Gần 2.000 nhà thuốc tại TP Hồ Chí Minh bị tạm dừng hoạt động

Ngày 2/4, ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, theo thống kê có gần 2.000 nhà thuốc trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị đóng cửa do chưa kết nối vào hệ thống dược quốc gia. Việc đóng cửa các nhà thuốc trên sẽ không ảnh hưởng đến việc cung ứng thuốc cho người dân.

TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương thí điểm đầu tiên và buộc các nhà thuốc kết nối mạng với hạn cuối là vào ngày 31/3/2019. Riêng cả nước thì đến đầu năm 2020, nếu các cơ sở bán lẻ thuốc không kết nối được theo quy định của Luật Dược cũng như Thông tư 02/2018 về thực hành tốt các cơ sở bán lẻ thuốc thì phải dừng việc buôn bán thuốc.

Chú thích ảnh
Hiện tại TP Hồ Chí Minh mới có 47.000 nhà thuốc thực hiện kết nối dữ liệu cơ sở quốc gia. Ảnh: Phương Vy

Để thực hiện được việc này, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã thông báo lộ trình từ đầu năm 2019, tổ chức nhiều đợt tập huấn giúp các cơ sở nhà thuốc nắm rõ chủ trương thực hiện. Ngoài ra, Sở y tế thành phố cũng thông tin cho các nhà thuốc trên địa bàn về các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối để nhà thuốc biết và chọn nhà cung cấp phần mềm phù hợp, tạo điều kiện bình đẳng cho các đơn vị tiếp cận nhà thuốc có nhu cầu. Ông Dũng cho biết, hiện có 37 công ty tham gia cung cấp phần mềm cho các nhà thuốc với chính sách ưu đãi như miễn phí 3, 6 tháng hoặc cả năm, năm tiếp theo tính phí 50%. Việc thực hiện kết nối online khá thuận tiện, nhanh chóng, chỉ trong 1 giờ là có thể kết nối được nên không có lý do gì để trì hoãn. Tuy nhiên, theo thống kê tính đến thời điểm này, thành phố mới có 4.700 cơ sở đã thực hiện viêc kết nối cơ sở dữ liệu dược quốc gia trên tổng số 6.300 nhà thuốc, chiếm 75%.

Theo ông Dũng, sau ngày 31/3, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra và quyết tâm tuân thủ lộ trình, thực hiện quyết liệt việc đóng cửa các nhà thuốc chưa chấp hành nghiêm việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, tiến tới kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ của thuốc cũng như kiểm soát được tình hình bán thuốc kê đơn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết thêm, Sở Y tế sẽ xem xét việc ngưng kinh doanh từng cơ sở. Nếu cơ sở nhà thuốc có những lý do chính đáng như chưa kết nối được phần mềm dữ liệu do kỹ thuật trục trặc từ nhà cung cấp phần mềm hay gặp trục trặc trong việc kết nối dữ liệu xuất – nhập trong quá trình kinh doanh thuốc thì sẽ tiếp tục được cho thêm thời gian tháo gỡ. Đối với những nhà thuốc chưa thực hiện nhưng đưa ra những lý do cá nhân như khó khăn tài chính, thời gian gấp gáp thì sẽ không được xem xét vì lý do không chính đáng. Để kiểm soát việc này, Sở Y tế sẽ thường xuyên thanh kiểm tra để phát hiện cơ sở vi phạm và xử lý nghiêm.

Đan Phương/Báo Tin tức
90% nhà thuốc tại Việt Nam bán thuốc kháng sinh không kê đơn
90% nhà thuốc tại Việt Nam bán thuốc kháng sinh không kê đơn

90% nhà thuốc tại Việt Nam bán thuốc kháng sinh không kê đơn, 87% người dân có thể đến nhà thuốc mua kháng sinh, điều này khiến cho vấn đề kháng kháng sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN