11:09 24/11/2022

Sức sống bền bỉ của khoa học lý luận chính trị trong giáo dục chính trị - đạo đức cho các thế hệ

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ là hai giải thưởng cao nhất thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ do Đảng, Nhà nước trao tặng cho tác giả công trình, cụm công trình có giá trị cao về khoa học, công nghệ và thực tiễn.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ cho tác giả, đại diện tác giả, đại diện đồng tác giả của 12 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trong 29 công trình, cụm công trình nghiên cứu có giá trị cao và khả năng ứng dụng thực tiễn được trao giải đợt 6, có nhiều công trình, cụm công trình được trao cho các cố giáo sư nhằm ghi nhận những đóng góp của họ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nói riêng, cũng như phát triển kinh tế - xã hội nói chung; khẳng định sức sống bền bỉ của khoa học lý luận chính trị trong giáo dục chính trị - đạo đức cho các thế hệ và đóng góp vào công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Công trình "Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay"

Công trình "Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay" của cố Giáo sư Nguyễn Đức Bình là 1 trong 12 công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Công trình khẳng định tư tưởng xuyên suốt và bảo vệ chủ thuyết phát triển của Việt Nam thời đại ngày nay, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Công trình đã luận giải một cách sâu sắc, có cơ sở lý luận - thực tiễn những nguyên nhân khách quan và chủ quan về sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu; đồng thời luận giải một cách thuyết phục về tính tất yếu lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa của cách mạng Việt Nam. Đó là sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là do sự lựa chọn của chính thực tiễn lịch sử Việt Nam. Đây là một trong những cơ sở khoa học để khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng.

Với vai trò là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 1996 - 2001, Giáo sư Nguyễn Đức Bình đã đóng góp rất quan trọng vào công tác lý luận của Đảng. Công trình "Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay" đã góp phần làm sâu sắc thêm lý luận chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên nhiều khía cạnh như: Phép biện chứng duy vật, những vấn đề phương pháp luận, đến mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, vấn đề xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về văn hóa và con người, về công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, về dân chủ hóa trong Đảng, xây dựng văn hóa Đảng, chống tự diễn biến, về giáo dục chính trị tư tưởng, về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, về đấu tranh tư tưởng, lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong điều kiện hiện nay.

Công trình "Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam"

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ cho các tác giả, đồng tác giả, đại diện tác giả. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Công trình "Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam" của cố Giáo sư Đinh Xuân Lâm là 1 trong 17 công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ. Công trình là tuyển tập gồm 70 trong tổng số hơn 400 công trình nghiên cứu suốt nửa thế kỷ cầm bút từ năm 1962 đến khi Giáo sư Đinh Xuân Lâm mất. Những đóng góp của các công trình nghiên cứu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc góp phần định hướng, điều chỉnh một số quan điểm, đánh giá những vấn đề, nhân vật lịch sử còn gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam.

Công trình "Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam" có đóng góp lớn trong nghiên cứu và làm sáng tỏ diện mạo nội dung, đặc điểm, tính chất và vai trò, vị trí của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược vào nửa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Công trình cũng đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu về Hồ Chí Minh và mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.
 
Khác với các công trình đương thời chỉ đi sâu khai thác và trình bày các khía cạnh, đóng góp cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nghiên cứu của Giáo sư Đinh Xuân Lâm mang tầm khái quát cao khi đánh giá công lao và những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiến trình cách mạng thế giới thế kỷ XX.
 
Qua công trình, người đọc không chỉ hiểu được đầy đủ và toàn diện hơn tầm vóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng và dân tộc Việt Nam, mà còn thấy rõ ảnh hưởng và vai trò của Người với tư cách một nhà cách mạng nổi tiếng, danh nhân văn hóa thế giới.

Công trình nghiên cứu của Giáo sư Đinh Xuân Lâm còn góp phần làm thay đổi nhận thức và cách đánh giá của giới sử học Việt Nam về một số vấn đề nhạy cảm đã gây ra các cuộc tranh luận trong nhiều thập kỷ sau năm 1954.
 
Trong công trình nghiên cứu, ông đã phân tích, giải mã một số hiện tượng, vấn đề lịch sử phức tạp nên những nghiên cứu của ông là rất mới, góp phần hình thành nên những nhận thức mới, kiến giải mới về lịch sử dân tộc. Công trình "Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam" đã thổi luồng gió mới, từ đó Giáo sư Đinh Xuân Lâm cùng với các đồng nghiệp, học trò mạnh dạn đổi mới tư duy và các phương pháp nghiên cứu lịch sử, góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu lịch sử và nền sử học Việt Nam hiện đại có những bước tiến đáng kể trên cả phương diện phương pháp luận và nhận thức đối với nhiều vấn đề lịch sử dân tộc, nhất là trong thời kỳ cận-hiện đại.

Cụm công trình "Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI - XVIII"

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ cho các tác giả, đồng tác giả, đại diện tác giả. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Cụm công trình "Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI - XVIII", Tập I: Thế kỷ XI - XV; Tập II: Thế kỷ XVI - XVIII của cố Giáo sư, Tiến sĩ Trương Hữu Quýnh là 1 trong 17 công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ.

Công trình nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống và toàn diện, gồm 2 tập gắn với 2 giai đoạn của lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam về tình hình ruộng đất và nền kinh tế nông nghiệp của quốc gia Đại Việt thời quân chủ, xuyên suốt 8 thế kỷ trên một không gian lãnh thổ rộng lớn. Từ góc độ nghiên cứu, tác giả chỉ ra một số hạn chế trong các chính sách của Nhà nước phong kiến đối với các hình thức sở hữu ruộng đát, đặc biệt là hạn chế việc tích tụ lớn về ruộng đất, không hình thành tầng lớp địa chủ lớn, cản trở việc hình thành nền kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp, tích lũy tư bản chậm và muộn hơn so với một số quốc gia trong khu vực...

Cụm công trình "Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI - XVIII" của Giáo sư, Tiến sĩ Trương Hữu Quýnh được coi là chiếc chìa khóa giúp nhận thức đầy đủ nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử Việt Nam thời trung đại như thiết chế chính trị, cơ cấu nền kinh tế, hệ tư tưởng, bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Công trình nghiên cứu cũng góp phần nhận diện rõ hơn về hình thái kinh tế - xã hội Việt Nam thời trung đại, đồng thời có giá trị cao về khoa học và công nghệ, là chuyên khảo sớm nhất và duy nhất cho đến hiện nay đã phục dựng lại bức tranh toàn cảnh về chế độ ruộng đất.
 
Cụm công trình nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sĩ Trương Hữu Quýnh có ảnh hưởng lớn tới xã hội trong việc hoạch định chính sách về nông nghiệp và nông thôn, chính sách xã hội đối với nông dân, cơ sở khoa học của công trình góp phần tích cực trong quá trình xác định và điều chỉnh tiêu chí nông thôn mới trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đã và đang tiếp tục triển khai ở các địa phương trong cả nước.

Cụm công trình "Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, lý luận bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng"

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ cho ông Nguyễn Quang Mâu và 10 đồng tác giả với công trình “Nghiên cứu công nghệ nghiền khô siêu mịn, nâng cao mức độ tự động hoá và hiệu quả sử dụng nhiệt trong sản xuất ngói cao cấp”. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Cụm công trình này của cố Giáo sư Trần Xuân Trường và 16 đồng tác giả, là 1 trong 17 công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ. 
 
Tư tưởng xuyên suốt của công trình khoa học là khẳng định "Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là dòng sữa tinh thần nuôi sống dân tộc Việt Nam từ thời đại lập quốc xa xưa cho đến ngày nay và mãi mãi mai sau. Dân tộc Việt Nam còn thì còn chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa yêu nước như là động lực tinh thần chủ yếu của dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước".

Cụm công trình đã đưa ra khái niệm chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, luận giải sự hình thành, phát triển từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đến chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa với những đặc trưng của nó.

Sự luận giải về chủ nghĩa yêu nước được đánh giá là sâu sắc, có sức thuyết phục, dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chiều sâu lịch sử dân tộc Việt Nam. Cái mới nổi bật của công trình là đưa ra quan niệm khoa học và luận giải về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. 

Đây là giá trị đạo đức cao nhất, phổ biến nhất của con người Việt Nam, là động lực tinh thần lớn nhất, trường tồn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Ngoài ra, công trình có giá trị và ý nghĩa trong giáo dục chính trị - đạo đức cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, đã được Tổng cục Chính trị đưa vào Tủ sách Hồ Chí Minh, trở thành tài liệu giáo dục thường xuyên đối với cán bộ, chiến sĩ từ hàng chục năm nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Lộc, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, đồng thời cũng là một trong những tác giả của cụm công trình chia sẻ niềm phấn khởi, vui mừng khi công trình được xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ. Đây là phần thưởng rất cao quý, vinh dự không chỉ cho các tác giả mà của cả Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng. Cụm công trình có công lao và đóng góp lớn của cố Giáo sư Trần Xuân Trường.

Trong điều kiện những năm đầu của sự nghiệp đổi mới khi mà hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới vừa mới sụp đổ, tư tưởng lý luận cũng đang bị khủng hoảng, nhiều vấn đề lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học chưa được sáng tỏ, kết quả nghiên cứu của cụm công trình về định hướng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội thực sự là đột phá tư duy, là một cơ sở quan trọng để Đảng ta hoạch định những vấn đề trong Cương lĩnh, đường lối đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, các khái niệm định hướng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực, trong đó có khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được bổ sung phát triển hoàn thiện cùng với quá trình phát triển tư duy của Đảng ta, nhưng quan niệm khoa học về định hướng xã hội chủ nghĩa khởi đầu do đề tài đề xuất vẫn cơ bản giữ nguyên giá trị.

HL (TTXVN)