Tuần lễ tiêm chủng 2018 với chủ đề 'Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng'

Ngày 12/6, hội thảo truyền thông hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2018 diễn ra tại Hà Nội, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh cho biết: Năm 2018, Tuần lễ tiêm chủng được triển khai trong tháng 6 với chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng” nhằm tăng cường hiệu quả của tiêm chủng mở rộng đối với dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) triển khai tiêm vắc xin sởi rubella do Việt Nam sản xuất vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Đây là một hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm chủng vắc xin; duy trì thành quả của tiêm chủng mở rộng; huy động sự tham gia, hưởng ứng, đầu tư của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước với hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, miền núi, hải đảo.

Trong Tuần lễ tiêm chủng, hoạt động truyền thông tập trung vào việc khẳng định lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh; vận động người dân vùng khó khăn tiêm chủng để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng tại các vùng này; an toàn tiêm chủng; chuyển đổi vắc xin trong tiêm chủng mở rộng; vận động chính sách, huy động tài chính bền vững cho công tác tiêm chủng…

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong 3 tháng đầu của năm 2018, hầu hết tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin đều đạt tiến độ. Cụ thể là: Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh đạt 16,9%, cao hơn cùng kỳ năm 2017 (16,2%). Số trường hợp mắc ho gà trong 3 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2017 và không ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu (Quý I/2017 có 5 trường hợp).

Đặc biệt, trong tháng 2/2018, vắc xin phối hợp sởi – rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất đã được triển khai tại 4 địa phương (gồm: Nam Định, Khánh Hòa, Đắk Nông và Bà Rịa – Vũng Tàu). Kết quả đã có 7.787 trẻ 18-24 tháng tuổi được tiêm chủng, không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin (như: sưng, đau tại chỗ tiêm…) rất thấp.

Bên cạnh đó, hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã được vận hành trên toàn quốc với hơn 11.000 điểm tiêm chủng tại trạm y tế xã/phường và hầu hết các điểm tiêm chủng dịch vụ, các bệnh viện hoặc các cơ sở y tế có phòng tiêm trên cả nước. Đồng thời, dự án Tiêm chủng mở rộng cũng phối hợp với dự án “Tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở một số tỉnh trọng điểm” tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác tiêm chủng các khu vục và các tỉnh về lập kế hoạch tiêm chủng mở rộng, điều phối vắc xin và thống kê báo cáo sử dựng vắc xin, vật tư tiêm chủng nhằm quản lý sử dụng vắc xin hiệu quả…

Được biết, Tuần lễ tiêm chủng (Immunization Week) là sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về bảo vệ cuộc sống bằng vắc xin thông qua tiêm chủng bắt đầu từ năm 2011. Hiện nay đã có 180 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc cả 5 châu lục tham gia sự kiện này để bảo vệ sức khỏe người dân.

Thu Phương (TTXVN)
Có 3 vắc xin mới sẽ đưa vào tiêm chủng, cha mẹ không nên lo lắng về tính an toàn
Có 3 vắc xin mới sẽ đưa vào tiêm chủng, cha mẹ không nên lo lắng về tính an toàn

Bộ Y tế sắp đưa vào sử dụng 3 vắc xin mới trong Tiêm chủng mở rộng là: Sởi- Rubella do Việt Nam sản xuất, vắc xin 5 trong 1 ComBe Five (Ấn Độ) và vắc xin bại liệt dạng tiêm IPV (Pháp); các vắc xin đều được đảm bảo tính an toàn, hiệu lực, hiệu quả, cha mẹ hoàn toàn yên tâm đưa trẻ đi tiêm chủng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN