Để hiến tạng trở thành nghĩa cử cao đẹp

Đã có hàng nghìn người dân tình nguyên xin được hiến tạng sau khi qua đời. Hàng ngàn lá đơn, tấm thẻ đã được viết nên để tiếp nối sự sống cho biết bao người khác… những hành động đẹp đó đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Tuy nhiên thời gian qua cũng có không ít thắc mắc xoay quanh một số chính sách liên quan đến người hiến tạng, nhất là với người hiến tạng khi còn sống.

Mẹ bé Hải An cùng người thân đã làm thẻ đăng ký hiến tạng.

Lan tỏa những câu chuyện cổ tích đời thường


Trong một ngày làm việc ngày cuối tuần, tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, một “vị khách” đặc biệt là bà T.T.V 85 tuổi, ở Hà Nội đã tới đăng ký hiến tạng mà không cần chết não. Cách đây 3 năm bà cụ đã từng đến Trung tâm để đăng ký hiến tạng. Bà T.T.V cho biết, tự thấy mình khỏe mạnh và sống đến nay đã là đủ, bà tha thiết muốn hiến tạng để đem lại cơ hội sống cho nhiều người khác, để làm được một việc có ích cho đời. Trước mong muốn đó của bà cụ, cán bộ Trung tâm phải giải thích mãi về việc luật không cho phép hiến tạng khi còn sống, ngành y chỉ cứu người chứ không giết người; và hiến tạng cứu người là hành động đẹp nhưng vẫn phải theo luật bà cụ mới chịu.


Cách đây không lâu cũng có trường hợp bé 6 tháng tuổi bị bệnh tim ở Kon Tum; vì xác định bé không qua khỏi nên gia đình đã gọi ra Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để xin đăng ký hiến tạng, Trung tâm đã hết sức ghi nhận tấm lòng của gia đình nhưng vẫn phải từ chối vì trường hợp này còn quá nhỏ, chưa đủ điều kiện để hiến tạng.


Hay cũng có trường hợp một phụ nữ mới sinh con được ít tháng, hai mẹ con đã “bồng bế” nhau từ Nam Định lên Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để người mẹ được đăng ký hiến tạng khi chết não.


Những bức thư viết tay với mong muốn được hiến tạng cứu người.

Không chỉ những người "lặn lội" từ xa đến tận Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đăng ký hiến tạng, Trung tâm còn nhận được rất nhiều những lá đơn viết bằng tay với tất cả tâm huyết từ nhiều nơi trên cả nước gửi đến với nguyện vọng được thực hiện việc làm cao cả đó. Thậm chí còn có rất nhiều cuộc điện thoại từ các cơ quan, đơn vị gọi tới muốn tổ chức buổi đăng ký hiến tạng cho đơn vị. 


Từ khi câu chuyện của bé Hải An 7 tuổi hiến đôi giác mạc sau khi qua đời được lan truyền, đã có thêm rất nhiều những câu chuyện cảm động về tinh thần hiến tạng cứu người trong cộng đồng. Có lẽ chính điều kỳ diệu mà cô bé Hải An và nhiều người trước đó đã làm để mang lại sự sống cho những người khác đã làm lan tỏa mạnh mẽ những tấm lòng thiện nguyện, bùng lên ngọn lửa nhân văn sâu sắc trong mỗi con người. Chuyện hiến tạng giờ đây đã chẳng còn quá xa lạ hay “đáng sợ” với nhiều người, nó đang dần trở thành một nghĩa cử cao đẹp mà nhiều người hướng tới.


Theo thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, chỉ tính từ ngày 25/2 đến ngày 10/4, tổng số người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não trên cả nước đã lên tới con số gần 2.200 người, gấp 5 lần 5 năm trước đó. Nhiều người dân đã nhiệt tình đăng ký hiến mô, tạng qua nhiều kênh như: Đến đăng ký trực tiếp tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội), đăng ký qua bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) đăng ký qua đường bưu điện, đăng ký qua cổng thông tin điện tử…


Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt trung ương) cũng cho biết: Kể từ đầu năm 2018 đến nay, ngân hàng đã nhận được 13 ca hiến giác mạc. Đặc biệt, sau ca hiến giác mạc của bé Hải An, chỉ trong 10 ngày sau đó, Ngân hàng Mắt đã liên tục nhận được các ca hiến giác mạc, có 4 ca hiến giác mạc với 8 giác mạc đã được lấy thành công.


Hoàn thiện thêm chính sách với người hiến tạng


Mặc dù câu chuyện hiến tạng đang ngày càng được tôn vinh trong cộng đồng, tuy nhiên vẫn có một số rào cản liên quan đến chính sách với người hiến tạng đang cần phải hoàn thiện.


Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hướng thời gian tới, Trung tâm sẽ đề xuất thay đổi quy định về độ tuổi có thể đăng ký hiến mô, tạng. Cụ thể sẽ đề xuất độ tuổi dưới 18 tuổi vẫn có thể đăng ký hiến tạng, tức là không giới hạn tuổi có thể đăng ký hiến.


Bên cạnh đó, những chính sách về chi trả chi phí xét nghiệm đối với người hiến tạng khi còn sống cũng đang được bàn đến. Điều này xuất phát từ việc, vừa qua, có thông tin về trường hợp bà hiến thận cho cháu gái nhưng tự trả 17 triệu đồng để làm các xét nghiệm khiến nhiều người dân e ngại về việc hiến tạng sẽ phải mất phí.


Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết: Theo quy định, với người hiến tặng mô/ tạng/ xác khi chết/ chết não thì toàn bộ các chi phí xét nghiệm trước lúc lấy tạng đều do cơ sở y tế chịu trách nhiệm. Trong Thông tư 104 của Bộ Tài chính về vấn đề này cũng đã quy định người hiến sẽ được chi trả tiền mai táng sau đó. Còn trường hợp hiến tạng khi đang sống thì người hiến phải tự bỏ chi phí xét nghiệm; tuy nhiên ngành y tế không khuyến khích việc hiến tạng từ người sống. Trên thực tế, việc hiến tặng 1 quả thận, 1 phần gan, 1 phần phổi…của 1 người khi còn sống thường là dành cho người ruột thịt trong gia đình.


“Chúng tôi chưa gặp một trường hợp nào là cha,mẹ hay con cái cho người ruột thịt của mình một phần tạng mà lại kêu ca phàn nàn là vì sao tôi lại phải bỏ tiền ra để xét nghiệm cho mình để cứu bố mẹ, con cái…”, ông Phúc cho biết


Trên thực tế, sẽ vẫn có những trường hợp tình nguyện hiến tặng thận cho người ngoài. Theo Luật hiện hành và thông tư 104 của Bộ Tài chính cũng đã nêu rõ, người hiến tạng khi còn sống được sẽ được nhận thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trọn đời, được nhận Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”, được khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn chuyên môn, nếu nhà ở xa sẽ được hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn, tiền khách sạn… khi đi khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, các chi phí xét nghiệm trước khi hiến, người hiến phải tự bỏ tiền ra làm. Có quy định này vì khi xây dựng luật, đã có dự đoán về các tình huống và đề cập tới việc hạn chế thấp nhất việc trục lợi sự nhân văn của chính sách. Rất có thể sẽ có trường hợp đăng ký hiến để được làm các xét nghiệm sức khỏe chuyên sâu và sau đó lại thay đổi không hiến tạng nữa. Đây là một điểm bất cập của Luật Bảo hiểm y tế liên quan đến vấn đề này.


Thực tế, thời gian qua, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã từng tiến hành điều phối cho 5 trường hợp tự nguyện hiến tặng thận cho người ngoài. Với những trường hợp này, nếu theo đúng quy định, họ sẽ phải bỏ tiền ra làm hàng loạt các xét nghiệm chuyên sâu rồi mới hiến được thận, Trung tâm phải tìm mọi cách để có nguồn chi trả cho các trường hợp này.


Ông Phúc cũng cho biết: Các nhà chuyên môn cũng đã đưa ra nhiều tranh luận về việc đề nghị sửa đổi các chính sách liên quan. Một phương án được cho là tối ưu nhất được đưa ra để tránh việc trục lợi chính sách đó là BHYT cần hoàn lại tiền xét nghiệm cho người hiến tạng khi còn sống sau khi đã có chứng nhận hiến tạng hoặc xác nhận của cơ sở y tế rằng người đó không đủ điều kiện để hiến tạng khi còn sống. Tuy nhiên, ý kiến này cũng có người cho rằng như vậy sẽ là thiếu “tế nhị” đối với người thực sự có tâm nguyện muốn hiến tặng vô danh, không vụ lợi cho bất kỳ ai, bởi như vậy cũng sẽ vẫn bắt họ phải chi một khoản tiền rồi sau khi hiến mới nhận lại được. Đây thực sự đang là vấn đề còn “vướng”, cần những ý kiến đa chiều để đề xuất chính thức đối với phía Bảo hiểm y tế và các đơn vị hữu quan.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Một bệnh nhân hiến tạng cứu người sau khi chết não
Một bệnh nhân hiến tạng cứu người sau khi chết não

Chiều 5/4, một bệnh nhân đã được người nhà thực hiện di nguyện sau khi qua đời là được đăng ký hiến tạng cứu người đem lại sự sống, niềm hi vọng cho nhiều bệnh nhân khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN