Thuế nước giải khát - Giải pháp cho vấn nạn béo phì

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát sẽ làm giảm tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm, qua đó góp phần giải quyết vấn nạn béo phì và các vấn đề sức khỏe khác. Đây là kết luận của một công trình được đăng trên tạp chí Hiệp hội Y tế Mỹ (JAMA).

Cùng với Pháp và Mexico, tại Mỹ, Philadelphia là một trong 7 thành phố đã thông qua việc áp thuế đối với mặt hàng nước giải khát trong những năm gần đây. Kể từ tháng 1/2017, thành phố ở Bờ Đông nước Mỹ với 1,6 triệu dân này đã bắt đầu áp dụng mức thuế 0,015 USD/28g đối với mọi loại nước ngọt, kể cả soda không đường.

Chú thích ảnh
Nước giải khát được bày bán tại siêu thị ở Neuilly-sur-Marne, ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng số liệu từ thành phố Baltimore, khu vực không bị áp loại thuế này, để đối chiếu. Thành phố này được lựa chọn do đây là khu vực có có cấu trúc nhân khẩu học-xã hội và y tế tương tự như Philadelphia.

Theo nghiên cứu, các cửa hàng tại Philadelphia đã chuyển toàn bộ hoặc một phần chi phí thuế sang người tiêu dùng, dẫn tới việc giảm 51% doanh thu tại thành phố này. Trong khi đó, các khu vực giáp biên giới không bị tác động bởi thuế này đã ghi nhận mức doanh thu tăng mạnh. Số liệu trên đã củng cố lý thuyết kinh tế cơ bản rằng khi giá cả sản phẩm tăng, sẽ có ít người mua hơn.

Giáo sư trợ giảng về chính sách y tế tại Đại học Pennsylvania Christina Roberto khẳng định việc đánh thuế nước uống giải khát chứa đường là một trong những chiến lược chính sách hiệu quả nhất để giảm sức mua.

Mục tiêu cuối cùng của biện pháp này là giúp người dân có sức khỏe tốt hơn, giảm tỷ lệ béo phì, sâu răng và tiểu đường. Mặc dù chưa có kiểm tra và đo lường cụ thể về vấn đề này, song các nhà nghiên cứu tin rằng việc giảm bớt tiêu thụ đường là một bước đi đúng hướng.

Tại Mỹ, trẻ em tiêu thụ 17% calor từ đường thay vì 10% như khuyến cáo, với một nửa số đường trong đó là từ đồ uống. Trẻ em từ những gia đình thu nhập thấp, thanh thiếu niên da màu có xu hướng tiêu thụ đồ uống chứa đường và vị trái cây nhiều hơn. Một nhóm chuyên gia về sức khỏe cộng đồng khẳng định bằng chứng này cho thấy cần phải duy trì việc áp thuế, trong lúc vẫn tiếp tục theo dõi kết quả.

Với phần đông dân số có thu nhập thấp, Philadelphia có thể đối mặt với sụt giảm mạnh doanh thu, do người tiêu dùng tại đây nhạy cảm với giá cả hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy doanh thu bán đồ uống tại Baltimore vẫn ổn định trong cùng khoảng thời gian trên.

Nghiên cứu cho thấy thuế của Philadelphia có tác động mạnh hơn so với tại thành phố Berkeley, vốn là nơi đầu tiên áp dụng biện pháp này với mức thuế 0,01 USD/28g. Những nơi áp dụng mức thuế cao nhất hiện nay là Boulder, Colorado (0,02 USD/28g), Seattle và Washington (0,0175 USD/28g).

Hạt Cook của bang Illinois, trong đó có Chicago-thành phố lớn nhất nước Mỹ, cũng từng áp dụng thuế với đồ uống này vào tháng 8/2017. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng, điều luật này đã bị bãi bỏ do ngành công nghiệp đồ uống đã tăng cường vận động hành lang để chống lại quy định.

Đặng Ánh (TTXVN)
Thêm cảnh báo về tác hại của các loại nước giải khát thế hệ mới
Thêm cảnh báo về tác hại của các loại nước giải khát thế hệ mới

Nguy cơ gây các bệnh về răng lợi của các loại nước giải khát thế hệ mới đối với giới thanh thiếu niên cao hơn nhiều so với các loại nước giải khát truyền thống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN