Tăng cường diệt bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết

Mặc dù công tác phòng chống sốt xuất huyết được triển khai đồng bộ, quyết liệt với nhiều giải pháp song năm 2017, bệnh sốt xuất huyết vẫn có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.

Phun thuốc diệt muỗi trên phố Thanh Nhàn và trường học tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là còn tồn đọng nhiều dụng cụ chứa nước, ổ đọng nước tại các hộ gia đình, nơi công cộng và công trường xây dựng chưa được quan tâm, xử lý đúng mức.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng tăng cường phối hợp phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố, các cơ sở giáo dục và đào tạo, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, đảm bảo 100% các đơn vị không có bọ gậy; phối hợp với các đơn vị y tế địa phương triển khai phun hóa chất diệt muỗi tại các cơ sở giáo dục và đào tạo bao gồm cả các khu nội trú, ký trúc xá của học sinh, sinh viên.

Các cơ sở giáo dục và đào tạo huy động cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động loại bỏ các ổ bọ gậy, diệt muỗi, vệ sinh môi trường tại ký trúc xá, nhà trọ, hộ gia đình và cộng đồng; phân công, giao trách nhiệm cụ thể việc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, đảm bảo không để tồn tại ổ bọ gậy tại các cơ sở. Các cơ sở giáo dục và đào tạo quản lý chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và thông báo ngay cho cơ quan y tế để phối hợp xử lý triệt để ổ dịch…

Bộ Y tế đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp, chỉ đạo Sở xây dựng các tỉnh, thành phố, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc, Ban quản lý các công trình, các chủ thầu, nhà thầu, đơn vị thi công thực hiện tốt vệ sinh, loại bỏ các vật dụng phế thải, các ổ đọng nước tại các công trình, công trường xây dựng; đảm bảo 100% công trình xây dựng, khu vực nơi ở, lán trại của công nhân, người lao động không có bọ gậy; kiên quyết xử lý các đơn vị không tuân thủ theo các khuyến cáo của ngành y tế  để phát sinh nguy cơ dịch bệnh.

Các đơn vị phối hợp với ngành y tế thực hiện phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực công trình, công trình xây dựng; vận động cán bộ, công nhân, người lao động diệt muỗi, phòng muỗi đốt bằng các biện pháp như: Sử dụng vợt muỗi, bình xịt, kem xoa, hương xua muỗi…

Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiện toàn lại và duy trì ổn định mạng lưới cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết tại các xã phường trọng điểm, bổ sung cộng tác viên tại những xã, phường có nguy cơ cao.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các địa phương xác định cụ thể các xã, phường ưu tiên cần có sự tham gia của cộng tác viên; giao nhiệm vụ cho cộng tác viên hàng tuần đi thăm các hộ gia đình trong địa bàn phụ trách để tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các biện pháp phòng chống dịch, cách phát hiện và xử trí khi có người nghi bị mắc sốt xuất huyết; kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình cách xử lý các dụng cụ chứa nước, vận động người dân tham gia chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, loại trừ ổ bọ gậy. Địa phương bổ sung nguồn kinh phí hỗ trợ trả phụ cấp và duy trì các hoạt động của đội ngũ cộng tác viên theo qui định…

Thu Phương (TTXVN)
Làm gì khi trong nhà có người bị sốt xuất huyết?
Làm gì khi trong nhà có người bị sốt xuất huyết?

Nhiều người khi thấy người thân, bạn bè bị mắc sốt xuất huyết thì có tâm lý rất lo sợ bị lây bệnh. Cần phải hiểu rõ đường lây truyền của bệnh để xử trí và tránh bị lây khi trong nhà có người bị mắc sốt xuất huyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN