Dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, có nguy cơ tăng

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, các dịch bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường vào những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, trong tuần 42, toàn thành phố ghi nhận 55 trường hợp mắc sởi, tăng 60% so với những tuần trước và nâng tổng số ca mắc sởi trên địa bàn lên 256 ca. Đặc biệt, trên địa bàn bàn thành phố ghi nhận sự xuất hiện của 3 chùm ca bệnh sởi trong cộng đồng tại quận 9, quận Bình Thạnh và quận Tân Phú.

Chú thích ảnh
 Số ca mắc bệnh sởi tại TP Hồ Chí Minh tăng 60% so với 4 tuần trước đó.

Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết từ đầu tháng 8 đến nay có sự gia tăng số lượng ca mắc sởi, trong đó có các ca nặng, có biến chứng viêm phổi hoặc có yếu tố nguy cơ như có bệnh nền là tim bẩm sinh và dị tật bẩm sinh khác của đường hô hấp, tiêu hóa… So với năm 2017, các ca sởi nặng có tăng.

Lý giải bệnh sởi lại tăng so với năm 2017, Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng, nguyên nhân có thể do miễn dịch trong cộng đồng còn kém, một số trẻ có sức đề kháng yếu do có bệnh bẩm sinh và không được tiêm ngừa, đặc biệt ở trẻ dưới 9 tháng tuổi nên không có khả năng kháng lại bệnh. Theo đó, khoảng 90% trẻ mắc sởi nặng tại Nhi đồng 2 là trẻ dưới 9 tháng tuổi.

Bên cạnh đó, cũng có một tỉ lệ trẻ đã ngoài 9 tháng tuổi nhưng vì có dị tật ở tim, đường thở, tiêu hóa nên chưa được tiêm chủng. Một số trẻ bình thường khác vì lý do nào đó mà không được phụ huynh đưa đi tiêm chủng hoặc là không tiêm đủ 2 mũi sởi theo quy định cũng dẫn đến miễn dịch kém.

Chú thích ảnh
Các dịch bệnh truyền nhiễm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bên cạnh dịch sởi đang gia tăng thì nhiều dịch bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng gia tăng so với những tháng trước đây. Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, tích lũy từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có hơn 5.000 ca mắc, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017; bệnh sốt xuất huyết ghi nhận có hơn 15.500 ca, tuy có thấp 13% so với cùng kỳ nhưng dịch bệnh vẫn đang có dấu hiệu tăng.

Theo bệnh viện Nhi đồng 2, Việt Nam là vùng lưu hành của dịch bệnh sốt xuất huyết và bệnh thường tăng vào đầu và cuối mùa mưa. Tháng 9/2018, số lượng bệnh nhi nhập viện có tăng và số ca biến chứng nặng cũng tăng, tuy nhiên so với 9 tháng cùng kỳ năm 2017 thì số ca mắc không tăng.

Với bệnh tay chân miệng, thường trong năm dịch bệnh có 2 đỉnh cao là vào tháng 3-4 và tháng 10-11 nhưng năm nay dịch đến sớm hơn là vào tháng 8-9, số lượng bệnh nhân có nhiều hơn những tháng trước và số ca nặng độ 3, 4 nhập viện cao hơn những năm gần đây. Ngoài ra, bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cũng đến sớm hơn mọi năm và lượng bệnh nhân cũng tăng cao.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhận định thời điểm cuối tháng 10 và đầu tháng 11, các dịch bệnh sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, Sở Y tế yêu cầu các quận, huyện tiếp tục tăng cường giám sát hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết như vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, xử lý ổ dịch…

Bên cạnh đó, Sở cũng thực hiện điều tra dịch tễ tất cả các ca bệnh sởi, tay chân miệng; yêu cầu các trường học, nhóm trẻ, các khu kinh doanh vui chơi giải trí thường xuyên vệ sinh khử khuẩn các đồ chơi, thiết bị học tập của trẻ em; đồng thời Sở Y tế cũng chỉ đạo các trạm y tế phường, xã phát động chiến dịch tiêm vét vắc xin ngừa sởi mũi 1 và mũi 2 cho trẻ trên địa bàn.

Đan Phương/Báo Tin tức
Lấy ra gần 50 viên sỏi trong túi mật của người đàn ông ngoại quốc
Lấy ra gần 50 viên sỏi trong túi mật của người đàn ông ngoại quốc

Người đàn ông mang quốc tịch nước ngoài vừa được phẫu thuật nội soi túi mật và lấy ra gần 50 viên sỏi lớn nhỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN