Kỹ thuật cấy ghép mới mở ra cơ hội duy trì khả năng sinh sản cho các bé trai mắc ung thư

Đàn ông trưởng thành nếu bị kết luận mắc ung thư có thể lựa chọn phương pháp đông lạnh tinh trùng trước khi tiến hành hóa trị để có thể hoàn thành mong muốn duy trì khả năng sinh sản. Tuy nhiên, lựa chọn này không khả thi khi bệnh nhân là những bé trai chưa đến tuổi trưởng thành.

Ước tính, 30% số bé trai chưa đến tuổi trưởng thành mà phải trải qua các ca điều trị ung thư bằng hóa chất độc hại sẽ bị vô sinh. Đây là câu hỏi lớn mà giới khoa học đã nghiên cứu nhiều năm qua để tìm ra lời giải.

Các nghiên cứu đã được thực hiện với ý tưởng ban đầu là tách các mô tế bào tinh hoàn chưa hoàn thiện ở cơ thể các bệnh nhi nam và mang đi đông lạnh trước khi điều trị hóa chất hoặc xạ trị. Sau đó, khi đến tuổi trưởng thành, các mô này được cấy ghép trở lại vào cơ thể của bệnh nhân, giúp sản sinh tinh trùng như bình thường ở tuổi dậy thì. Các nhà khoa học đã 3 lần thử nghiệm cấy ghép tự động thành công với khỉ từ những năm 2000 và cho kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có ca nào dẫn tới quá trình thụ thai hay sinh con.

Ngày 21/3, một nhóm do các nhà nghiên cứu của Viện Dược học thuộc Đại học Pittsburgh đã công bố một bước ngoặt mới khi sử dụng tinh trùng sản sinh từ khỉ nâu đuôi ngắn nhờ kỹ thuật cấy ghép tự động để tạo ra các bào thai và cấy ghép vào tử cung của khỉ cái. Hồi tháng 4/2018, một trong những chú khỉ cái đã sinh ra một chú khỉ con khỏe mạnh được đặt tên là Grady (một cái tên kết hợp giữa hai cụm từ thể hiện rõ lai lịch của chú khỉ nhỏ là sinh ra bằng phương pháp cấy ghép tự động nêu trên: graft-derived" và "baby"). Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí khoa học Science.

Thử nghiệm này đã đưa ra một bằng chứng thuyết phục cho ý tưởng về kỹ thuật cấy ghép tự động và giúp quá trình phát triển kỹ thuật này tiến thêm một bước trên con đường hướng tới ứng dụng cho những bé trai bị ung thư. Việc có thể ứng dụng kỹ thuật này với bé gái hay không cần nghiên cứu sâu hơn về cấy ghép mô buồng trứng.

Tác giả chính của nghiên cứu, chuyên gia về khoa học sinh sản Kyle Orwig, thuộc Đại học Pittsburgh cho biết tại Pittsburgh, 206 bé trai và 41 bé gái đang phải điều trị ung thư đã được lấy mẫu mô và đông lạnh từ năm 2011 với hy vọng rằng kỹ thuật này một ngày nào đó sẽ được ứng dụng cho con người. Ông cũng tin tưởng kỹ thuật này sẽ được đưa ra thử nghiệm lâm sàng trong 2 tới 5 năm tới đồng thời cho biết các nhà khoa học đang thảo luận và xin cấp phép thử nghiệm từ các cơ quan quản lý.

Lê Ánh (TTXVN)
Triển vọng điều trị bằng Afatinib cho bệnh nhân châu Á mắc ung thư phổi
Triển vọng điều trị bằng Afatinib cho bệnh nhân châu Á mắc ung thư phổi

Thử nghiệm này đã chứng tỏ rằng các bệnh nhân châu Á mắc bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) có loại đột biến EGFR phổ biến nhất, (đứt đoạn 19; del19), đã sống khoảng thời gian lâu hơn đáng kể sau khi nhận điều trị bước một bằng GIOTRIF® (afatinib).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN