Truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới bằng các hình thức hiện đại

Ngày Thalassemia (tan máu bẩm sinh) thế giới (8/5) năm nay có chủ đề "Cha mẹ hãy thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai nòi giống”.

Chủ đề năm nay không chỉ hướng tới việc cung cấp thông tin về tình hình, nguyên nhân gây bệnh, các giải pháp chủ yếu trong điều trị và phòng, chống bệnh mà còn tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho người dân về nguy cơ của việc kết hôn cận huyết thống với bệnh tan máu bẩm sinh; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dân số.

Chú thích ảnh
Tháng 9 - 10/2019, Viện huyết học truyền máu Trung ương phối hợp với Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức truyền thông, xét nghiệm máu, tư vấn sàng lọc, phát hiện bệnh Thalassemia cho 2.500 học sinh các trường phổ thông trên địa bàn (ảnh chụp sáng 9/10). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Bệnh tan máu bẩm sinh là do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động...

Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu người, tương đương 13% dân số mang gen bệnh. Trong đó, tỷ lệ người dân là đồng bào dân tộc miền núi mang gen bệnh khá cao, chiếm từ 20 - 40%, một trong những nguyên nhân chính là do kết hôn cận huyết. Mỗi năm có khoảng hơn 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh, trong đó khoảng hơn 2.000 trẻ bị bệnh nặng.

Việt Nam đã có những nỗ lực lớn song việc điều trị mới chỉ giúp cải thiện tốt cuộc sống của người bệnh chứ không thể chữa khỏi bệnh. Chất lượng sống của các bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh rất thấp, số tử vong lớn. Hiện nay, số lượng bệnh nhân tan máu bẩm sinh đã làm các bệnh viện quá tải, tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu cũng như gánh nặng về chi phí xã hội. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, có thể phòng bệnh hiệu quả từ 90 - 95% bằng biện pháp khám sức khỏe trước hôn nhân để xác định xem cá nhân có mang gen bệnh hay không, từ đó có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai để sinh ra những đứa con không mắc bệnh tan máu bẩm sinh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID - 19, để thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội; không tập trung đông người, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đề nghị các đơn vị thực hiện các hoạt động truyền thông hưởng ứng bằng cách tăng cường, nâng cao hiệu quả việc sản xuất các sản phẩm truyền thông (tờ rơi, sách mỏng, tranh lật, pa nô, áp phích, bản tin chuyên đề, phóng sự, ký sự, các đoạn phim ngắn, video clip, thông điệp truyền hình, thông điệp phát thanh) để phục vụ truyền thông và cung cấp cho các nhóm đối tượng; chú trọng hình thức, nội dung, cách thể hiện phù hợp với các nhóm dân số đặc thù, khó tiếp cận ở các vùng khó khăn…

Các đơn vị phối hợp với các cơ quan truyền thông lớn để truyền thông tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm trên truyền hình/đài phát thanh với sự tham gia của các nhà quản lý và các chuyên gia; mở rộng các hình thức truyền thông hiện đại như: tư vấn qua internet, trang tin điện tử (đặc biệt là các trang tin mà vị thành niên, thanh niên, nam giới, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ưa thích và quan tâm), mạng xã hội, điện thoại di động và các phương tiện truyền tin khác để cung cấp thông tin.

Minh Huệ (TTXVN)
Bệnh tan máu bẩm sinh khó chữa nhưng có thể phòng tránh
Bệnh tan máu bẩm sinh khó chữa nhưng có thể phòng tránh

Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh nhưng có thể chủ động phòng tránh với những xét nghiệm tầm soát cơ bản, chi phí thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN