Cộng đồng không nên chủ quan với dịch sốt xuất huyết

Ngày 12/11, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Hiện, phần lớn các tỉnh, thành phố ghi nhận số trường hợp mắc sốt xuất giảm trong 11 tuần gần đây; đặc biệt là khu vực miền Bắc đang bước vào thời điểm mùa lạnh, nên dịch thời gian tới có thể có xu hướng giảm.

Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Phong Điền (Cần Thơ). Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

Tuy vậy, ở khu vực miền Nam, miền Trung hiện trong thời điểm mà những năm trước vẫn là tháng cao điểm về sốt xuất huyết. Chính vì vậy, cộng đồng không nên chủ quan, lơ là các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết và cần tiếp tục duy trì các hoạt động đã thực hiện trong thời gian qua để ngăn ngừa nguy cơ dịch bùng phát trở lại.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, trong tuần từ ngày 30/10 - 5/11, cả nước ghi nhận 2.744 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong; so với tuần trước (từ ngày 23/10 - 29/10) số trường hợp mắc giảm 17,9%. Như vậy, số trường hợp mắc giảm liên tiếp trong 11 tuần gần đây. Đặc biệt, 47 trong 63 tỉnh trên cả nước ghi nhận số trường hợp mắc giảm, 13 tỉnh ghi nhận số trường hợp mắc tương đương và chỉ có 3 tỉnh ghi nhận số trường hợp mắc tăng là An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và Tây Ninh (tăng rải rác dưới 16 ca).

Riêng tại TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo chống dịch Bộ Y tế đã liên tục theo dõi sát tình hình, diễn biến dịch, thường xuyên họp cùng với các đơn vị liên quan và các chuyên gia quốc tế, tham mưu cho chính quyền thành phố, đẩy mạnh hoạt động các đội xung kích diệt bọ gậy trên nhiều điểm nóng, huy động toàn bộ lực lượng cần thiết cùng vào cuộc. Bộ Y tế đã cung cấp thêm 40 máy phun cầm tay và 30 máy phun công suất lớn trên ô tô để nhanh chóng đáp ứng phòng chống dịch. Nhờ đó, hoạt động này đã đạt kết quả tích cực như: Số lượt hộ gia đình thuộc diện khoanh vùng được phun  thuốc diệt muỗi, đạt tỷ lệ 88,8%; 71 trường học được phun; 58 công trường có người ở được phun hóa chất diệt muỗi; 21 chợ dân sinh và 9 bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân và công lập, trạm y tế cũng đã được phun thuốc...

Bộ Y tế khuyến cáo: Để chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như: Bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ... để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần, mọi người nên thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc, gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt loăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các chỗ nước đọng.

Người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài để phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch. Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.

Thu Phương (TTXVN)
Quảng Bình chủ động phòng chống sốt xuất huyết
Quảng Bình chủ động phòng chống sốt xuất huyết

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 600 ca mắc sốt xuất huyết, riêng tuần đầu tháng 11/2017 đã có khoảng 30 ca mắc mới. Thành phố Đồng Hới là địa phương có số ca mắc bệnh cao nhất với hơn 160 trường hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN