Đẩy mạnh thu hút đầu tư y tế - Bài 2: Những 'bắt tay' hợp tác hiệu quả

Được xem là thành phố năng động nhất cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong trong kêu gọi đầu tư của khối tư nhân vào trong tất cả các lĩnh vực.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh tại bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Trong lĩnh vực y tế, thành phố đã có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư từ rất sớm và thực tế đã cho ra đời một số mô hình hợp tác – công tư bước đầu mang lại hiệu quả, tạo nên nhiều tiện ích, dịch vụ, đáp ứng một phần nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Từ “bắt tay” phối hợp...

Tháng 10/2015, Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai mô hình hợp tác y tế công - tư với Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức trong hoạt động khám, chữa bệnh. Đây là cơ sở y tế tiên phong của ngành y tế thành phố thực hiện mô hình hợp tác y tế công – tư, đảm bảo đúng theo những hành lang pháp lý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt .

Bước đầu, Bệnh viện Ung Bướu triển khai phẫu thuật những bệnh lý ung bướu tuyến giáp,… tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức. Theo đó, các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân của mình tại phòng mổ của Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức. 

Sau khi số lượng ca phẫu thuật bắt đầu tăng, từ tháng 8/2017, Bệnh viện Ung Bướu bắt đầu triển khai hoạt động điều trị hóa trị và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức. Qua từng năm, số lượng bệnh nhân đăng ký điều trị, phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức tăng dần. Nếu năm 2015 tổng số bệnh nhân đăng ký phẫu thuật là 124 ca thì năm 2016 số bệnh nhân phẫu thuật là 945 ca. Năm 2017 tăng lên 1.400 ca và đến năm 2018, con số này nâng lên 1.500 ca phẫu thuật. 

Để sự hợp tác đảm bảo chất lượng, hai đơn vị có sự bàn bạc, thống nhất quy trình tiếp nhận điều trị, công khai minh bạch chi phí điều trị để người bệnh biết rõ và quyết định lựa chọn dịch vụ phù hợp với điều kiện kinh tế. Trong đó, Bệnh viện Ung Bướu là đơn vị tổ chức đội ngũ, ê kíp y bác sĩ thăm khám, phẫu thuật cho người bệnh đăng ký điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức; còn Bệnh viện Hồng Đức điều phối xe hỗ trợ đưa đón người bệnh. 

Đánh giá về hiệu quả, bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, khi thực hiện mô hình liên kết hợp tác công – tư này, Bệnh viện Ung Bướu bước đầu có dấu hiệu giảm tải, tăng nguồn thu trong hoạt động phối hợp hỗ trợ phẫu thuật cho bệnh nhân. Trong khi đó, công suất giường bệnh của Bệnh viện Hồng Đức cũng ngày càng tăng. Đến nay, công suất của bệnh viện này đã tăng lên trên 80% so với chỉ 40% khi chưa hợp tác. Đáng chú ý là đa số người bệnh hài lòng với dịch vụ chăm sóc y tế này.

Một mô hình mang lại nhiều tiện ích cho người dân và diện mạo mới cho các trạm y tế phường là các Phòng khám DHA đặt tại trạm y tế do Công ty Cổ phần y tế Việt Anh phối hợp với Trung tâm Y tế Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Phòng khám DHA là mô hình xã hội hóa y tế dựa trên chủ trương của Bộ Y tế về kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, các trạm y tế sẽ được Công ty Việt Anh nâng cấp toàn diện để đạt tiêu chuẩn của phòng khám bệnh hiện đại nhưng vẫn đảm bảo thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ y tế ban đầu.

Với sự đầu tư của doanh nghiệp này, phòng khám tại trạm y tế được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế theo đúng tiêu chuẩn gồm: các máy sinh hóa, huyết học, miễn dịch, vi sinh, sinh học phân tử; xét nghiệm phát hiện các tác nhân virus, vi khuẩn gây bệnh, xét nghiệm phát hiện virus HPV, xét nghiệm tầm soát hầu hết các ung thư, bệnh di truyền, chẩn đoán trước sinh, chẩn đoán sau sinh…

Hiện Phòng khám DHA đã có mặt tại hai trạm y tế là Trạm Y tế Phường 1 (Quận 3) và Trạm Y tế Phường 4 (Quận 3). Sắp tới đây, Công ty Cổ phần y tế Việt Anh sẽ tiếp tục khai trương Phòng khám DHA tại Trạm Y tế Phường 7 ( Quận 3 ).

... đến những dự án PPP quy mô lớn

Từ những thành công ban đầu của sự hợp tác công – tư, Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu hướng đến những dự án quy mô lớn hơn với sự tham gia đầu tư của khối tư nhân mạnh mẽ hơn. Theo thời gian, ngày càng có nhiều hợp đồng đối tác công tư (PPP) trong y tế được ký kết.

Trong đó, gây tiếng vang lớn nhất là sự ra đời của Bệnh viện Gia An 115 – công trình hợp tác giữa Tập đoàn Hoa Lâm và Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2018. Bệnh viện Gia An 115 có số vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, quy mô 367 giường bệnh, 60 phòng khám, đã được khánh thành với đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện hiện đại để phục vụ các chuyên khoa sâu tim mạch, thần kinh – đột quỵ, nội tiết, chấn thương chỉnh hình, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng... Mới đây, đơn vị này được cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam ký hợp đồng khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, điều này đồng nghĩa với việc người dân khi khám chữa bệnh tại đây được hưởng những chính sách ưu đãi từ nhà nước.

Một dự án khác đang trong quá trình xây dựng là Dự án Khu khám và điều trị dịch vụ của Bệnh viện Nhi đồng 1 theo hình thức PPP. Dự án do Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC), Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng An Điền (ANDIENCO) cùng Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam (VINAMED) hợp tác liên danh nhằm góp vốn hình thành một liên danh đủ năng lực để lập đề xuất dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tham gia lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện đầu tư. Khi đi vào hoạt động Khu khám và điều trị dịch vụ của Bệnh viện Nhi đồng 1 có quy mô 50 phòng khám, 150 giường lưu bệnh nhân và 10 giường hồi sức tích cực (ICU), năm giường hậu phẫu với đầy đủ trang thiết bị y tế tiên tiến đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tổng mức đầu tư của dự án này là 721 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Gia An 115 – công trình hợp tác giữa Tập đoàn Hoa Lâm và Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2018. Ảnh: giaan115.com

Đầu tháng Tư vừa qua, tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch cũng đã ký Hợp đồng lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm huy động nguồn vốn tư nhân xây dựng Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực - Bệnh viện trong ngày theo hình thức hợp tác công-tư. Dự án này gồm một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, một phòng khám đa khoa và một bệnh viện trong ngày, dự kiến sẽ phục vụ khoảng 300.000 lượt bệnh nhân một năm. Đối tác tư nhân tham gia dự án sẽ chịu trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà trường phụ trách hoạt động chuyên môn, đào tạo và cả hai cùng vận hành cơ sở này.

Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, kỳ vọng rằng sự tham gia phối hợp đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân vào lĩnh vực y tế sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành y. Đồng thời, hoạt động này cũng làm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, tăng thêm sự lựa chọn của người dân cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mình.

Đinh Hằng – Thanh Trà (TTXVN)
Đẩy mạnh thu hút đầu tư y tế - Bài 1: Cơ hội lớn, thị trường nhiều tiềm năng
Đẩy mạnh thu hút đầu tư y tế - Bài 1: Cơ hội lớn, thị trường nhiều tiềm năng

Trên địa bàn cả nước, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện một số mô hình cơ sở khám chữa bệnh được xây dựng, vận hành theo hình thức xã hội hóa, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đầu tư vào lĩnh vực y tế tại Việt Nam hiện vẫn chưa xứng tầm do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN