Lo ngại dịch cúm, dịch sởi bùng phát trước thềm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội

Nguy cơ bùng phát các dịch bệnh trong dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 là rất lớn do sự giao lưu đi lại của người dân và nhu cầu sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm tăng cao.

Dịch cúm gia cầm đang có khả năng xâm nhập vào nước ta . Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo đánh giá của Bộ Y tế, trong thời gian nghỉ Tết sắp tới, các tỉnh, thành phố có lượng dân cư đi lại động như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Quảng Ninh, là các tỉnh trọng điểm về dịch bện, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn.


Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, tình hình dịch bệnh cúm trên thế giới đang có diễn biến phức tạp, các trường hợp mắc cúm A(H7N9) đã được ghi nhận tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, tình hình bệnh cúm tại nhiều địa phương trong nước cũng đang có xu hướng gia tăng, thời tiết hiện tại lại là điều kiện rất thuận lợi để các bệnh về đường hô hấp, nhất là vi rút cúm có thể lây lan và phát triển mạnh.


Dịch bệnh sởi cũng đang có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam khi một số nước trong khu vực có giao lưu qua lại rất nhiều với nước ta đang có xu hướng gia tăng các trường hợp mắc sởi. Cụ thể, tại Philippin, trong thời gian từ tháng 11/2017 đến tháng 1/2018, tại Thành phố Davao (Philippines) đã ghi nhận hơn 220 trường hợp mắc bệnh sởi, không có trường hợp tử vong. Tại Papua, một khu vực hẻo lánh của Indonesia cũng đã ghi nhận ổ dịch sởi kéo dài từ tháng 9/2017 tới nay với ít nhất 59 trường hợp đã tử vong.


Trước tình hình nhiều dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập và bùng phát tại Việt Nam, nhất là trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán, lễ hội xuân sắp tới là thời điểm người dân đi lại, giao lưu giữa các địa phương, tại các cửa khẩu rất nhiều nên khả năng bùng phát các dịch bệnh là rất lớn.


Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Hiện nay các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã có kế hoạch ứng phó và phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 và mùa lễ hội đầu năm 2018. Theo đó, các địa phương đã kiện toàn các đội chống dịch cơ động, phân công cán bộ thường xuyên trực dịch trong dịp tết Nguyên đán và tăng cường công tác giám sát phát hiện dịch bệnh, sẵn sàng xử lý và triển khai các biện pháp khoanh vùng ổ dịch ngay từ các trường hợp mắc bệnh đầu tiên. Bên cạnh đó, các đơn vị đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu, không để dịch bệnh xâm nhập, cũng như sẵn sàng phối hợp triển khai các hoạt động xử lý ổ dịch trong cộng đồng.


Cũng theo ông Tấn,  các địa phương không được chủ quan, lơ là công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh vì đây là thời điểm dễ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nếu không triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch.


Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Cục Y tế dự phòng đã có các công văn chỉ đạo các Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng/Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại cộng đồng và tại các cửa khẩu để chủ động kiểm soát và xử lý các ổ dịch (nếu có) nhằm đảm bảo phát hiện sớm, xử lý kịp thời và không xảy ra dịch bệnh lớn trong dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 và mùa lễ hội đầu năm 2018.


Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Năm 2018 dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp
Năm 2018 dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp

Tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, đặc biệt là các bệnh dịch nguy hiểm; dịch bệnh Ebola, MERS-CoV liên tục gia tăng, dịch bệnh cúm gia cầm như cúm A(H5N1), A(H7N9)... chưa khống chế được triệt để; bệnh do vi rút Zika lây truyền mạnh mẽ. Một số bệnh trước đây đã được khống chế nhưng hiện gia tăng trở lại ở nhiều quốc gia trong khu vực như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, bại liệt, sởi...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN