Phẫu thuật tim hở cho bệnh nhi sinh non nặng chỉ 1,6kg

Chiều 1/7, Bác sỹ Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này vừa phẫu thuật tim hở thành công cho một bệnh nhi sinh non có cân nặng 1,6kg - bệnh nhi được phẫu thuật tim hở nhẹ cân nhất từ trước đến nay.

Chú thích ảnh
Các bác sỹ phẫu thuật dị tật tim bẩm sinh cho bệnh nhi sinh non nặng chỉ 1,6kg.

Theo Bác sỹ Tuấn, bệnh nhi là bé gái sinh non ngày 20/4/2019, khi mới 30 tuần tuổi tại Bệnh viện Từ Dũ với cân nặng chỉ 1kg. Bé gái là con thứ 2 trong cặp sinh đôi của sản phụ L.N.A.T (ngụ tại tỉnh Tiền Giang). 13 ngày sau sinh, kết quả siêu âm xác định, tim bé gái tồn tại ống động mạch lớn 6mm (PDA) và lỗ thông liên thất lớn 7mm (VSD). Đây là hai tổn thương rất nặng đối với một trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân.

Bé được điều trị bằng Ibuprofen (thuốc dùng điều trị cho trẻ thông ống động mạch) với kỳ vọng sẽ đóng lại ống động mạch. Ngoài ra, bé còn được điều trị bằng Digoxin để chống suy tim. Tuy nhiên, khi được hơn 30 ngày tuổi, tình trạng tim của bé gái vẫn không cải thiện, phải hỗ trợ hô hấp, thở co kéo liên sườn, không bú được sữa. Kết quả X-quang cho thấy, bệnh nhi có viêm phổi, bóng tim to. 

Chú thích ảnh
Trái tim của bệnh nhi sinh non chỉ lớn hơn ngón tay cái của bác sỹ.

Ngày 21/5, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để phẫu thuật cột ống động mạch trước, sau đó mới tính phương án xử lý lỗ thông liên thất. Theo Bác sỹ Nguyễn Đức Tuấn, khi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi nặng 1,3kg, viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và phải nuôi ăn hoàn toàn bằng tĩnh mạch. Các bác sỹ quyết định phẫu thuật cột ống động mạch khi bé được 37 ngày tuổi, tương đương 35 tuần tuổi thai, hy vọng sau khi cột ống động mạch, bé sẽ hết suy tim, lên cân tốt để chuẩn bị bước vào cuộc phẫu thuật tim hở đóng lại lỗ thông liên thất. 

Chú thích ảnh
Phẫu thuật tim hở cho bệnh.

Sau khi cột ống động mạch, cân nặng của bệnh nhi tăng lên 1.580g nhưng vẫn viêm phổi, nhiễm trùng huyết và đặc biệt tình trạng suy tim không cải thiện. Siêu âm tim ghi nhận lỗ thông liên thất là 6-7mm, giãn lớn thất trái và động mạch phổi, lưu lượng máu lên phổi nhiều. “Với tình trạng này, chúng tôi buộc phải mổ sớm bởi bệnh nhi có dấu hiệu suy hô hấp và suy tim. Đặc biệt, việc sử dụng Digoxin kéo dài cực kỳ nguy hiểm vì nguy cơ ngộ độc gây tử vong rất cao”, bác sỹ Nguyễn Đức Tuấn cho hay. 

Chú thích ảnh
Bệnh nhi ổn định sức khỏe, bú tốt sau khi được phẫu thuật tim.

 Ngày 24/6, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phẫu thuật đóng lỗ thông liên thất cho bệnh nhi. Do tiến hành phẫu thuật tim hở nên bệnh nhi được ngưng tim và sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể. Theo Bác sỹ Nguyễn Đức Tuấn, vì bệnh nhi quá nhỏ, việc gây mê, đặt nội khí quản vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, trái tim bệnh nhi cũng chỉ lớn hơn ngón tay cái nên dù đã dùng loại chỉ khâu mảnh như sợi tóc nhưng nguy cơ bị xé cơ tim trong quá trình phẫu thuật cũng có thể diễn ra. Sau 3,5 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công hơn cả mong đợi.

Đến chiều 1/7, bệnh nhi đã ổn định, cân nặng tăng lên 1,7kg và dự kiến sẽ được xuất viện sau 1 tuần nữa. Đây là ca phẫu thuật tim hở nhẹ cân nhất từ trước đến nay được thực hiện trên 1 bé sơ sinh non tháng tại TP Hồ Chí Minh.

Tin, ảnh: Đinh Thị Hằng (TTXVN)
Bệnh viện Trung ương Huế chuyển giao thành công kỹ thuật phẫu thuật tim hở cho Bệnh viện Quân y 103
Bệnh viện Trung ương Huế chuyển giao thành công kỹ thuật phẫu thuật tim hở cho Bệnh viện Quân y 103

Ngày 21/12, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổng kết khóa chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim hở. Theo đó, từ ngày 3/1, Bệnh viện Trung ương Huế đã chuyển giao kỹ thuật mổ tim hở cho ê-kíp gồm 13 bác sỹ, 11 điều dưỡng của Bệnh viện Quân y 103.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN