Vẫn thiếu các biện pháp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng

Người cao tuổi ở Việt Nam đang có tuổi thọ cao, nhưng chất lượng sống thấp, do phần lớn đều mắc bệnh mãn tính; trong khi việc chăm sóc người già tại các cơ sở y tế và cộng đồng vẫn chưa đảm bảo.

Chú thích ảnh
Phần lớn người cao tuổi đều mắc bệnh mãn tính. 

Tuổi thọ cao, nhưng sức khỏe kém

Với tuổi thọ ngày càng tăng (trung bình đạt 73,5 tuổi), cùng với quá trình già hóa dân số, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng cao đòi hỏi những nhu cầu lớn trong chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ y tế hiện nay vẫn chưa đầy đủ để đảm bảo chăm sóc lão khoa ở các cơ sở y tế và ngoài cộng đồng.

TS.BS Trần Quang Thắng, trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: “Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, tỷ lệ người già trên 60 tuổi ở nước ta mắc từ 3 bệnh mãn tính trở lên chiếm khoảng 60 - 70% số lượng người cao tuổi. Thực tế này cho thấy, chất lượng sống của người cao tuổi không thể tốt khi phải mang bệnh, thậm chí, nhiều người mắc bệnh mãn tính trong người đi đâu cũng phải có dụng cụ y tế, thuốc thang đi kèm…".

Cũng theo TS.BS Trần Quang Thắng, hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi sống cùng gia đình có đông con chăm sóc như trước kia không nhiều. Người cao tuổi ở Việt Nam có điểm mạnh là thường sống trong gia đình đa thế hệ, có con cháu hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, khi đi bệnh viện vẫn gặp khó khăn vì không thể lúc nào con cháu cũng vào chăm sóc được, cần môi trường y tế có sự hỗ trợ đặc biệt. Do đó, việc đáp ứng nhu cầu của cả bệnh nhân và xã hội về chăm sóc người cao tuổi là hết sức cấp thiết.

Hiện mới chỉ có khoảng 40% bệnh viện trên cả nước có khoa lão, hệ thống lão khoa trong cả nước vẫn chưa được hoàn thiện. Trong khi đó, điều kiện để hoàn thiện là từ các bệnh viện cấp tỉnh phải có khoa lão riêng để giải quyết các vấn đề cấp tính cho người cao tuổi. Đồng thời, khi bệnh nhân trở lại cộng đồng thì phải có các trung tâm dưỡng lão, chăm sóc người cao tuổi đáp ứng nhu cầu. Do đó, mới chỉ đáp ứng cho một số ít người có điều kiện kinh tế mà chưa thể phổ biến rộng rãi.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ

Các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đánh giá, để "phủ sóng" chăm sóc sức khỏe toàn dân cần giải quyết các vấn đề liên quan đến già hóa dân số và già hóa khỏe mạnh, hướng tới phát triển bền vững và mang lại lợi ích kinh tế. Muốn thực hiện già hóa khỏe mạnh phải được bắt đầu bằng những biện pháp chăm sóc sức khỏe sớm để phòng bệnh, tiếp đó mới đến sự hỗ trợ của hệ thống chăm sóc dài hạn và môi trường chăm sóc sức khỏe thân thiện với người cao tuổi.

"Chăm sóc tốt nhất là để người già có thể tự nâng cao sức khỏe, không phải đi bệnh viện. Muốn vậy, người cao tuổi cần được tư vấn sức khỏe thường xuyên, được tập huấn để biết cách xử lý các tình huống về sức khỏe. Có những cách khá đơn giản như tại cộng đồng có thể trang bị các dụng cụ tập luyện thể dục để người già có nơi tập luyện nâng cao sức khỏe”, bà Nguyễn Thị Điểm, Chủ nhiệm CLB Liên hệ tự giúp nhau thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội đề xuất.

Việc hoàn thiện các chính sách về giải pháp, dịch vụ chăm sóc dài hạn và hướng tới chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng là nhu cầu cấp thiết hiện nay. Ngoài việc đưa nội dung chăm sóc người cao tuổi và các chính sách y tế, cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về quyền được chăm sóc sức khỏe cũng như các kiến thức phòng chống và tự quản lý bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng để nâng cao chất lượng sức khỏe cho người cao tuổi.

Cũng theo TS.BS Trần Quang Thắng, trong bối cảnh hiện nay, để chăm sóc tốt nhất cho người cao tuổi tại cộng đồng, Nhà nước cần đầu tư hệ thống trung tâm dưỡng lão có bảo hiểm y tế chi trả, có chăm sóc y tế phù hợp. Đây là hướng giúp đa số người cao tuổi có thể được tiếp cận các dịch vụ một cách tốt nhất, được chăm sóc y tế hợp lý.

Bài, ảnh: Tạ Nguyên
Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10): Cách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10): Cách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Chung tay chăm sóc sức khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm từ xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN