Dễ tử vong khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease –COPD) được xếp hạng ba trong các nguyên nhân gây tử vong và là một trong 10 căn bệnh không thể chữa khỏi trên toàn cầu.

Hút thuốc lá là nguyên nhân thường gặp nhất của COPD, tiếp đến là do ô nhiễm không khí, ô nhiễm từ chất đất sinh khối (khói bếp do đốt than, củi, rơm).

Ước tính có khoảng 329 triệu người mắc COPD trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ COPD trong cộng đồng dân cư từ 40 tuổi trở lên là 4,2%, trong đó nam là 7,1% và nữ là 1,9%. BS Th.s Nguyễn Như Vinh, Bệnh viện ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, cho biết bệnh nhân COPD thường chiếm 25% số giường trong các khoa hô hấp và trong phòng chăm sóc tích cực lúc nào cũng có bệnh nhân COPD thở máy.


Những triệu chứng lâm sàn của COPD như khó thở, ho mạn tính hoặc tăng tiết đờm và có tiền sử tiếp xúc với các nguy cơ gây bệnh. Bệnh nhân COPD thường mắc phải những bệnh đi kèm như suy nhược, suy giảm chức năng cơ xương, hội chứng chuyển hóa, loãng xương, trầm cảm và ung thư phổi.

PGS TS. Bác Sĩ Trần Văn Ngọc chia sẻ về căn bệnh COPD và cách phòng ngừa bệnh.

Những bệnh đi kèm có thể xảy ra trên những bệnh nhân ở các mức độ tắc nghẽn dòng khí khác nhau, từ nhẹ, trung bình đến nặng và có thể khiến bệnh nhân phải nhập viện hay tử vong.


Đáng lo ngại, COPD gây gánh nặng to lớn cho kinh tế Việt Nam, từ chi phí điều trị trực tiếp như tiền thuốc, xét nghiệm và các chi phí gián tiếp như phải nghỉ việc do giảm năng suất lao động, bỏ học, bỏ việc giữa chừng để dành thời gian điều trị.


Nhân Ngày bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu 2016, Hội hô hấp TP Hồ Chí Minh và VPĐD GlaxoSmithKline Pte Ltd tại TP Hồ Chí Minh đã phát động chương trình hành động nâng cao nhận thức cho người dân về COPD cũng như cập nhật kiến thức về phòng ngừa và điều trị bệnh cho các cán bộ y tế.

Nguyên nhân, khi bệnh nhân đã mắc bệnh COPD phải kiểm soát liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định điều trị từ bác sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải chủ động phòng tránh tác nhân gây bệnh như: không hút thuốc, tránh tiếp xúc với bụi, khói nhất là khói thuốc lá; tránh hoạt động thể lực quá sức và đặc biệt là giữ môi trường sống trong lành.


PGS.TS bác sĩ Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội hô hấp TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng người mắc COPD có thể sinh hoạt bình thường hoặc tương đối bình thường nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Nhưng trên thực tế, phần lớn số bệnh nhân COPD phát hiện là ở giai đoạn nặng hoặc rất nặng do biểu hiện bệnh ban đầu khá tương đồng với các bệnh hô hấp khác”.


Mặt khác, gánh nặng chi phí điều trị thường khiến bệnh nhân nản lòng và bỏ dở điều trị. Đứng trước thách thức to lớn ấy, PGS.TS bác sĩ Trần Văn Ngọc cho rằng ngoài việc đầu tư, đảm bảo tính sẵn có của các phương pháp chẩn đoán và điều trị COPD ngay tại tuyến cơ sở, ngành y tế cần phải đẩy mạnh truyền thông giáo dục nhận thức người dân về COPD cũng như thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ.


Hải Yên
Cảnh giác với bệnh viêm phổi ở trẻ em
Cảnh giác với bệnh viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi là mối đe dọa lớn trên toàn thế giới, với gần 1 triệu ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi ngày có tới 11 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do viêm phổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN