Y tế Thủ đô chuyển mình hội nhập - Bài 1: Thu hút 'tinh hoa' ngoại

Phát huy nội lực, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng đến xây dựng hệ thống y tế thông minh, đạt chất lượng quốc tế là những giải pháp đang được ngành Y tế Thủ đô cũng như các bệnh viện lớn của Trung ương đóng trên địa bàn tích cực triển khai.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với Giáo sư Joel Leroy. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Vì sao bệnh nhân không chữa bệnh trong nước mà lại ra nước ngoài chữa với chi phí cao gấp 4 - 10 lần ở Việt Nam? Theo các chuyên gia y tế trong nước, thực trạng này có rất nhiều nguyên nhân như: Thủ tục nhiêu khê khiến người bệnh phải chờ đợi quá lâu do quá tải; dịch vụ bệnh viện ở Việt Nam không bằng ở nước ngoài và trên hết là người dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào trình độ của các bác sỹ Việt... Thu hút các chuyên gia nước ngoài về chuyển giao các kỹ thuật cao cho các y, bác sỹ đang là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của nhiều bệnh viện ở Hà Nội.

Hợp tác của các chuyên gia quốc tế

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố luôn quan tâm đến vấn đề sức khỏe của người dân, không những nâng cao về chất lượng mà làm nhiều cách để giúp nhân dân khám chữa bệnh thuận tiện hơn. Trong các chuyến đi học tập, ký kết với các đối tác nước ngoài, lãnh đạo thành phố luôn ưu tiên cho lĩnh vực y tế, đặc biệt là chuyển giao công nghệ cao, thiết bị hiện đại của thế giới.

Là bệnh viện hạng I của thành phố Hà Nội, từ năm 2017 - 2019, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã đón tiếp và làm việc với 103 đoàn khách quốc tế, tổng số 263 lượt chuyên gia đến từ Pháp, Mỹ, Australia, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc… với mục đích nghiên cứu, trao đổi học thuật, giảng dạy, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, ký kết hợp tác và giao lưu văn hóa.

Đặc biệt, trong quá trình thăm và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nhận thấy tiềm năng phát triển của bệnh viện và ngành Y tế Thủ đô, Giáo sư Joel Leroy (chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tiêu hóa), Giáo sư Bretagnol Frederic và các chuyên gia nổi tiếng thế giới đã tư vấn kỹ thuật, tư vấn chuyên môn.

Được sự giúp đỡ của các chuyên gia cùng với sự nỗ lực rất lớn của cá nhân, tập thể, Bệnh viện đã thành lập Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội vào tháng 11/2016. Đây là Trung tâm tiêu hóa đầu tiên của thành phố Hà Nội được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trung tâm là đơn vị đi đầu về tiếp nhận, triển khai các kỹ thuật y tế hiện đại, chuyên sâu, ứng dụng các công nghệ mới của thế giới trong lĩnh vực tiêu hóa của ngành Y tế Hà Nội.

Chia sẻ về hợp tác của các chuyên gia quốc tế đối với bệnh viện, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng cho biết, với sự giúp đỡ của Giáo sư Joel Leroy và các chuyên gia khác, nhiều kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới như: Phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu cắt đại - trực tràng trong điểu trị ung thư; kỹ thuật điều trị rò hậu môn bằng phương pháp nội soi lỗ rò; kỹ thuật TEM (Transanal endoscopy microsurgery) - phẫu thuật nội soi qua đường tự nhiên không để lại sẹo; phẫu thuật nội soi cắt u trực tràng (TEO) qua đường hậu môn; điều trị giảm đau cơ xương khớp và điều trị thoát vị đĩa đệm bằng ozon; siêu âm 3D sàng lọc ung thư vú… đã được chuyển giao cho các bác sỹ của Bệnh viện. Việc áp dụng các kỹ thuật này đã rút ngắn thời gian phục hồi, điều trị của bệnh nhân, góp phần tiết kiệm rất lớn chi phí của người bệnh, giảm lượng bệnh nhân chuyển tuyến và điều trị bệnh tại nước ngoài; từ đó mang lại hiệu quả kinh tế, y tế to lớn cho người bệnh và cộng đồng.

Chú thích ảnh
Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (thuộc Bệnh viên đa khoa Xanh Pôn) đã đưa vào sử dụng máy Pyrexar BSD-2000 tăng nhiệt và hệ thống máy chụp cộng hưởng từ vào hỗ trợ, điều trị ung thư. Đây là hệ thống máy giúp triển khai điều trị khối u bằng phương pháp tăng thân nhiệt sử dụng sóng cao tần không xâm lấn với công nghệ hiện đại, lần đầu được sử dụng ở Đông Nam Á. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Trong thời gian công tác tại Việt Nam, Giáo sư Joel Leroy vừa tư vấn, đào tạo nhân lực cho ngành Y tế vừa trực tiếp tham gia khám chữa bệnh, thực hiện nhiều ca phẫu thuật khó, đem lại cơ hội sống cho bệnh nhân. Giờ đây, hình ảnh Giáo sư Joel Leroy, chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tiêu hóa trực tiếp khám chữa bệnh cho người dân hay “cầm tay chỉ việc” cho các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang... không còn xa lạ đối với người dân Thủ đô.

Ghi nhận những đóng góp của Giáo sư Joel Leroy cho ngành Y tế Thủ đô, Chủ tịch nước đã quyết định trao Huân chương Hữu nghị của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng ông.

Không chỉ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang mà trong xu thế hội nhập, các bệnh viện Trung ương, bệnh viện tư nhân đóng trên địa bàn thành phố như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, Medlatec... cũng tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực như: Cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo cán bộ, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học phát triển những mũi nhọn kỹ thuật… Qua đó, chất lượng chuyên môn kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị được nâng cao. Đặc biệt là đã chuyển giao được những kỹ thuật y học tiên tiến đạt ngang tầm khu vực và thế giới, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, tạo uy tín, xây dựng thương hiệu cho bệnh viện.

Giấc mơ có thật

Chú thích ảnh
Giáo sư Joel Leroy. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Sau Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Giáo sư Joel Leroy lại tiếp tục đến chuyển giao công nghệ cho các bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trực tiếp khám, phẫu thuật cho bệnh nhân ở đây. Được chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tiêu hóa trực tiếp khám và phẫu thuật ngay tại quê nhà là “giấc mơ có thật” đối với những bệnh nhân mang trong mình căn bệnh K ác tính.

Ca mổ đầu tiên của Giáo sư Joel Leroy tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là nam bệnh nhân Nguyễn H.T (76 tuổi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội). Bệnh nhân nhập viện với biểu hiện đau bụng, chướng bụng và nôn. Sau khi được khám, với các kết quả cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán bán tắc ruột do K. Dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Joel Leroy, ca phẫu thuật lấy khối u trực tràng của bệnh nhân T kéo dài trong hơn 1 tiếng đồng hồ. Toàn bộ hình ảnh của quá trình phẫu thuật trong phòng mổ được truyền trực tiếp ra phòng họp của Bệnh viện để các bác sỹ tại bệnh viện theo dõi.

Tại phòng mổ, Giáo sư Joel Leroy đã hướng dẫn các bác sỹ mổ nội soi mở, không chọc ổ bụng kiểu truyền thống, giảng giải cách mổ nội soi xâm lấn tối thiểu và tiến hành cắt khối u đại tràng. Giáo sư Joel Leroy lưu ý, khi lấy bệnh phẩm ra khỏi ổ bụng, cần bọc thành bụng lại, tránh phát tán tế bào ung thư trong quá trình đưa khối u ra khỏi cơ thể.

Ca mổ thứ hai cho bệnh nhân Phùng T.L (46 tuổi) chỉ sau ca mổ thứ nhất gần 3 tiếng. Bệnh nhân được khám tại bệnh viện và được chẩn đoán là K đại tràng. Giáo sư Joel Leroy đã thực hiện kỹ thuật mổ u trực tràng qua đường hậu môn, đây là kỹ thuật mới trong lĩnh vực phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Kỹ thuật này không để lại sẹo cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Giáo sư Joel Leroy đã dùng ống nội soi cứng đi đường trong lòng của trực tràng, chỉ trong vòng vài phút, polyp trực tràng đã được loại bỏ. Giáo sư Joel Leroy cho biết, kỹ thuật mổ từ hậu môn được chỉ định cho các trường hợp polyp trong trực tràng. Với trường hợp ung thư tại chỗ, bác sỹ sẽ phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để đưa ra phác đồ điều trị.

Theo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, việc tiếp thu kỹ thuật mới giúp người bệnh được hưởng kỹ thuật hiện đại nhất mà không cần phải ra nước ngoài điều trị tốn kém, giảm chi phí cho bệnh nhân hàng chục nghìn EURO/ca. Với kỹ thuật này, sau mổ, bệnh nhân ít chảy máu, hồi phục nhanh, sớm ra viện và không để lại vết sẹo trên thành bụng. Với sự chuyển giao công nghệ của Giáo sư Joel Leroy, các bác sỹ của bệnh viện được nâng cao tay nghề, đồng thời tăng uy tín và chất lượng bệnh viện, đúng với chủ trương của UBND thành phố Hà Nội.

Hiện nay, Giáo sư Joel Leroy đang đào tạo, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, triển khai đề án đào tạo cán bộ chuyên sâu chuyên ngành phẫu thuật nội soi tiêu hóa cho ngành Y tế Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020; đào tạo nguồn nhân lực cho Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội.

“Những việc làm thiết thực của Giáo sư Joel Leroy đã đóng góp tích cực, hiệu quả cho ngành Y tế Thủ đô, góp phần tô đậm thêm mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp” - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã khẳng định như vậy tại Lễ trao Huân chương Hữu nghị tặng Giáo sư Joel Leroy tổ chức vào ngày 17/3/2017.

Sự giúp đỡ, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực của các chuyên gia quốc tế đã mở ra những mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao chất lượng ngành Y tế trong xu thế hội nhập quốc tế, giúp người dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại quê nhà.

Bài 2: Phát triển kỹ thuật cao thu hút bệnh nhân

Tuyết Mai - Văn Cảnh (TTXVN)
Chuyên gia y tế khuyến cáo cách phòng tránh bệnh Whitmore
Chuyên gia y tế khuyến cáo cách phòng tránh bệnh Whitmore

Vụ hai cháu bé trong một gia đình ở Hà Nội tử vong do bệnh Whitmore vừa qua đang khiến nhiều người dân hoang mang, lo sợ căn bệnh nguy hiểm này có khả năng lây nhiễm từ người sang người và gây thành dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN