Cần tầm soát và sớm can thiệp dị tật điếc bẩm sinh

BS Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 - Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết mỗi năm Khoa tiếp nhận từ 300-500 trẻ em bị điếc bẩm sinh đến khám và cần được can thiệp để có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Một bệnh nhi điếc bẩm sinh được cấy ốc tai điện tử tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Theo BS Nguyễn Tuấn Như, điếc bẩm sinh là một trong những dị tật có tỷ lệ khá cao, cứ 1.000 trẻ sinh ra bình thường thì có 1-3 trẻ bị điếc bẩm sinh.

Trong khi đó, với các trẻ sinh ra đã có vấn đề về sức khỏe phải nằm trong các khoa chăm sóc đặc biệt, tỷ lệ điếc cao gấp 10 lần. Cấy ốc tai điện tử là phương pháp hữu hiệu nhất giúp trẻ bị điếc bẩm sinh có thể nghe được và quan trọng hơn có thể phát triển được ngôn ngữ.

Khi bé Giáp Nguyễn Bảo Ngọc một tuổi rưỡi, gia đình mới phát hiện cháu bị điếc bẩm sinh. Chị Nguyễn Quỳnh Trang (quê tỉnh Đăk Lăk), mẹ bé Bảo Ngọc cho hay, đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sỹ chỉ định cháu cần được cấy ốc tai điện tử, nếu không cháu sẽ không thể nghe, nói.

Vì vậy, gia đình quyết định cấy ốc điện tử cho cháu mặc dù chi phí tới gần 500 triệu đồng. Sau 4 năm thực hiện cấy ốc tai điện tử, hiện giờ bé Bảo Ngọc chuẩn bị vào lớp 1 như bao bạn bè cùng trang lứa với khả năng ngôn ngữ bình thường.

Từ năm 2004, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh, triển khai chương trình tầm soát, can thiệp trẻ em bị điếc bẩm sinh. Tuy nhiên, đa số phụ huynh đưa trẻ đến khám, tầm soát khá muộn, nhiều trường hợp trẻ chuẩn bị vào lớp 1 gia đình mới đưa đến bệnh viện thăm khám, trong khi độ tuổi can thiệp tốt nhất là từ 2-5 tuổi.

Theo BS Nguyễn Tuấn Như, trẻ càng lớn thì việc can thiệp càng khó bởi trong não có một vùng thần kinh điều khiển việc nghe – nói, nếu vùng đó không được kích thích trong 2-3 năm đầu đời sẽ bị thoái triển.

Quá thời gian trên, dù có được kích thích âm thanh thì trẻ chỉ có thể nghe nhưng khả năng nói thì không phát triển. Các chuyên gia y tế cũng nhận định, nếu thực hiện cấy ốc tai điện tử sau 7 tuổi thì không có giá trị.

Tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới, 100% trẻ sinh ra được tầm soát điếc ngay và thực hiện cấy ốc tai điện tử từ khi trẻ mới 8-12 tháng. Trong khi đó ở Việt Nam hiện nay mới chỉ quan tâm, tầm soát với nhóm trẻ có nguy cơ cao đó là nhóm nằm ở các phòng chăm sóc đặc biệt sau sinh.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Tai mũi họng và Bệnh viện Nhi đồng 1 đã triển khai chương trình tầm soát và can thiệp điếc bẩm sinh.

Mặc dù vậy, chi phí cho mỗi bộ ốc tai điện tử lên đến gần 500 triệu đồng, khá cao so với đại đa số người dân Việt Nam. Quan trọng hơn, theo bác sỹ Nguyễn Tuấn Như, cấy ốc tai điện tử chỉ là giai đoạn khởi đầu và sẽ phát sinh nhiều chi phí như chăm sóc máy, pin, huấn luyện… cũng như đòi hỏi sự chăm sóc, tập luyện kiên trì của gia đình, giáo viên.

Do đó, sau 7 năm triển khai, Bệnh viện Nhi đồng 1 mới chỉ thực hiện cấy ốc tai điện tử cho 40 trường hợp trẻ em bị điếc bẩm sinh.

Được sự hỗ trợ của Công ty Hearlife – Medel Việt Nam, trong thời gian tới, Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ thực hiện cấy 2 bộ ốc tai điện tử miễn phí trị giá 900 triệu đồng cho 2 bệnh nhi bị điếc nặng, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhằm mang đến âm thanh của cuộc sống cũng như cơ hội hòa nhập cộng đồng cho trẻ không may mắn bị điếc bẩm sinh.

Đinh Hằng (TTXVN)
Nhiều giải pháp giúp trẻ điếc sẵn sàng đến trường
Nhiều giải pháp giúp trẻ điếc sẵn sàng đến trường

Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vừa phối hợp với Bộ GD - ĐT, Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản, Tổ chức Quan tâm thế giới tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường”

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN