Khám loét dương vật, tìm thấy cuộn dây cước nằm yên trong niệu đạo 11 năm

Ngày 20/9, bác sỹ Trà Anh Duy, Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vừa phẫu thuật lấy ra một dị vật là một cuộn dây cước câu cá kích thước khoảng 2,5cmx6cm do người bệnh tự ý nhét vào niệu đạo từ 11 năm trước khiến bệnh nhân này bị viêm nhiễm kéo dài.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ phẫu thuật lấy cuộn dây cước ra khỏi niệu đạo. Ảnh: vtv.vn

Trước đó, bệnh nhân T.H.N (25 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) đến Bệnh viện Bình Dân khám vì bị viêm loét dương vật, tiểu buốt, bí tiểu kéo dài. Các kết quả chẩn đoán hình ảnh (như X-quang bàng quang - niệu đạo, siêu âm Doppler tinh hoàn - mào tinh) cho thấy, có một dị vật chưa rõ bản chất nằm trong niệu đạo của bệnh nhân.

Để giải quyết nhanh chóng tình trạng bí tiểu, viêm nhiễm vùng sinh dục, các bác sỹ đã mở bàng quang ra da nhằm chuyển lưu nước tiểu và điều trị kháng sinh kiểm soát nhiễm trùng, sau đó phẫu thuật lấy dị vật.

Trong quá trình phẫu thuật thám sát đường tiểu, ê-kíp phẫu thuật phát hiện một vật lạ đã ăn sâu, xuyên qua thành niệu đạo đến sát vách thể hang của dương vật. Dị vật được lấy khỏi niệu đạo là một cuộn dây cước đã đóng sỏi xung quanh thành khối có kích thước 2,5cmx6cm. Lúc này người bệnh mới thừa nhận đã tự nhét cuộn dây cước dùng để làm dây câu cá vào niệu đạo từ 11 năm trước.

Trải qua 11 năm, cuộn dây cước đã “ăn xuyên” vào niệu đạo, gây viêm các mô lân cận, tạo thành các xơ dính. Nhận định đây là trường hợp hẹp niệu đạo phức tạp vì đoạn tổn thương đã hư hỏng nặng kết hợp với dị tật lỗ tiểu đóng thấp bẩm sinh, ê-kíp phẫu thuật đã cẩn trọng cắt lọc đoạn niệu đạo bị hỏng, mở niệu đạo ra da. Các bác sỹ cũng đã chuyển vạt da để chuẩn bị sau 3 tháng nữa người bệnh sẽ được tạo hình niệu đạo bằng mảnh ghép niêm mạc miệng.

Trước đây, Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân đã từng gặp những trường hợp dị vật khác như đèn cầy (nến), chiếc đũa, dây điện, sợi cói chiếu… lọt vào đường tiểu. Tuy nhiên, theo các bác sỹ đây là lần đầu tiên một cuộn dây cước có kích thước lớn được tìm thấy trong niệu đạo và bị bỏ quên 11 năm. Các bác sỹ khuyến cáo, tuyệt đối không nên nhét bất cứ vật gì vào đường tiểu để tránh những biến chứng nguy hiểm như viêm nhiễm ngược dòng, chảy máu niệu đạo, chít hẹp niệu đạo...

Đinh Hằng (TTXVN)
 Phẫu thuật cắt u gan ở bệnh nhi không truyền máu hiếm gặp
Phẫu thuật cắt u gan ở bệnh nhi không truyền máu hiếm gặp

Mặc dù Bệnh nhi có bệnh hiểm nghèo, khối u gan to cắt được phẫu thuật ngay nhưng các bệnh viện đều từ chối vì người nhà đưa ra điều kiện là không truyền máu của người khác, kể cả máu của thân nhân bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật. Rất may, có một bệnh viện đồng ý sau khi đọc hồ sơ của bệnh nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN