Kiểm tra việc phòng, chống viêm phổi cấp tại sân bay Nội Bài

Ngày 21/1, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát phòng chống dịch bệnh (CDC) Hà Nội đã đến làm việc tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra hệ thống kiểm dịch y tế quốc tế khu cách ly khi phát hiện các trường hợp nghi nhiễm viêm phổi cấp do chủng vi rút mới nCoV. Ảnh: TTXVN phát

Đoàn công tác làm việc với các đơn vị liên quan để đánh giá sự sẵn sàng của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài trong công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như kiểm tra công tác giám sát tại cửa khẩu quốc tế vì đây là nơi giao thương đi lại nhiều, có nhiều hành khách quốc tế nhập cảnh.

Trước khi làm việc với các đơn vị liên quan, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã trực tiếp đi kiểm tra công tác giám sát hành khách nhập cảnh tại nơi kiểm dịch y tế quốc tế của khu vực nhập cảnh quốc tế.

Trung bình mỗi ngày, Sân bay Quốc tế Nội Bài có khoảng 115-120 chuyến bay quốc tế nhập cảnh, riêng các chuyến bay từ Trung Quốc dao động từ 11-13 chuyến, có những ngày cao điểm lên đến 15-16 chuyến.

Bác sĩ Nguyễn Hải Nam, Trưởng Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát phòng chống dịch bệnh Hà Nội cho biết: Công tác kiểm dịch tại cửa khẩu là công tác đầu tiên trong quy trình phòng chống dịch bệnh. Tại Sân bay Quốc tế Nội Bài hiện chưa có đường bay trực tiếp từ Vũ Hán đến nhưng công tác kiểm dịch luôn được chú trọng. Hiện công tác kiểm dịch được tăng cường đối với các chuyến bay đến từ Trung Quốc và những nước đã ghi nhận có ca mắc.

“Trung tâm kiểm soát dịch bệnh có kế hoạch riêng và phân công công tác, nhân lực phòng chống dịch, trực kiểm dịch y tế quốc tế 24/24h. Dịp Tết Nguyên đán, số chuyến bay tăng nên chúng tôi đã tăng cường nhân lực và trang thiết bị. Tại đây luôn có cán bộ y tế trực kiểm dịch y tế 24/7; mỗi ca trực có 8 nhân viên trong thời gian 10 tiếng, bắt đầu từ 5-15 giờ; ca tiếp theo từ 15 giờ cho đến khi hết chuyến bay. Hành khách qua đây là vị trí đầu tiên, sau đó mới đến chỗ nhập cảnh và lấy hành lý”, bác sĩ Nguyễn Hải Nam cho biết.

Hành khách đi theo luồng, máy đo thân nhiệt bắt hình ảnh trực tiếp vuông góc, 100% hành khách được bắt hình ảnh tự động. Máy đo thân nhiệt bắt điểm nhiệt của hành khách, khi phát hiện hành khách trên 38 độ, 38,5 độ thì sẽ lưu lại hình ảnh của hành khách và phát ra âm thanh để báo; đồng thời sẽ mời hành khách vào phòng cách ly ngay gần đó.

Trong trường hợp nghi ngờ có hành khách bị sốt, các nhân viên trực sẽ cho đeo khẩu trang ngay, khám sơ và cho uống thuốc hạ sốt. Nếu nghi ngờ ở mức độ cao hơn, có thể đưa hành khách sang phòng cách ly, lưu bệnh nhân tại phòng này, nếu bệnh nhân cần thiết phải chuyển viện thì sẽ liên hệ và chuyển viện theo đường riêng, không chung với lối đi của hành khách.

Hiện tại ngoài 4 máy đo thân nhiệt tại khu vực nhập cảnh và xuất cảnh quốc tế, Sân bay Quốc tế Nội Bài còn có 2 máy đo thân nhiệt dự phòng, sẵn sàng sử dụng khi cần thiết.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Quản lý cảng - Cảng vụ Hàng không Miền Bắc cho biết, không chỉ tại Sân bay Quốc tế Nội Bài mà trên các sân bay của miền Bắc có đường bay quốc tế, Cảng vụ đều lên kế hoạch triển khai các biện pháp kiểm dịch y tế quốc tế, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kiểm dịch ngay từ khâu ban đầu.

Tại buổi làm việc, Tiến sĩ Đặng Quang Tấn đánh giá cao công tác chuẩn bị các biện pháp phòng chống dịch của CDC Hà Nội. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh diễn biến tăng nhanh, thời gian sát Tết lượng người nhập cảnh cũng tăng cao, do đó CDC Hà Nội chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Trong đó, chú trọng rà soát lại quy trình kiểm dịch y tế quốc tế, phổ biến cập nhật các quy trình kiểm dịch cho nhân viên y tế; rà soát lại các cơ số thuốc, trang thiết bị, nhiệt kế, khẩu trang..., đảm bảo đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch ngay từ khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ. Đối với máy đo thân nhiệt, cần sắp xếp, điều tiết hợp lý để phát huy hiệu quả giám sát dịch bệnh.

“Hiện chúng ta mới trong tình huống chưa có dịch bệnh nhưng cũng cần sẵn sàng chủ động cả về nhân lực, trang thiết bị để đề phòng tình huống có ca bệnh xâm nhập tại cửa khẩu và trong tình huống dịch bệnh lây lan ra cộng đồng” - Tiến sĩ Đặng Quang Tấn nhấn mạnh và đề nghị công tác kiểm dịch y tế, phòng chống dịch bệnh của Hà Nội phải thực hiện tăng cường giám dịch tại cộng đồng, tránh để dịch bệnh lây lan.

Về công tác phòng chống dịch dịp Tết, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị CDC Hà Nội, ngoài lên kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ trực dịch đảm bảo yêu cầu 24/24h, cần gửi danh sách cụ thể về Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để liên hệ, trao đổi công việc khi cần.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tình hình bệnh viêm phổi cấp do Corona vi-rút mới đang tăng nhanh tại Trung Quốc, số ca bệnh đến thời điểm này là hơn 200 trường hợp mắc, đã có 3 trường hợp tử vong vì bệnh viêm phổi cấp độ chủng vi-rút mới. Một số nước như Nhật Bản, Thái Lan... cũng đã ghi nhận có bệnh nhân ngay từ khâu giám sát tại sân bay.

Thủy Bình (TTXVN)
Công văn khẩn của Bộ Y tế về việc phòng, chống bệnh viêm phổi cấp
Công văn khẩn của Bộ Y tế về việc phòng, chống bệnh viêm phổi cấp

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn số 62/KCB-NV gửi các các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành về việc phát hiện sớm và chuẩn bị tốt việc phòng, chống bệnh dịch viêm phổi cấp do Corona vi rút mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN