Chàng trai Nhật Bản tình nguyện giúp bệnh nhân Việt Nam phục hồi chức năng

Một thanh niên Nhật Bản đã từ bỏ vị trí trưởng nhóm kỹ thuật viên Vật lý trị liệu (Bệnh viện Ðại học Y khoa Fujita - Nhật Bản) để tình nguyện tới Việt Nam, làm việc tại một bệnh viện nhỏ miền Trung, chăm sóc bệnh nhân và hỗ trợ các y, bác sĩ.

Hàng ngày, vào 8 giờ sáng, cô Nguyễn Thị Toan (55 tuổi), một bệnh nhân từ huyện A Lưới đang điều trị nội trú tại bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế lại tới khoa Phục hồi chức năng người lớn để được điều trị vật lý trị liệu. Tháng 9/2019, do ngã từ trên cao xuống, cô Toan bị vỡ xương bánh chè, gẫy xương mác, cứng khớp, không đi lại được.

Đến nay, cô Toan đã qua 2 đợt điều trị, đều do Nasage Ippei, một tình nguyện viên Nhật Bản đang công tác tại đây, thực hiện, cô Toan được Ippei làm vật lý trị liệu và hướng dẫn để tự tập phục hồi cơ chân, giúp đầu gối và cơ chân linh hoạt. Những bài tập này được thực hiện đã hai tháng nay, mỗi giai đoạn đều có điều chỉnh để phù hợp với thể trạng và bệnh lý. Đến nay, cô Toan đã phục hồi gần như bình thường, không phải chống nạng khi di chuyển.

Video clip tình nguyện viên Nasage Ippei điều trị vật lý trị liệu cho bệnh nhân:

“Nasage Ippei làm rất tốt, xoa bóp nhẹ nhàng mà hiệu quả, lại không đau. Mỗi khi gập khớp, bẻ cơ bị đau, Ippei lại xoa bóp để bệnh nhân dễ chịu. Đến nay, tôi đã đi lại được, khớp chân đã có thể gập lại gần hết”- cô Toan cho biết. “Ippei lại rất vui vẻ, thân thiện, biết tiếng Việt để trò chuyện cởi mở, động viên người bệnh khi đau đớn, chúng tôi cảm thấy như được người thân hỗ trợ”- cô Toan nói.

Không riêng cô Nguyễn Thị Toan, mà những bệnh nhân khác từng được Ippei điều trị đều cùng chung cảm nhận về sự nhiệt tình, thân thiện và năng lực của anh. Nasage Ippei, 29 tuổi, nguyên là cử nhân Vật lý trị liệu tại ĐH Y khoa Fujita (Nhật Bản). Trước khi sang Việt Nam làm tình nguyện viên vào tháng 4/2019, anh là Trưởng nhóm kỹ thuật viên Vật lý trị liệu của Bệnh viện Ðại học Y khoa Fujita - Nhật Bản, có kinh nghiệm về phục hồi chức năng tại nhà, phục hồi chức năng tim, hô hấp, phục hồi chức năng cho người bị mắc các bệnh về mạch máu não (tai biến), bệnh viện chỉnh hình ở bệnh viện giai đoạn cấp tính có cấp cứu cấp độ 3,  bệnh viện phục hồi chức năng...

Khoảng 5 năm trước, Nasage Ippei có chuyến du lịch tới Việt Nam. Trong chuyến du lịch đó, anh được một người bạn đang làm tình nguyện viên ở Việt Nam dẫn đi thăm các bệnh viện. “Tôi thấy có sự khác biệt giữa bệnh viện tại các thành phố lớn và các bệnh viện địa phương, nhất là về cơ sở vật chất cùng những kỳ vọng của bệnh nhân. Vì vậy khi đăng ký làm tình nguyện viên của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tôi đã không chọn đến TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội, cũng không đặt mục tiêu là đến các bệnh viện lớn, mà muốn làm việc tại các bệnh viện nhỏ để đóng góp một phần công sức của mình trong việc điều trị, hỗ trợ bệnh nhân”- Ippei trao đổi về cơ duyên đưa anh tới bệnh viện phục hồi chức năng tại tỉnh miền Trung này.

Hàng ngày, từ 7 giờ 30 phút sáng, Ippei chăm sóc bệnh nhân tại khoa Phục hồi chức năng người lớn, với 10-15 ca bệnh mỗi ngày. Các bệnh nhân xếp hàng chờ tới lượt được làm vật lý trị liệu, nắn chỉnh, phục hồi chức năng, nên Ippei không lúc nào ngơi tay. Sau khi hỗ trợ bệnh nhân tại khoa dành cho người lớn, Ippei tới các khoa khác để tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng. Buổi chiều, anh tiếp tục trị liệu cho bệnh nhân. Anh còn thực hiện các buổi chia sẻ kinh nghiệm và học thuật với các đồng nghiệp tại bệnh viện. Anh tự học tiếng Việt, chỉ trong 6 tháng nỗ lực, anh đã có thể làm việc bằng tiếng Việt và tổ chức lớp dạy tiếng Nhật cho cán bộ , kỹ thuật viên của bệnh viện, để mọi người có thể trao đổi chuyên môn thường xuyên hơn. Mỗi tháng Ippei dành 1-2 buổi chia sẻ về tiến bộ trong phục hồi chức năng tại Nhật Bản, về kỹ năng phục hồi chức năng với bệnh nhân khớp, đột quỵ… Ðể chia sẻ với các đồng nghiệp những kinh nghiệm học được từ thời học Vật lý trị liệu của Ðại học Y khoa Fujita (Nhật Bản), Nagase Ippei tự biên soạn bộ giáo án, tài liệu bằng tiếng Việt về tiêu chuẩn vật lý trị liệu trên toàn thế giới và đánh giá vật lý trị liệu.

Một đồng nghiệp của Nasage Ippei là cô Nguyễn Cửu Quỳnh Hương, kỹ thuật viên khoa Phục hồi chức năng người lớn cho biết: Anh Ippei là người vui vẻ, hoà đồng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong công việc. Trong thời gian làm việc tại đây anh có các chương trình điều trị phù hợp nên đã giúp được nhiều bệnh nhân phục hồi sớm. Do đó anh được nhiều bệnh nhân tin yêu. Anh học tiếng Việt nhanh, biết cả những từ địa phương nên không hạn chế về giao tiếp; anh có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp thường xuyên với đồng nghiệp. Về chuyên môn, anh có các bài tập mới giúp đỡ bệnh nhân. Đặc thù của bệnh nhân phục hồi chức năng là mỗi bệnh nhân một chương trình, liệu trình điều trị khác nhau. Với bệnh nhân bị lâu năm, anh đã đưa ra các bài giúp bệnh nhân tiến triển rõ rệt, ví dụ bệnh nhân Nguyễn Thành Trung bị co cơ 2 năm, nhưng đến đây đã được điều trị khỏi. Ippei tạo phác đồ điều trị, phối hợp giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, để đưa ra các bài tập tại nhà cho bệnh nhân, góp phần khiến công tác điều trị hiệu qủa hơn.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên Nhật Bản Nasage Ippei: "Tôi muốn làm việc tại các bệnh viện nhỏ để đóng góp một phần công sức của mình trong việc điều trị, hỗ trợ bệnh nhân". Ảnh: T.H

“Anh Ippei làm việc rất năng suất. Trường hợp bệnh nhân nào anh cũng trị liệu rất kỹ, chúng tôi học hỏi được tinh thần thái độ làm việc nghiêm túc, hết mình, trân trọng người bệnh của anh. Về nghiệp vụ, khi cùng thực hành, chúng tôi quan sát thấy có các phương pháp mới thì hỏi anh, anh chỉ dẫn tận tình, và chúng tôi hiểu được quan điểm điều trị tích cực và toàn diện. Ví dụ một bệnh nhân bị liệt tứ chi, các bác sĩ khác sẽ theo hướng tập cho vận động, nhưng anh Ippei hướng tới tập cho họ phục hồi các chức năng đời sống, từ đó không chỉ giúp tình trạng bệnh tiến triển dần, mà còn khích lệ tinh thần của người bệnh, giúp họ thấy mình vẫn có thể tiếp tục tự phục vụ bản thân, có thể hồi phục tốt” – cô Quỳnh Hương tâm sự.

BSCC Nguyễn Quang Hiền, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế có 87 cán bộ nhưng chỉ có 59 y, bác sĩ điều trị trực tiếp cho khoảng 100 bệnh nhân nội trú và 135 bệnh nhân ngoại trú mỗi ngày. Trình độ chuyên môn của bác sĩ, kỹ thuật viên còn hạn chế. Vì vậy, việc cử nhân chuyên ngành Vật lý trị liệu của Nhật về công tác tình nguyện tại Bệnh viên là vô cùng quý giá.

“Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của Nasage Ippei trong việc điều trị bệnh nhân chuyên ngành vật lý trị liệu theo phương pháp tiến bộ từ Nhật Bản. Sự có mặt của anh tạo niềm tin tưởng và cố gắng trong bệnh nhân"- BSCC Nguyễn Quang Hiền cho biết.

"Mọi người yêu mến quý trọng anh, học hỏi từ anh tinh thần tự học ngoại ngữ, tinh thần cống hiến. Xin cảm ơn JICA đã lựa chọn những tình nguyện viên tốt để giúp đỡ chúng tôi” – BSCC Nguyễn Quang Hiền chia sẻ. Hiệu quả công việc của Ippei là cơ sở để bệnh viện đề xuất thêm các tình nguyện viên trong các chuyên ngành như âm ngữ trị liệu, chuyên ngành trẻ em, bại não, tự kỷ… và các máy móc trong trị liệu để giúp tình nguyện viên phát huy thêm hiệu quả công việc.

“Tôi và Ippei có dự một Hội thảo khoa học về Robot tại Thành phố Hồ Chí Minh, tập trung tới việc áp dụng thử robot trong điều trị các bộ phận cuả bệnh nhân bại liệt. Ippei từng nghiên cứu về ứng dụng robot nên chúng tôi đang có kế hoạch để phối hợp thực hiện dự án này, hy vọng sẽ tạo được sự đột phá trong công tác điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân”- ông Nguyễn Quang Hiền cho biết.

 

P.H/Báo Tin tức
Giáo sư Nhật Bản nâng cánh ước mơ cho sinh viên Việt Nam
Giáo sư Nhật Bản nâng cánh ước mơ cho sinh viên Việt Nam

Từ que tre, bọt biển và những linh kiện tự sản xuất hay đặt mua trên mạng, tại trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, thiết bị bay không người lái của Việt Nam đã ra đời. Giấc mơ bay cao của sinh viên ngôi trường miền Trung này đã được cất cánh nhờ sự tận tuỵ gần 2 năm qua của vị giáo sư tình nguyện đến từ Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN