Hy hữu: Mẹ suy thận giai đoạn cuối vẫn sinh ‘công chúa’ khỏe mạnh

Với sự nỗ lực của các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, sản phụ Nguyễn Thị Mơ, bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ 7 năm nay, đã vượt cạn thành công cùng sự chào đời của cô công chúa nhỏ Bảo Châu.

Sản phụ Nguyễn Thị Mơ và gia đình vui mừng đón bé Bảo Châu sau nhiều ngày tháng lo lắng bệnh tình của mẹ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Ảnh: ĐH

Theo BS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, sản phụ Nguyễn Thị Mơ, 30 tuổi, xã Đông Mỹ, Thái Bình, bị suy thận 7 năm nay và đang phải chạy thận chu kỳ tại Bệnh viện đa khoa Thái Bình. Khi phát hiện có thai do “lỡ kế hoạch”, chị Mơ đã rất lo lắng tìm đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám, xin ý kiến tư vấn của các bác sĩ…


Trong bối cảnh, thai đã lớn trên nền bệnh nhân chạy thận nhân tạo 7 năm, việc đình chỉ thai cũng có thể nguy cơ cho người bệnh, các bác sĩ đã rất cân nhắc, tổ chức nhiều cuộc hội chẩn với sự tham gia của các thầy thuốc khoa Sản, khoa Thận nhân tạo. Sau đó, với thể trạng của thai phụ cùng với sự quyết tâm của gia đình, bệnh nhân đã được nhập viện để điều trị, theo dõi thai chờ ngày sinh nở.


“Người bình thường có thai khó một thì bệnh nhân suy thận mạn tính lọc máu chu kỳ có thai khó hơn cả trăm lần; đặc biệt, rất khó duy trì được thai nghén đến khi đủ tuổi thai. Để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi, lọc máu sẽ được thực hiện với một quy trình riêng và có sự kết hợp theo dõi với nhiều chuyên khoa. Bởi lẽ, với bệnh nhân suy thận, các độc tố trong máu thường cao nên thai nhi khó có thể phát triển bình thường”, TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết.


Vậy nên, các bác sĩ khoa Thận nhân tạo đã phối hợp chặt chẽ với bác sĩ khoa Sản theo dõi từng ngày để điều chỉnh sự tăng cân, đồng thời, theo dõi từng chỉ số, tình trạng nước ối, siêu âm theo dõi sự phát triển của thai nhi, rau thai…


Đến tuần thứ 33 (tuổi thai cho phép đối với thai nhi trên nền sản phụ suy thận mạn tính), các bác sĩ đã thống nhất chỉ định mổ lấy thai. Và ngày 4/4, bé Bảo Châu nặng 2,2 kg đã chào đời và được chăm sóc đặc biệt tại Khoa Nhi.


Ngày 10/4, bé Bảo Châu đã được ra viện trong niềm vui của gia đình và tập thể thầy thuốc khoa Thận Nhân tạo, Khoa Sản và Khoa Nhi. Đó là một kết quả tốt đẹp không phụ sự nỗ lực của gia đình bệnh nhân và nhiều thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai.


Trao đổi thêm với phóng viên báo Tin Tức, TS Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ: "Đây là sản phụ thứ 3 suy thận giai đoạn cuối lọc máu chu kỳ được Bệnh viện Bạch Mai điều trị quản lý thai kỳ và đã sinh con an toàn".


Với bệnh nhân chưa đến mức phải chạy thận chu kỳ, các bác sĩ đã khuyến cáo không nên mang thai vì rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến cả mẹ và em bé. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những bệnh nhân bị lỡ kế hoạch, nhiều người đã bị sảy thai, bỏ thai...Vì vậy việc ra đời của bé Bảo Châu thực sự là một nỗ lực rất lớn của các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai. Ngay Chương trình nghiên cứu Đa trung tâm của Châu Âu trong hơn 10 năm tại một số quốc gia như Bỉ, Đan mạch, Pháp, Anh... cũng chỉ ghi nhận 23 trường hợp có thai trong khi chạy thận nhân tạo được đăng ký theo dõi, chăm sóc sinh con thì chỉ có 52% trẻ được sinh và sống bình thường.


“Quan trọng là bé Bảo Châu khỏe mạnh; hai cháu bé được sinh ra từ người mẹ suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ trước đó cũng phát triển bình thường. Đó là điều chúng tôi rất mong mỏi trong quá trình điều trị, giữ thai chờ sinh nở cho các thai phụ bị suy thận giai đoạn cuối”, TS Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ.


Phương Liên (Báo Tin Tức)
Xót xa bệnh nhân tiểu đường phải ‘cõng” cả suy thận nặng
Xót xa bệnh nhân tiểu đường phải ‘cõng” cả suy thận nặng

Tăng huyết áp, phù phổi, tai biến mạch máu não, hôn mê, ngừng tuần hoàn… đó là những biến chứng từ bệnh đái tháo đường mà nhiều bệnh nhân nhân suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo, đang phải trải qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN