12:14 24/12/2016

Sức sống của một xã đảo vùng biên

Năm 2016, sản lượng đánh bắt của xã Thổ Châu (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) ước đạt 150 tấn hải sản các loại và 30 tấn cá nuôi trồng; tăng 1,1% so với năm 2015. Cùng với đánh bắt, chế biến hải sản, các ngành nghề thương mại dịch vụ, sản xuất nông nghiệp... cũng phát triển.

Tuy điều kiện giao thông đi lại, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn song Thổ Châu có nhiều tiềm năng, lợi thế. Nếu được khai thác một cách hợp lý, hiệu quả, sẽ giúp cho xã đảo tiền tiêu của Tổ quốc ngày càng khởi sắc.

Xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, được thành lập theo Quyết định số 75/CP của Thủ tướng Chính phủ vào năm 1993. Thổ Châu là hòn đảo nhỏ, dân cư sống theo mùa. Mùa biển lặng (từ tháng 9 đến tháng 4 âm lịch) người dân sinh sống ở Bãi Ngự, sang tháng 5 trở đi phải dời về Bãi Dong vì Bãi Ngự sóng gió nhiều. Khoảng cách giữa hai bãi dài 5 km, vì vậy việc “định cư” của người dân cũng gặp khó, nhất là đến mùa tựu trường, các em học sinh đi lại vất vả hơn.

Giờ học tập của các cháu mầm non trên đảo Thổ Châu. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Những năm đầu thành lập, tại xã đảo chỉ có 6 gia đình với khoảng 30 người đến lập nghiệp. Đến nay, Thổ Châu đã dần dần trở thành một khu dân cư đông đúc với 544 hộ, 2.031 nhân khẩu. Cơ sở hạ tầng được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, cơ bản tạo điều kiện cho kinh tế xã đảo không ngừng phát triển, đặc biệt là nghề thu mua, chế biến mực, cá cơm xuất khẩu. Ngư nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của xã với hơn 51 chiếc tàu đánh bắt hải sản, 7 cơ sở thu mua, chế biến mực, trong đó có 3 cơ sở quy mô lớn, giải quyết việc làm cho trên 200 lao động tại xã. Hàng năm xã xuất khẩu hơn 850 tấn mực, cá thành phẩm.

Năm 2016, toàn xã ước đạt sản lượng đánh bắt 150 tấn hải sản các loại và 30 tấn cá nuôi trồng; tăng 1,1% so với năm 2015. Cùng với đánh bắt, chế biến hải sản, các ngành nghề thương mại dịch vụ, sản xuất nông nghiệp... cũng phát triển. Kinh tế từng bước cải thiện, đời sống của đại bộ phận người dân không ngừng được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của cư dân xã đảo đạt trên 18 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn gần 7,7%.

Là một xã biên giới hải đảo còn khó khăn về nhiều mặt, nhưng Thổ Châu cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế; nếu được quan tâm đầu tư, khai thác hợp lý sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đó là những tiềm năng trong phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, tiểu thủ công nghiệp, sửa chữa tàu thuyền, sơ chế biến thủy hải sản... Ngoài ra, Thổ Châu cũng có những bãi biển đẹp và khung cảnh trầm lắng, thơ mộng hữu tình rất phù hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng.

Ông Nguyễn Trường Vũ - Bí thư Đảng ủy xã Thổ Châu cho biết: Nhân dân xã đảo rất vui mừng trước Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Phú Quốc, trong đó định hướng Thổ Châu phát triển sinh thái rừng và biển. 

Hiện xã đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng đường quanh đảo, các công trình dân sinh thiết yếu, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Xã tập trung đầu tư tăng sản lượng khai thác, nuôi trồng, chế biến, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, phấn đấu đến năm 2020 ngành kinh tế chủ đạo của xã chuyển dịch theo hướng khai thác thủy sản - du lịch.

Tuy nhiên, trong phát triển kinh tế - xã hội, Thổ Châu còn gặp không ít khó khăn về điện, nước sinh hoạt. Người dân Thổ Châu còn thiếu vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất; ô nhiễm môi trường, nhất là tại các cơ sở chế biến hải sản ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân… Để khai thác, phát huy các tiềm năng sẵn có phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xã đảo Thổ Châu rất cần có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong tỉnh.

Thời gian tới, chính quyền và người dân xã đảo sẽ khắc phục khó khăn, phát huy những tiềm năng, lợi thế, vươn lên xây dựng địa phương ngày càng phát triển về kinh tế, ổn định về trật tự an toàn xã hội, vững chắc về an ninh quốc phòng, góp phần đưa Thổ Châu ngày càng đi lên.

Lê Sen (TTXVN)