Con trai nữ bác sĩ đầu tiên hiến giác mạc quyết định đăng ký hiến tạng

Với bác sĩ Hoàng Thanh Tùng, hiến tạng khi chết não hoặc sau khi chết là cách trao gửi lại sự sống quý giá cho những bệnh nhân hiểm nghèo, tinh thần ấy cần được lan tỏa rộng khắp.

Bác sĩ Hoàng Thanh Tùng điền vào đơn tự nguyện hiến mô, tạng.

Ngày 1/11, tại Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, bác sĩ Hoàng Thanh Tùng tự tin cầm bút điền vào mẫu đơn tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau chết/chết não. Anh là con trai của đại tá, bác sĩ Vũ Thị Thoa- nữ bác sĩ đầu tiên hiến giác mạc trước khi qua đời vì căn bệnh ung thư, đã mang lại ánh sáng cho 2 người khác.


Có lẽ câu chuyện về một nữ bác sĩ quyết định hiến đôi giác mạc trong những ngày cuối cùng nằm trên giường bệnh vẫn còn khiến nhiều người xúc động và nể phục. Ngày 30/8/2016, Bác sĩ Vũ Thị Thoa, Trưởng khoa Mắt bệnh viện 19- 8 Bộ Công an đã ra đi sau 20 năm kiên cường chiến đấu với căn bệnh ung thư vú. Dù tâm nguyện của bà muốn hiến toàn bộ nội tạng nhưng căn bệnh ung thư đã di căn nên bà chỉ có thể hiến được đôi giác mạc và được ghép cho bệnh nhân ngay trong hôm ấy.


Ths. BS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia trao tấm thẻ đăng ký hiến tạng cho y học cho bác sĩ Hoàng Thanh Tùng.

Tinh thần nhân văn đó đã được truyền lại cho đời sau khi con trai bà cũng vừa cầm trên tay tấm thẻ đăng kí hiến tạng cho y học.


Bác sĩ Tùng tâm sự: “Tôi có ý định đăng ký hiến tạng từ lâu nhưng tới hôm nay, sau khi đã tốt nghiệp bác sĩ nội trú chuyên khoa Mắt của bệnh viện Mắt Trung ương, tôi quyết định đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình bằng một việc làm có ý nghĩa. Đó cũng là lời tri ân với cuộc đời, với cha mẹ khi mình được sinh ra khỏe mạnh, lành lặn, được học hành và được nhận về từ cuộc đời này rất nhiều điều tốt đẹp”.


Việc hiến tạng với nhiều người hiện vẫn còn là điều chưa thể vì quan niệm “chết phải toàn thây”. “Chỉ những ai từng chứng kiến cảnh chờ đợi nguồn tạng trong lúc ranh giới giữa sự sống và cái chết đang quá mong manh mới hiểu được giá trị lớn lao của việc hiến mô, tạng. Trong khi đó, ai sau khi chết đi cũng sẽ phải chôn vùi dưới ba tấc đất hoặc thiêu thành tro bụi thì cớ sao lại để phí hoài bao nhiêu nguồn sống?”, Tùng tâm sự.


Anh cũng chia sẻ, sau khi mẹ anh mất đi, chỉ cần biết được thông tin giác mạc của mẹ vẫn còn tốt trong cơ thể người khác là đã thấy như được an ủi dù gia đình anh chưa từng gặp lại những người đã nhận giác mạc từ bác sĩ Thoa. Còn bản thân anh vẫn luôn giữ liên lạc với bác sĩ điều trị cho người nhận giác mạc của mẹ anh, bởi đó là kênh gián tiếp để biết một phần cơ thể của người mẹ quá cố vẫn còn sống.


“Tôi tin rằng khi biết quyết định của tôi mọi người sẽ ủng hộ giống như đã ủng hộ ý nguyện hiến giác mạc của mẹ tôi trước kia. Tôi cũng tin rằng, ở trên cao, mẹ tôi đang vui mừng vì tôi đã làm được một việc có ích cho đời”, bác sĩ Tùng chia sẻ.


Theo Ths. BS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia: Hiến giác mạc chỉ thực hiện sau khi người hiến mất. Giác mạc hiến tặng được lấy trong khoảng từ 6-8 giờ sau khi người hiến qua đời. Việc thu nhận giác mạc được tiến hành nhanh chóng (chỉ khoảng 25-30 phút). Kỹ thuật viên chỉ tách lấy lớp giác mạc mỏng phía trước lòng đen nên hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến khuôn mặt người hiến. Hiện nay có 2 địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam là:

1. Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hà Nội

2. Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh Quận 5 TPHCM


Bài, ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin Tức
Hiến tạng người chết trẻ cứu 4 bệnh nhân
Hiến tạng người chết trẻ cứu 4 bệnh nhân

Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 1/6 đã thông tin về ca ghép tim đầu tiên từ người cho chết não mà bệnh viện vừa thực hiện thành công. Đặc biệt hơn khi ca hiến tạng này cho đến 4 bệnh nhân, cả tim, gan và thận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN