Ô nhiễm không khí và khuyến cáo của chuyên gia y tế

Những ngày gần đây, một số tỉnh, thành phố của nước ta có chỉ số ô nhiễm môi trường ở mức cao. Vậy ô nhiễm không khí, bụi mịn gây hại cho sức khỏe như thế nào và chúng ta phải làm gì để bảo vệ mình trước tình trạng này?

Chú thích ảnh
Nhìn từ trên cao Hà Nội mù mịt trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí cao kỷ lục. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Hiểu đúng để phòng tránh

Không khí là một trong những thành phần cơ bản của môi trường, có vai trò rất quan trọng đối với sự sống trên trái đất. Nếu như không có không khí thì sự sống không thể duy trì được. Mặt khác, nếu không khí bị ô nhiễm thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người và các sinh vật khác.
Ô nhiễm không khí có nhiều loại, như: ô nhiễm khí độc, ô nhiễm khí có hại cho sức khỏe, ô nhiễm bụi... Trong đó, bụi là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở khu vực đô thị.

- Các loại bụi và tác hại

Bụi có nhiều loại. Phân chia theo chất liệu, có bụi kim loại, bụi vải, bụi gỗ, bụi nhựa, bụi cát, bụi xi măng...; phân chia theo kích thước có bụi to, bụi cỡ vừa, cỡ nhỡ, bụi mịn (PM 20, PM 10, PM 5, PM 2.5, PM 1...).

Các loại bụi to, bụi thô và cỡ vừa là các loại bụi nặng và nhanh chóng lắng xuống mặt đất và dễ bị cuốn đi theo nước. Bụi đường và bụi xây dựng phần lớn là loại bụi này và thường được cuốn lên bởi phương tiện giao thông hay những cơn gió to. Loại bụi này chủ yếu gây bẩn, gây khó chịu, gây dị ứng tức thời nhưng không ảnh hưởng tới sức khỏe một cách lâu dài trừ trường hợp nồng độ quá cao như trường hợp công nhân mỏ than, cơ sở sản xuất xi măng, đá...  Bụi thô cho đến bụi cỡ nhỡ có thể được lọc bởi khẩu trang. Hệ hô hấp của con người cũng có hệ thống ngăn chặn, lọc và đào thải bụi này một cách tự động.

Với các loại bụi mịn, được hình thành từ các chất như: carbon, nitơ và các hợp chất kim loại khác (xuất phát từ việc đốt than, đốt củi, đốt rạ, đốt rác, khí xả động cơ....). Loại bụi này lơ lửng nhiều trong không khí, kích thước nhỏ, khối lượng nhẹ nên rất ít lắng, chúng bay lơ lửng trong không khí. Các loại bụi này gây nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là bụi siêu mịn PM2.5. Sự nguy hại này là việc sức khỏe bị ảnh hưởng về lâu dài chứ không phải gây ra các vấn đề cấp tính. Bởi loại bụi này có kích thước vô cùng nhỏ, nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người.

- Nhận diện bụi mịn

Khác với bụi thô và bụi nhỡ (bụi đường, bụi công nghiệp...) có thể quan sát được, phần lớn bụi mịn và siêu mịn không thể nhìn thấy trực tiếp bằng mắt thường. Tuy nhiên, chúng ta có thể quan sát được ở quy mô lớn vì bụi mịn làm tán xạ các tia sáng và làm không khí trở nên đặc hơn, có lớp mù đục màu xám, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, làm ta không thể nhìn rõ những tòa nhà cách xa từ vài trăm đến vài km. Khác với hiện tượng sương mù - xuất hiện khi độ ẩm cao, màu trắng tinh, tầm nhìn trong sương chỉ vài chục mét, và thường chỉ xuất hiện sáng sớm, khi nắng lên sẽ tan.

Ô nhiễm không khí – “kẻ giết người thầm lặng”

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ thể con người chỉ có cơ chế tự bảo vệ với bụi hạt có kích cỡ lớn hơn 10 micromet, tuy nhiên với các kích cỡ bụi từ 0,01 đến 5 micromet sẽ bị giữ lại trong khí quản và phế nang. Bụi mịn PM2.5 (có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào cơ thể người do có kích thước siêu nhỏ và ảnh hưởng sức khỏe nhiều người hơn bất kỳ chất gây ô nhiễm nào khác, ngay cả ở nồng độ thấp.

Chú thích ảnh
Với mật độ lưu thông của các phương tiện giao thông và tình trạng ùn tắc kéo dài tại các tuyến đường trong nội thành là một tác nhân chính dẫn đến tình trạng Hà Nội mù mịt trong những ngày qua và có chỉ số ô nhiễm không khí cao kỷ lục. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Theo WHO, ô nhiễm không khí được coi là "kẻ giết người thầm lặng". Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột qụy não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Không khí ô nhiễm làm gia tăng bệnh nhiễm trùng hô hấp, hen suyễn và các triệu chứng dị ứng ở trẻ em; làm cho bệnh nhân hen và COPD dễ bị phát bệnh cấp và nhập viện nhiều hơn.

Theo TS, bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, không khí ô nhiễm còn ảnh hưởng đến tâm thần kinh, tác động lên hệ thần kinh trung ương, thay đổi hành vi; ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của trẻ em. Ô nhiễm không khí có thể gây ra tình trạng rối loạn tâm lý và mất cảm giác khỏe mạnh. Trong môi trường làm việc có nhiều khói bụi hay có mùi khó chịu sẽ làm người tiếp xúc dễ cáu gắt, giảm hành vi giúp đỡ người khác.

Những khuyến cáo

Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, chuyên gia khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ em, người già và những người mắc bệnh về hô hấp. Nếu có việc phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang có chức năng lọc khí để tránh khói, bụi. Khi đi ra ngoài về, nên rửa mũi, họng bằng nước muối sinh lý.

Theo PGS.TS, bác sĩ Vũ Văn Giáp, Tổng Thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, đối với các bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần phải tuân thủ và duy trì thuốc hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu, khó thở cần phải tăng liều thuốc giãn phế quản theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bệnh nhân vẫn khó thở, không thể tự kiểm soát được thì cần liên lạc với bác sĩ hoặc cơ sở y tế để được hỗ trợ, hướng dẫn các giải pháp khắc phục, phòng ngừa và cấp cứu cơn khó thở, tránh nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Với các bệnh nhân mắc bệnh hô hấp, ngoài bụi thì khói và các mùi hắc khó chịu cũng là tác nhân gây các đợt cấp cho nên khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu, lưu ý phải chọn lựa khẩu trang có thể lọc được bụi mịn.

Theo bác sĩ Nguyễn Phượng Hoàng, chuyên gia kiểm soát lây truyền lao quốc gia, Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện phổi Hà Nội, các loại khẩu trang cotton hoạt tính, khẩu trang y tế chỉ có tác dụng ngăn bụi thô kích thước lớn, không thể ngăn bụi mịn dưới 2,5 micromet, loại bụi mà mắt thường không thể nhìn thấy và có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Bác sĩ Hoàng cho biết, những loại khẩu trang đạt tiêu chuẩn của Viện quốc gia về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (NIOSH), có ký hiệu N95, N99 hoặc đạt tiêu chuẩn chuẩn châu Âu có ký hiệu FFP2, nếu dùng đúng cách có thể lọc được 85-99% hạt bụi có kích thước chỉ 0,3 micromet, ngăn được cả vi khuẩn, virus.

Các chuyên gia khuyến cáo, nguyên tắc khi sử dụng khẩu trang chống bụi, vi khuẩn, virus là không được giặt, nếu bẩn thì loại bỏ và dùng cái khác, bởi giặt sẽ làm phá vỡ cấu trúc màng lọc của khẩu trang, khi đó khẩu trang không còn chức năng lọc nữa. Để bảo an toàn, người dân nên mua ở những công ty vật tư y tế có thương hiệu, uy tín. Sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm phải có ký hiệu N95 hay N99 hoặc FFP2; chữ in phải sắc nét, không bị mờ, nhòe.

Tuy nhiên, việc mua được hàng đảm bảo chất lượng mới là điều kiện cần, điều kiện đủ để bảo vệ tốt sức khỏe là sử dụng khẩu trang đúng cách. Nên sử dụng khẩu trang ôm khít mặt, nên thay khẩu trang sau 10-15 ngày sử dụng trong điều kiện khẩu trang được cất tại nơi thoáng mát…

Minh Duyên/TTXVN (tổng hợp)
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội sẽ được cải thiện sau những cơn mưa
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội sẽ được cải thiện sau những cơn mưa

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, ô nhiễm không khí tăng vọt là do Hà Nội đang vào giai đoạn chuyển mùa, không khí khô và đặc biệt ít mưa so với cùng kỳ các năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN