đoàn người rơi xuống suối khiến 8 người chết, hàng chục người bị thương nặng. Các cấp chính quyền kịp thời có mặt động viên và huy động lực lượng cứu nạn, chữa trị bệnh nhân.

Sau sự cố đứt cáp, mặt cầu Chu Va 6 bị lật, chính quyền đã sớm vào cuộc, chỉ đạo các đơn vị sớm khắc phục lại cầu, phục vụ đi lại của người dân nơi đây. Cầu treo mới chắc chắn hơn, người dân yên tâm khi đi lại trên cầu.

Theo ông Hoàng Thọ Trung, Bí thư Huyện ủy Tam Đường, các gia đình nạn nhân được chính quyền các cấp, đơn vị hảo tâm hỗ trợ tiền, sổ tiết kiệm để trang trải công việc gia đình và đầu tư phát triển kinh tế. Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Sơn Bình, các tuyến đường tại bản Chu Va 6 và Chu Va 8 đã được bê tông hóa sạch đẹp, đời sống người dân ngày một nâng lên, nhiều hộ dân đã thoát nghèo.

Chồng mất trong vụ lật cầu Chu Va 6, chị Hàng Thị La, 37 tuổi, dân tộc Mông ở bản Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường vẫn một mình một bóng, vất vả thay chồng chăm lo cho 3 con nhỏ ăn học. Gia đình được chính quyền địa phương, nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 100 triệu đồng. Chị La gửi tiết kiệm ngân hàng để chi phí cho các con ăn học và đầu tư xây chuồng trại chăn nuôi lợn, gà. Giờ đây, cuộc sống gia đình chị dần ổn định, kinh tế được cải thiện. Chị La vẫn tiết kiệm gửi ngân hàng 60 triệu đồng để lo cho các con ăn học sau này.

Chị Hàng Thị La chia sẻ: “Chồng mất trong vụ lật cầu Cha Va 6, để lại 3 con nhỏ, cuộc sống gia đình rất vất vả. Được Nhà nước và các đơn vị quan tâm, hỗ trợ tiền, giúp mẹ con đỡ phần khó khăn và có điều kiện nuôi con cái ăn học, phát triển kinh tế gia đình”.

Chị La mất chồng là mất đi trụ cột gia đình, nhưng chị sẽ không đi bước nữa, ở vậy nuôi 3 con ăn học, trưởng thành. Gia đình có ruộng, nương thảo quả và chăn nuôi lợn, gà nên kinh tế cũng ổn định. Giờ đây, con cái chăm ngoan, học giỏi là niềm động viên, an ủi cho chị.

Sau vụ sập cầu, ông Chang Páo Sử, dân tộc Mông, Trưởng bản Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường bị gãy cột sống, đi cà nhắc và không làm được những việc nặng. Giờ đây, ông Sử thường xuyên ra cầu Chu Va 6 để kiểm tra và vặn lại ốc các khớp nối, bảo đảm an toàn cho dân bản đi lại.

Theo ông Sử, lúc bị nạn, nhờ được các cấp chính quyền quan tâm, các đơn vị hỗ trợ kinh phí để chữa trị kịp thời không giờ đây phải nằm liệt giường. Còn sống và đi lại được là may mắn hơn người khác. Ông Sử có tiền hỗ trợ gần 100 triệu đồng nên đầu tư chuồng trại nuôi lợn, gà, hàng năm bán thu lãi hàng chục triệu đồng, có tiền nuôi các con ăn học.

Những gia đình có người bị nạn được chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm kịp thời động viên, hỗ trợ nên giờ đây đời sống của bà con dân bản được nâng lên. Nỗi đau ngày nào đã vơi đi.

Ông Vàng A Hồ, Chủ tịch xã Sơn Bình, huyện Tam Đường cho biết: Các gia đình nạn nhân vụ lật mặt cầu Chu Va 6 là dân tộc Mông ở bản Chu Va 6 và Chu Va 8. Nhờ có tiền hỗ trợ và sự quan tâm của các cấp chính quyền, các hộ dân biết tiết kiệm, phát triển sản suất, nuôi con cái ăn học, đời sống khấm khá hơn trước.

Đầu năm mới, trong cái se lạnh mùa đông ấm áp nơi vùng cao, bên hiên nhà của đồng bào dân tộc H’Mông nơi đây có những cây đào rêu phong nở hoa, báo hiệu xuân no ấm trên bản Chu Va. Bà con dân tộc H’Mông súng sính bộ trang phục thổ cẩm truyền thống rực rỡ sắc màu, khuôn mặt tươi vui đi chơi hội đầu xuân.

Việt Hoàng (TTXVN)