Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống virus Corona

Ngày 5/2, nguồn tin từ Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, lực lượng liên ngành gồm Quản lý thị trường, công an, y tế... đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng động vật và thực phẩm động vật nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ đang có dịch...

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng thị sát, kiểm tra, tuyên truyền các cửa hàng kinh doanh thuốc, dụng cụ y tế tại Trung tâm phân phối thuốc Hapulico, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Đồng thời, xác minh, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh mặt hàng khẩu trang, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh trên toàn địa bàn thành phố.

Bên cạnh việc kiểm tra, lực lượng chức năng liên quan đã phối hợp tuyên truyền; tổ chức cho 193 cơ sở ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không tăng giá bất hợp lý mặt hàng khẩu trang, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra. 

Trước đó, ngày 4/2, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) phối hợp với lực lượng Đội Quản lý thị trường số 12, Cục quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện, xử lý vụ một lô khẩu trang không có hóa đơn chứng từ, đang được tập kết để vận chuyển đến các tỉnh biên giới phía Bắc, thu giữ lô hàng 47 thùng, mỗi thùng chứa 2.500 chiếc khẩu trang y tế loại 4 lớp, không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. 

Ngoài ra, lực lượng liên ngành Công an, Quản lý thị trường... thành phố Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với 41 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, hiệu thuốc và 2 cá nhân bán hàng rong có hành vi bán giá cao khẩu trang y tế phòng ngừa dịch bệnh nCoV.

* Trước diễn biến phức tạp của dịch nCoV, nhất là tại các doanh nghiệp, nhà máy có công nhân, chuyên gia người Trung Quốc làm việc và lưu trú trên địa bàn, ngành Y tế tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các chủ doanh nghiệp phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nCoV theo đúng quy trình của Bộ Y tế đã ban hành. 

Là doanh nghiệp có số lượng cán bộ, công nhân là người Trung Quốc nhiều nhất tỉnh Tuyên Quang, ngay từ khi dịch bệnh nCoV bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Tuyên Quang đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị y tế, thực hiện những hoạt động kiểm tra cần thiết để phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người lao động cũng như cho cộng đồng. 

Anh Đồng Xuân Thành, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn gang thép Tuyên Quang cho biết: Hàng ngày, trước giờ vào xưởng làm việc, tất cả công nhân đều được kiểm tra thân nhiệt, phát khẩu trang y tế; khi hết giờ làm được đo thân nhiệt một lần nữa. Công ty trang bị kiến thức cho mọi người về phòng chống dịch bệnh nCoV như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, mặc quần áo bảo hộ đầy đủ khi làm việc nên không cảm thấy quá lo lắng trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Tuyên Quang có 147 cán bộ, công nhân là người Trung Quốc. Dịp Tết Canh Tý, 80 công nhân của Công ty về nước, đến nay có 6 người trở lại Tuyên Quang để làm việc. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch nCoV một cách hiệu quả, Công ty đã bố trí xe đón công nhân tại cửa khẩu và thực hiện cách ly những người này 14 ngày để theo dõi sức khỏe. Ngoài ra, Công ty thông tin đến những cán bộ, công nhân đang ở Trung Quốc để chưa quay lại nhà máy làm việc cho đến khi dịch nCoV được kiểm soát. 

Ông La Đăng Tái - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang cho biết: Sở phối hợp với các khu công nghiệp, nhất là nơi có cán bộ, công nhân viên người Trung Quốc đang làm việc, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của những người này. Cán bộ ngành Y tế thường xuyên đến các doanh nghiệp kiểm tra công tác phòng chống dịch; tuyên truyền cho công nhân, cán bộ tại các khu công nghiệp về cách phòng chống dịch nCoV. 

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Tuyên Quang đã có 6 ca nghi nhiễm virus nCoV là những người đi lao động từ Trung Quốc trở về địa phương có dấu hiệu ho, sốt, khó thở. Các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm những người này gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính.

* Ngăn chăn không để dịch bệnh nCoV tràn vào các Khu công nghiệp - Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành trong Hội nghị triển khai các biện pháp phòng chống dịch nCoV tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tổ chức vào chiều 5/2/2020.

Hiện nay, Vĩnh Phúc có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến địa bàn tỉnh đầu tư; trong đó có các doanh nghiệp của Trung Quốc- một quốc gia đang có dịch bệnh diễn ra nguy hiểm. Vĩnh Phúc là tỉnh có người bị nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra với tính chất phức tạp. Công tác ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh này có những khó khăn, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị, đông đảo cán bộ, người dân chung sức, đồng lòng và thực hiện đồng bộ các giải pháp mới phát huy hiệu quả. 

Trước tình trạng thời tiết giá lạnh, ẩm ướt kéo dài và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh nCoV hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Duy Thành đề nghị, các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh, thực hiện tốt công tác cách  ly, công tác phun khử trùng, tiêu độc nhà xưởng, kho, nơi làm việc của công nhân và nhân viên văn phòng...; tránh đi lại, tụ tập đông người, tổ chức hội nghị, họp. Các doanh nghiệp luôn phải chủ động, coi trọng việc phòng chống bệnh dịch, tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ quyết tâm ngăn chăn không để dịch bệnh nCoV tràn vào Khu công nghiệp.

* Ngày 5/2, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã đến kiểm tra các cơ sở cách ly phòng chống bệnh dịch nCoV trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ kiểm tra điều kiện cách ly tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã đến kiểm tra và làm việc tại các cơ sở cách ly phòng chống dịch nCoV gồm: Bệnh viện 199 (Bộ Công An); Bệnh viện Phổi; Khách sạn Phước Mỹ An; Trung tâm Phụng dưỡng người có công.

Tại Bệnh viện 199 (Bộ Công An) và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã đến kiểm tra khu cách ly và từng phòng bệnh, Chủ tịch UBND thành phố mong muốn, hai Bệnh viện sẽ cùng thành phố thực hiện việc cách ly bệnh nhân hiệu quả nhất. Chủ tịch đề nghị các bệnh viện luôn trong tinh thần chủ động, trách nhiệm, tâm huyết; tập trung sẵn sàng các trang thiết bị, nhân lực; xây dựng các kế hoạch, phương án chi tiết về việc cách ly bệnh nhân nghi nhiễm nCoV, trong trường hợp nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể sử dụng trở thành nơi điều trị.

Đến kiểm tra khu vực lưu trú của Trung tâm Phụng dưỡng người có công và Khách sạn Phước Mỹ An, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay, thành phố muốn sử dụng các cơ sở lưu trú để cách ly du khách nước ngoài và người Việt Nam đến từ vùng dịch trong vòng 14 ngày, do vậy việc bố trí chỗ ở, sinh hoạt cần phải thoải mái, phù hợp. Ông Huỳnh Đức Thơ đề nghị hai cơ sở lưu trú sẽ chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện trang thiết bị, nhân lực tại khu cách ly; tổ chức tập huấn cho nhân viên để việc cách ly được thực hiện hiệu quả.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì buổi họp với các sở, ban, ngành bàn về các phương án cụ thể cho công tác cách ly, điều trị, phòng chống dịch bệnh nCoV. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, các đơn vị chức năng cần thực hiện việc cách ly phòng chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh, kể cả nước ngoài nhập cảnh đến từ hoặc đi qua 31/31 tỉnh, thành phố Trung Quốc trong vòng 14 ngày. Đối với các trường hợp nghi nhiễm nCoV, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập tức cách ly tuyệt đối tại cơ sở y tế. Những người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) phải được coi như trường hợp nhiễm bệnh và tiến hành khoanh vùng cách ly ngay tại cơ sở đã được chuẩn bị điều kiện cách ly theo quy định; áp dụng các biện pháp tuyệt đối, không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly.

Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch lập danh sách đối với khách lưu trú; thành lập tổ công tác để thực hiện việc cách ly với sự tham gia của chính quyền địa phương. Những trường hợp thực hiện việc cách ly tại nhà hoặc cơ sở lưu trú phải có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng; kiên quyết không để các trường hợp này ra khỏi nhà hoặc cơ sở lưu trú. Những người sống trong gia đình, làm việc trong các cơ sở lưu trú có người bị cách ly cần thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bị cách ly và với bên ngoài.

Sở Y tế khẩn trương triển khai các biện pháp kỹ thuật để sàng lọc một cách nhanh nhất người bị cách ly; phối hợp lập danh sách toàn bộ những người tiếp xúc với người bị cách ly với người trong gia đình, người làm việc trong cơ sở lưu trú có người bị cách ly để theo dõi, giám sát chặt chẽ về sức khỏe; chủ động điều chuyển cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị phục vụ cho việc cách ly, điều trị người nhiễm virus nCoV; thực hiện triệt để khoanh vùng và dập dịch ngay tại địa điểm có người nhiễm hoặc nghi nhiễm viruts nCoV…

Theo báo cáo của Sở Y tế, đến 14 giờ ngày 5/2, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện cách ly, theo dõi 34 bệnh nhân người Việt Nam nghi nhiễm virus nCoV, trong đó Bệnh viện Đà Nẵng theo dõi 6 người; Bệnh viện Phổi Đà Nẵng theo dõi 28 người. Hiện Đà Nẵng đã có 48 mẫu xét nghiệm âm tính với virus nCoV và chưa ghi nhận thêm trường hợp nào nhiễm virus nCoV.

* Tối 5/2, ông Lê Quang Trung Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, để chủ động ứng phó với dịch bệnh nCoV, ngành Y tế đã lên phương án xây dựng bệnh viện dã chiến nhằm cách ly tập trung những người nhiễm bệnh.

Theo dự kiến, bệnh viện dã chiến sẽ được xây dựng tại khu đất có diện tích khoảng 10.000 m2. Khu đất này là cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Bệnh viện dã chiến sẽ có sức chứa khoảng 500 bệnh nhân. Kinh phí xây dựng bệnh viện dã chiến được lấy từ nguồn ngân sách phòng chống dịch bệnh của tỉnh. Bên cạnh đó, cơ sở hiện có trên khu đất này cũng có sức chứa khoảng 200 bệnh nhân đang hoạt động bình thường.

Hiện Sở Y tế Đồng Nai cùng Ban Quản lý dự án và các bên liên quan đang chốt phương án thiết kế để gấp rút xây dựng bệnh viện dã chiến. Hiện đơn vị đã cho san lấp mặt bằng để khi chọn được phương án khả thi sẽ thi công luôn. Cùng với đó, đơn vị đã xây dựng kế hoạch điều động nguồn nhân lực là các y bác sĩ của các cơ sở y tế trong tỉnh về làm việc; đầu tư, bổ sung trang thiết bị, máy móc, thuốc cần thiết để phục vụ công tác điều trị bệnh khi bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động.

Tính đến ngày 5/2,  địa bàn tỉnh Đồng Nai chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm nCoV.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Công văn khẩn yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ thuốc phòng, chống virus Corona
Công văn khẩn yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ thuốc phòng, chống virus Corona

Ngày 5/2, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Y tế ngành; các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN