12:14 24/12/2015

Sức sống mới nơi phum, sóc

Nhờ những chính sách đầu tư đặc thù của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới, diện mạo ở những nơi có đông đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thay đổi rõ nét.

Khoác màu áo mới

Tại xã vùng sâu Lâm Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, nơi có hơn 40% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, những ngôi nhà khang trang nằm dọc theo con đường bê tông, từ trung tâm xã đến các ấp như tô điểm cho sự phồn thịnh, vươn mình ở một xã vùng sâu. Theo người dân địa phương, các chương trình, dự án đầu tư đã giúp nâng cao đời sống của người dân tại các phum, sóc. Con em dân tộc Khmer được học hành, nhiều hộ được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, điện lưới vào nhà…

Con đường bê tông liên xã Tân Long, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Trường Giang/TTXVN

Sự đổi thay này là nỗ lực trong 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới. Từ một xã thuần nông ban đầu chỉ đạt 6 tiêu chí, đến nay Lâm Tân đã đạt cả 19 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông được cứng hóa đến các ấp, thủy lợi phục vụ sản xuất, có 21 trạm biến áp với tổng đường dây hạ thế dài gần 42 km, nâng tổng số hộ có điện sử dụng đến nay đạt 98,28%. Có 75% trường học các cấp được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,6 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,58%.

Ông Danh Hẹn, Phó ban Quản trị chùa Lộ Mới, xã Lâm Tân, cho biết: “Đời sống của bà con Khmer trong xã bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Ngày trước đi lại khó khăn, toàn đi bằng ghe xuồng. Bây giờ có đường bê tông, nhà nào cũng sắm được xe máy để đi lại. Học sinh nghèo được hỗ trợ sách vở, quần áo. Làm ruộng được cơ giới hóa, không còn phải gặt thủ công như trước. Những năm qua, đồng bào Khmer đón lễ hội truyền thống bằng nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, với tinh thần vui tươi lành mạnh, tăng cường đoàn kết, phát triển”.

Còn tại tỉnh Trà Vinh, tỉnh có hơn 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sống tập trung chủ yếu ở vùng sâu, qua 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã có 17/85 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Có được kết quả này là nhờ quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, trong đó có sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer.

Xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) - xã có đông đồng bào Khmer sinh sống và được công nhận xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Trà Vinh từ năm 2013, những năm qua, người dân không chỉ nỗ lực giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới mà còn tiếp tục nâng cao chất lượng sống của chính mình. Ông Thạch Ngọc Sang, Bí thư Chi bộ ấp Đại Trường, xã Tiểu Cần cho biết: “Đại Trường là một trong 8 ấp của xã hiện có gần 90% là đồng bào dân tộc Khmer. Vụ lúa hè thu năm 2011, Đại Trường cùng ấp Cầu Tre được xã Phú Cần chọn làm điểm xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn. Năng suất lúa tăng, từ 4 - 5 tấn/ha/vụ năm 2011 lên 7 - 8 tấn/ha/vụ năm 2015; cá biệt có một số hộ đạt 9 - 10 tấn/ha/vụ. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tăng lên rõ nét. Toàn ấp hiện chỉ còn 24 hộ nghèo. Từ năm 2008 đến nay, Đại Trường luôn giữ vững danh hiệu “Ấp văn hóa”, “Ấp an toàn về an ninh trật tự”…”.

Tại ngôi chùa Khmer Chac A Rôn, ấp Đại Trường, xã Phú Cần, vào những ngày mùng 8, 15, 23 và 30 âm lịch hàng tháng, rất đông đồng bào Khmer đến lễ Phật, và nghe sư cả Thạch Thưa tuyên truyền các nội dung về xây dựng nông thôn mới, phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, giáo dục phật tử không vi phạm pháp luật, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư… Người dân địa phương còn xem sư cả Thạch Thưa như “chuyên gia” nông nghiệp thứ thiệt; bởi chỉ có 2,3 ha đất của chùa được sư cả ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất theo chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” rất hiệu quả.

Đổi thay từ chính sách

Tính đến nay, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín địa bàn vùng đồng bào DTTS và vùng đặc biệt khó khăn. Hiện có khoảng 94 chính sách đặc thù hỗ trợ vùng DTTS và vùng đặc biệt khó khăn được thể chế qua ba nghị định, một nghị quyết của Chính phủ và 90 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh các chương trình, dự án, chính sách của trung ương như: Chương trình 135, các quyết định 134, 167, 74, 29… đã tập trung triển khai thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc nói chung, khu vực ĐBSCL còn nỗ lực thực hiện Quyết định 74/2008/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL giai đoạn 2008 - 2010 góp phần giúp nhiều gia đình đồng bào dân tộc Khmer đã ổn định cuộc sống, chuyên tâm làm ăn và phấn đấu thoát khỏi diện nghèo.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, thực hiện Quyết định 74, Hậu Giang đã hỗ trợ gần 2.000 hộ nông dân Khmer, trong đó có 88 hộ được hỗ trợ đất ở, 758 hộ được hỗ trợ đất sản xuất và 1.146 hộ được giải quyết việc làm. Nhờ đó, đời sống đồng bào Khmer Hậu Giang có chuyển biến tích cực, số hộ nghèo giảm dần qua từng năm, hộ khá giả ngày càng tăng. Xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho đồng bào với khoảng 400/750 hộ Khmer được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Phần lớn các hộ này đã thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế và thoát khỏi diện nghèo. Trung bình mỗi năm có khoảng 40 hộ Khmer trong xã thoát nghèo, hiện nhiều gia đình đang thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và đăng ký thoát nghèo trong các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, để giúp đồng bào Khmer chủ động lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, trồng; hỗ trợ kinh phí mua cây, con giống cho từng hộ. Hàng tháng, các hội, đoàn thể của từng địa phương tổ chức thăm hỏi và nắm bắt tình hình đối với các hộ được hỗ trợ để kịp thời giúp đỡ, xử lý khi có dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tại tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới như mô hình cánh đồng mẫu lớn, trồng rau sạch, chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi tôm thâm canh trong nhà kính… Các mô hình này đã góp phần thực hiện thành công phong trào xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân.

Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng 45 mô hình sản xuất có hiệu quả để làm điểm nhân rộng nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp. Điển hình như mô hình sản xuất lúa theo hướng liên kết cánh đồng mẫu lớn, nuôi tôm và vịt theo hướng an toàn sinh học, mô hình tôm - lúa,…, giúp nhiều hộ Khmer có nguồn thu nhập ổn định, qua đó giúp họ tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Thực tế nói trên cho thấy, những chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS đã triển khai hiệu quả thông qua mối liên kết phối hợp với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giữa kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương gắn với phát triển sinh kế cho đồng bào DTTS. Đến nay, đời sống của đồng bào Khmer đang dần thay đổi toàn diện. Không chỉ đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao, đồng bào Khmer ở các phum, sóc còn luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, chung tay góp sức xây dựng quê hương.
Anh Đức - Chanh Đa