Tại sao phụ nữ mang thai nên đi du lịch?

Dưới góc độ chuyên môn của các bác sĩ sản khoa, việc đi du lịch trong thai kỳ là hoàn toàn có thể, thậm chí đem lại nhiều lợi ích cho thai phụ. Tuy nhiên, không phải thai phụ nào cũng trang bị cho mình những kiến thức đúng đắn về việc đi du lịch trong thai kỳ.

Những lợi ích của “mẹ bầu” khi đi du lịch


Tết Nguyên đán đang gần kề, đây là dịp mọi người được hưởng kì nghỉ kéo dài nên thường dành thời gian cho những chuyến du lịch sau một năm làm việc căng thẳng. Đối với phụ nữ mang thai, đây cũng là quãng thời gian phù hợp để đi du lịch cùng người thân và gia đình. Thế nhưng, nhiều thai phụ và cả người thân cho rằng không nên đi lại nhiều trong thai kỳ vì sợ ảnh hưởng xấu đến em bé trong bụng.

Phụ nữ trong thai kỳ nên đi du lịch khi có cơ hội. Ảnh: T.L

Trước khi mang thai, chị N. T. C. (30 tuổi , Đồng Nai) là một phượt thủ và thường đi du lịch đường dài. Khi mang thai ở tuần thứ 16, chị C. phát hiện mình bị đái tháo đường thai kỳ. Vì mang thai lần tiên nên chị rất lo lắng, cộng với những áp lực từ gia đình khiến chị vô cùng căng thẳng. Thậm chí chị C. không dám đi ra ngoài dù rất muốn được đi du lịch như trước đây.


Trong lần khám thai định kỳ gần đây, chị được các bác sĩ tại khoa Phụ sản bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh thông báo chỉ số đường huyết của chị tăng khá cao, có thể tác động xấu đến thai nhi. Bác sĩ cũng cho rằng, căng thẳng chính là một trong những yếu tố khiến đường huyết của chị C. gia tăng.


Theo bác sĩ Trần Nhật Thăng, Phó khoa Phụ sản, Trưởng đơn vị chẩn đoán trước sinh bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, việc mang thai nặng nhọc và những lo lắng cho đứa con trong bụng thường khiến thai phụ gặp nhiều căng thẳng về tinh thần. Chính vì thế, phụ nữ trong thai kỳ nên đi du lịch khi có cơ hội.


Việc đi du lịch chính là một hình thức nghỉ ngơi, thư giãn kết hợp luyện tập thể lực phù hợp, giúp thai phụ khám phá những địa danh mới và có những phút giây vui vẻ bên người thân. Sau khi sinh, người mẹ sẽ rất khó có thể đi du lịch trong một thời gian dài vì phải tập trung tất cả thời gian và sức lực để chăm sóc cho em bé.


Nên đi du lịch vào thời kỳ nào của thai kỳ?


Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm, khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết không có bất kì một khuyến cáo chuyên môn nào về tuần tuổi thai cần hạn chế thai phụ đi du lịch, di chuyển. Thai phụ có thể đi du lịch bất cứ lúc nào trong thai kỳ nếu như điều kiện sức khỏe cho phép. 


Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu, việc di chuyển lâu có thể làm thai phụ nghén nặng hơn, 3 tháng giữa thì có thể di chuyển thoải mái an toàn, 3 tháng cuối thì không nên đi những địa điểm phải di chuyển lâu.

Thai phụ nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa trước khi quyết định đi du lịch. Ảnh: BV

Bác sĩ Thăng chia sẻ thêm: Thai phụ và gia đình nên lưu ý chọn lựa những địa điểm vui chơi, du lịch phù hợp với điều kiện cá nhân và sức khỏe. Quan trọng nhất, thai phụ nên chọn những địa điểm du lịch dễ tiếp cận các cơ sở y tế, để trong những trường hợp bất trắc có thể nhận được sự trợ giúp y tế kịp thời.


Về phương tiện di chuyển, nếu đi máy bay, thai phụ mang thai 32 tuần trở đi sẽ không được nhận lên khoang hành khách, tuy nhiên nếu thai phụ có nhu cầu thì cần được sự xác nhận của bác sĩ để lên máy bay. Bên cạnh đó, thai phụ cũng nên chọn chỗ ngồi gần nhà vệ sinh, tránh ngồi yên một tư thế khá lâu và nên uống nhiều nước trong suốt quãng đường bay. Nếu di chuyển bằng xe ô tô, thai phụ nên lựa chọn những chỗ ngồi thoải mái.


Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm khuyến cáo: Khi di chuyển bằng xe trong thời gian trên 5 giờ, thai phụ nên chọn xe giường nằm thay vì ghế ngồi và nên sử dụng vớ dự phòng huyết khối tĩnh mạch để tránh bị tắc huyết khối chân. Tóm lại, thai phụ nên cân nhắc tình trạng sức khỏe bản thân và nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa trước khi quyết định đi du lịch.


Đan Phương/Báo Tin tức
Bé trai 8 tuổi bị tan máu cấp nặng do nhiễm độc khi ăn thịt bò khô nhuộm hóa chất
Bé trai 8 tuổi bị tan máu cấp nặng do nhiễm độc khi ăn thịt bò khô nhuộm hóa chất

Sau khi ăn thịt bò khô có nhuộm phẩm màu không rõ nguồn gốc, bé Dư Gia H. (8 tuổi) xuất hiện triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, sốt, rét run, tiểu đỏ… và được chẩn đoán bị tan máu do nhiễm độc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN