Nhiều trẻ mắc sởi biến chứng viêm phổi, suy hô hấp nặng

Ngày 8/8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết đang điều trị cho 3 bệnh nhân mắc sởi nặng, trong đó có cặp song sinh mới được 11 tháng tuổi đều mắc bệnh sởi, tiên lượng rất xấu. 

Chú thích ảnh
Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương tại Hà Nội đang nỗ lực cứu chữa điều trị 3 trường hợp mắc sởi bị viêm phổi rất nặng đều do không tiêm chủng. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Theo bác sỹ Bùi Vũ Huy, Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hai bé vào viện trong tình trạng sốt liên tục kèm theo ho, đi ngoài phân nát. Đến ngày thứ 4, trên người hai bé xuất hiện ban đỏ toàn thân, ho tăng nhiều, ăn uống nôn trớ nhiều. Đáng chú ý là hai bé có tiền sử sinh non ở tuần thứ 30 và nhẹ cân hơn bình thường. Trong 5 ngày điều trị tại viện, dù được chăm sóc cẩn thận nhưng do sức đề kháng yếu nên bệnh chưa thuyên giảm. Các bé đang được theo dõi và điều trị tích cực. 

Theo thống kê, từ đầu năm 2018 đến nay, Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận rải rác 34 ca mắc sởi nặng. Trong số các bệnh nhân nhập viện, đa phần là trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng phòng bệnh sởi. 

Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Xanh Pôn khoảng 2 tuần nay ngày nào cũng tiếp nhận từ 1-2 ca mắc sởi, cao điểm có tuần điều trị cho 14-15 ca mắc sởi. 

Theo các bác sỹ, số ca mắc sởi năm 2018 nặng hơn những năm trước khi nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, phải thở máy... 

Trước tình hình trên, Bộ Y tế khuyến cáo: Để phòng bệnh hiệu quả, các gia đình cần chủ động đưa trẻ trong độ tuổi (9 tháng - 2 tuổi) chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1-14 tuổi tiêm vắc xin sởi-rubella đầy đủ và đúng lịch. 

Bệnh sởi rất dễ lây, do vậy cha mẹ không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày, đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. 

Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu: Sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, phụ huynh cần cách ly sớm và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Các gia đình không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo. Người mắc sởi cần được cách ly và chăm sóc y tế trong 7 ngày kể từ khi phát ban. Trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể được cách ly tại nhà (nghỉ học, nghỉ làm việc, không tham gia hoạt động tập thể, tập trung đông người). Trong thời gian cách ly, bệnh nhân phải đeo khẩu trang y tế. 

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi rút sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc có thể gặp ở người lớn do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài. Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh, cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. 

Biểu hiện của bệnh là: Sốt, phát ban, viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng (Koplik) ở niêm mạc miệng. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng. Bệnh sởi rất dễ lây lan và thường gây thành dịch. Trước đây, hầu hết trẻ em đều mắc sởi, tuy nhiên, việc triển khai rộng rãi tiêm vắc xin sởi trong nhiều năm qua đã khống chế thành công bệnh sởi. 

Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 7 - 18 ngày, trung bình 10 ngày. Thời kỳ lây truyền từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau phát ban. Bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín, hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh. Miễn dịch có được sau mắc bệnh hoặc sau tiêm vắc xin là bền vững. Miễn dịch của mẹ truyền cho con có thể bảo vệ trẻ trong vòng từ 6-9 tháng sau khi ra đời...

Thu Phương  (TTXVN)
Bệnh sởi gia tăng ở Hà Nội: Đa số trẻ chưa tiêm hoặc tiêm vắc xin không đủ mũi
Bệnh sởi gia tăng ở Hà Nội: Đa số trẻ chưa tiêm hoặc tiêm vắc xin không đủ mũi

Trước thông tin bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại Hà Nội, ngày 3/8, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Đa số đối tượng mắc sởi là trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh theo qui định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN