Phát triển y học gia đình - Bài 1: Tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng từ cơ sở

Phát triển y học gia đình gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng y tế cơ sở là một giải pháp mà Bộ Y tế đã đưa ra nhằm giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ tuyến cơ sở.

Chú thích ảnh
Trạm y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đảm bảo cung ứng đầy đủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh. Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN

Những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Bác sĩ gia đình là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng.

Mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển và nhân rộng ở nhiều nước trên thế giới từ thế kỷ 20. Năm 1960, y học gia đình ra đời ở Mỹ, Anh và một số nước đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, năm 1998, Dự án phát triển đào tạo bác sĩ gia đình tại Việt Nam với sự tài trợ bởi Quỹ CMB (China Medical Board of New York) được Bộ Y tế phê duyệt. Dự án triển khai đào tạo chuyên ngành y học gia đình tại các trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Thái Nguyên. Đến nay, hơn 500 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 70 bác sĩ định hướng y học gia đình đã được đào tạo. Phần lớn các bác sĩ chuyên khoa y học gia đình sau khi tốt nghiệp trở về làm việc ở tuyến y tế cơ sở.

Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện

Xuất  phát từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy, nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, Bộ Y tế xây dựng Đề án: “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020”.

Mục tiêu của Đề án là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện. Giai đoạn 2013-2015: Xây dựng thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Giai đoạn 2015 - 2020: Nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên toàn quốc. Giai đoạn 2013-2015: Thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang. Giai đoạn 2016 - 2020: Nhân rộng mô hình trên toàn quốc.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền lợi phòng khám bác sĩ gia đình là sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật và khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh.

Với chức năng tham gia hệ thống chuyển tuyến, phòng khám bác sĩ gia đình là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuyển đến để tiếp tục chăm sóc và điều trị; tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cuối đời; phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu; phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe; tổ chức phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho các đối tượng có nhu cầu; tư vấn sức khỏe; nghiên cứu khoa học và đào tạo...

Hoạt động bác sĩ gia đình sẽ giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, kinh phí bảo hiểm y tế, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội; tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm đi những vấn đề bức xúc của xã hội.

Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình khi được hình thành và phát triển sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phòng bệnh chủ động, tích cực. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, phòng khám bác sĩ gia đình có thể giúp sàng lọc giải quyết 80% các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện.

"Hiện nay, Bộ Y tế đã phân công và chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án Bác sỹ gia đình; trong đó, có việc xây dựng quy định, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của bác sỹ gia đình; mối quan hệ giữa bác sĩ gia đình với trạm y tế và bệnh viện tuyến trên; đưa ra cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế; xây dựng danh mục thuốc, trang thiết bị, phạm vi chuyên môn của bác sỹ gia đình; đào tạo bác sỹ gia đình, bác sỹ định hướng bác sỹ gia đình, cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sỹ gia đình...

Khi đó, đội ngũ bác sỹ được đào tạo kiến thức về bác sỹ gia đình sẽ phục vụ tại chỗ nhu cầu chăm sóc khám chữa bệnh ban đầu của người dân. Điều này rất thiết thực, người dân không phải đi xa và đồng thời giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Bên cạnh đó, ngoài khám chữa bệnh ban đầu, người dân còn được hướng dẫn các phương pháp phòng bệnh và tăng cường sức khỏe", Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết.

Bài 2: Đưa y tế cơ sở trở thành 'người gác cổng' mẫn cán

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)
Phát triển y tế cơ sở để phòng, chống các bệnh không lây nhiễm
Phát triển y tế cơ sở để phòng, chống các bệnh không lây nhiễm

Phát triển y tế cơ sở để phòng chống các bệnh không lây nhiễm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN