Nhiều dịch bệnh "đua" nhau bùng phát

Không chỉ bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika đang vào điểm đỉnh của dịch mà các bệnh liên quan đến đường hô hấp, quai bị cũng bắt đầu gia tăng nhanh chóng.


Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, vào những tuần cuối của tháng 11 và đầu tháng 12, số ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gia tăng nhanh chóng. Từ đầu tháng 12 đến nay, thành phố ghi nhận 1.418 ca sốt xuất huyết, trong đó quận 4 và quận 5 có số ca mắc bệnh trong nửa tháng 12 đã gần bằng với nguyên tháng 11. 


Riêng bệnh do vi rút Zika, đến nay thành phố cũng ghi nhận 133 ca nhiễm ở  23/24 quận huyện, trong đó có 17 thai phụ đang được theo dõi. Những quận, huyện có số ca mắc vi rút Zika cao như Bình Thạnh, quận 2, quận 9...


Trước tình hình dịch bệnh do muỗi gây ra gia tăng mạnh, Trung tâm Y tế dự phòng đã yêu cầu các quận huyện đẩy mạnh các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết và vi rút Zika. Theo đó, khi phát hiện ca bệnh không chỉ khoanh vùng phun hóa chất, xử lý khu vực có ca bệnh mà phải điều tra dịch tễ nghiêm túc để đánh giá sự liên hệ với các ca bệnh trước; đồng thời điều tra phát hiện các chùm ca bệnh. Bên cạnh đó, việc phun hóa chất phải đúng kỹ thuật, vận động người dân hợp tác. Với những phường vừa có sốt xuất huyết và vi rút Zika thì cần lưu ý hơn trong công tác chống dịch và điều tra dịch, khống chế không để kéo dài sang năm 2017.

Nhiều loại dịch bệnh "đua" nhau vào mùa


Đặc biệt, thành phố vừa ghi nhận một ổ dịch quai bị tại Trường Tiểu học Tân Xuân (xã Tân Thới Đông, huyện Hóc Môn) với 35 học sinh bị mắc. Ổ dịch bệnh này đã xuất hiện từ ngày 25/11. Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, ngày 15/12, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Trung tâm y tế dự phòng huyện Hóc Môn để nắm thông tin; đồng thời tiến hành điều tra dịch tễ và giám sát việc khử khuẩn tại Trường Tiểu học Tân Xuân.


Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hóc Môn cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin về các ca bệnh quai bị từ Trường Tiểu học Tân Xuân, trạm y tế xã đã đến trường hướng dẫn cách phát hiện học sinh bị bệnh. Cùng với việc khử khuẩn tại tất cả các lớp học, trường đã truyền thông cho phụ huynh về tình hình dịch bệnh. Thời gian tới, trường tăng cường bồn rửa tay trước cổng trường để phụ huynh và học sinh rửa tay bằng xà phòng và xin ý kiến chỉ đạo của Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Hóc Môn cho học sinh nghỉ học (đối với các lớp không thi học kỳ) và không cho học sinh học bán trú từ ngày 19 đến 25/12 (đối với những lớp thi học kỳ).


Ngành y tế khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi sức khỏe của con em mình và báo cáo với giáo viên chủ nhiệm khi nghi ngờ mắc bệnh quai bị. Khi có trẻ bị bệnh phải cho nghỉ tại nhà để cách ly 10 – 21 ngày (thường là 10 ngày) để tránh lây lan cho các học sinh khác.


"Không chỉ các loại dịch bệnh trên, dịch bệnh hô hấp sẽ tiếp tục gia tăng vào thời gian tới bởi hiện nay đang bước vào thời điểm giao mùa. Các loại bệnh này thường gia tăng ở các trường học và xuất hiện ổ dịch tại những nơi đông người", bác sỹ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, cho biết.


Theo đó, bác sĩ Nga cũng yêu cầu các trạm y tế lưu ý giám sát chặt các ca bệnh trong trường học, tìm hiểu nguyên nhân các trường hợp học sinh nghỉ học để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh. Với các cơ sản xuất, cơ sở tập trung đông người như cơ sở may, cơ sở sản xuất kinh doanh, trạm y tế địa phương cũng cần giám sát chặt chẽ các loại bệnh truyền nhiễm. Chỉ cần phát hiện 1-2 trường hợp mắc bệnh thì cần xử lý ngay.


Đan Phương
Virus Zika có thể nhân bản trong não trẻ
Virus Zika có thể nhân bản trong não trẻ

Virus Zika có thể nhân bản trong não của các thai nhi trong vòng 7 tháng sau khi những phụ nữ mang thai bị nhiễm virus này và có thể tồn tại sau khi họ sinh con.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN