08:14 21/08/2014

Sức mạnh đại đoàn kết trong Cách mạng tháng Tám

Trong trang sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi, một bước ngoặt vĩ đại của dân tộc.

Trong trang sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi, một bước ngoặt vĩ đại của dân tộc. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 là biểu tượng tuyệt vời của sức mạnh Việt Nam, của tinh thần, ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.


Bản lĩnh, tầm vóc, ý nghĩa


Cách mạng tháng Tám thành công là kết tinh truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc ta có lịch sử hàng nghìn năm chống xâm lược, là kết quả của 80 năm chống ách thống trị thực dân, trực tiếp là 15 năm đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.

 

Mít tinh tổng khởi nghĩa ở quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu

Trong những ngày đầu tháng 8/1945, phát xít Đức, Nhật lần lượt đầu hàng Đồng minh. Nắm bắt thời cơ cách mạng, từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) nhận định cơ hội cho nhân dân Việt Nam giành chính quyền độc lập đã tới, những điều kiện cho cuộc khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi. Hội nghị chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền, và thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ngay trong đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc gửi Quân lệnh số 1 cho đồng bào và chiến sĩ cả nước nhanh chóng vùng dậy giành chính quyền độc lập.


Ngày 16/8/1945, cũng tại Tân Trào, Đại hội quốc dân được triệu tập, thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh, thông qua Lệnh tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban giải phóng dân tộc (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 17/8/1945, các thành viên trong Ủy ban giải phóng dân tộc đã ra mắt quốc dân và làm lễ tuyên thệ trước sân đình Tân Trào. Thay mặt Ủy ban, Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng cũng không lùi bước. Xin thề!”.


Ngày 18/8/1945, các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam giành được chính quyền. Ngày 19/8/1945, Hà Nội khởi nghĩa. Ngày 23/8/1945, Huế khởi nghĩa. Ngày 25/8/1945, Sài Gòn khởi nghĩa. Ngày 28/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở tỉnh lị Hà Tiên. Như vậy, về cơ bản chỉ trong vòng hơn 10 ngày đêm chính quyền của bọn đế quốc và phong kiến tay sai thống trị gần một trăm năm đã bị đập tan và chế độ quân chủ tồn tại hàng ngàn năm đã bị xóa bỏ vĩnh viễn, chế độ thuộc địa nửa phong kiến sụp đổ.


Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở đường đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới trong lịch sử của mình: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà nước công nông ra đời ở Việt Nam, nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa và nửa phong kiến trở thành một nước độc lập tự do và dân chủ.

Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng lãnh đạo một nhà nước độc lập, một quốc gia - dân tộc, và như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 năm tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.


Sự thống nhất, gắn bó giữa ý Đảng, lòng dân


Để làm nên thắng lợi vĩ đại Cách mạng tháng Tám, Đảng đã trải qua một quá trình xây dựng lực lượng, đúc rút kinh nghiệm lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền. Từng thời kỳ, Đảng định ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể phù hợp để tập hợp quần chúng, xây dựng lực lượng cách mạng; lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp với trình độ giác ngộ và khả năng đấu tranh của các tầng lớp, giai cấp; kết hợp đúng đắn giữa xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang; xây dựng và bố trí lực lượng đều khắp trên các địa bàn nông thôn và thành thị; gắn xây dựng lực lượng với đấu tranh, thông qua đấu tranh để củng cố, phát triển lực lượng. Đảng và Bác dự đoán đúng thời cơ và hành động kiên quyết, đúng lúc; khởi nghĩa phải đưa vào cao trào cách mạng của toàn dân; khởi nghĩa từng phần giành chính quyền địa phương tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc.


Cách mạng tháng Tám 1945 cũng đã để lại nhiều bài học vô cùng quý báu. Một trong những bài học đó là: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để lãnh đạo cách mạng thành công, Đảng phải dựa vào nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ, luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân. Lúc phát động cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, Đảng chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, một con số rất nhỏ bé so với tổng số dân nước ta lúc đó là vào khoảng 20 triệu người.


Nhưng Đảng ta là một Đảng tiên phong cách mạng, có đường lối đúng đắn, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho Tổ quốc, chính quyền về tay nhân dân, lại có phương pháp, hình thức đấu tranh phong phú, linh hoạt, kịp thời nắm bắt thời cơ, xây dựng và tổ chức, sử dụng lực lượng đúng lúc, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu cho nên đã động viên được hàng chục triệu nhân dân vùng lên, chỉ trong vòng nửa tháng đã giành được chính quyền nhân dân trong cả nước.


Bài học về sức mạnh to lớn của nhân dân và sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân có ý nghĩa sâu sắc không chỉ đối với Cách mạng tháng Tám 1945, đối với 30 năm chiến đấu gian khổ bảo vệ nền độc lập và thống nhất Tổ quốc, mà còn cho cả ngày nay trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là một chân lý lớn của cách mạng Việt Nam, một nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh khi Người nhấn mạnh và thực hiện nhất quán: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".

 

Trần Tiến Duẩn