Cải tiến chất lượng bệnh viện để người bệnh được chăm sóc toàn diện

Năm 2019 ghi nhận dấu ấn quan trọng trong hoạt động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, vì sự an toàn và hài lòng của người bệnh.

Các cơ sở y tế trong cả nước đã quan tâm cải cách thủ tục hành chính, đón tiếp người bệnh, chỉ dẫn, hướng dẫn rõ ràng, giảm thời gian khám chữa bệnh; trang bị máy lấy số tự động, bảo đảm tính công bằng, trật tự trong việc khám bệnh; cải tạo cảnh quan trong bệnh viện xanh sạch đẹp... 

Chú thích ảnh
Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Gần 190 triệu người được chăm lo, bảo vệ sức khỏe

Theo số liệu báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), năm 2019 cả nước có gần 190 triệu lượt khám chữa bệnh; điều trị nội trú trên 18,4 triệu lượt người, chiếm 10% tổng số khám, chữa bệnh. Các bệnh viện đã thực hiện trên 4,2 triệu phẫu thuật (loại 3 trở lên) và gần 1,4 triệu ca sinh thường và can thiệp tại bệnh viện. Đối với các kỹ thuật cao, các bệnh viện đã ghép được 33 ca ghép gan; 668 ca ghép thận; 9 ca ghép tim; 38 ca ghép tế bào gốc tự thân tạo máu; ghép 408 ca ghép giác mạc; 11.200 ca phẫu thuật tim hở, trên 7.000 trẻ ra đời nhờ thụ tinh trong ống nghiệm...

Năm 2019 ghi dấu năm thứ 7 thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam (Bộ 83 tiêu chí). Kết quả sơ bộ năm 2019 cho thấy, các bệnh viện tiếp tục duy trì mức trung bình đạt trên mức 3/5. Các bệnh viện đã quan tâm cải cách thủ tục hành chính, đón tiếp người bệnh, chỉ dẫn, hướng dẫn rõ ràng, giảm thời gian khám chữa bệnh; trang bị máy lấy số tự động, bảo đảm tính công bằng, trật tự trong việc khám bệnh; cải tạo cảnh quan trong bệnh viện xanh sạch đẹp...

Hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng và cải tiến chất lượng theo Bộ tiêu chí chất lượng đang được các bệnh viện và Sở Y tế ngày càng đẩy mạnh, thực hiện tích cực hơn. Bên cạnh những thành công ban đầu, việc cải tiến chất lượng cần được thực hiện đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng chuyên môn và trên mọi phương diện.

Đánh giá hoạt động khám, chữa bệnh nhìn từ góc độ của người dân, qua kết quả khảo sát chỉ số PAPI do UNDP công bố tháng 5/2019 cho thấy, “người bệnh đã đánh giá khá tích cực về dịch vụ y tế công, đặc biệt trong lĩnh vực khám, chữa bệnh". Cụ thể, nhận thức của người dân về y tế công lập cải thiện rõ rệt do số lượng người có bảo hiểm y tế tăng 80%  năm 2019. Chất lượng chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em tăng mạnh: 32% người khảo sát đánh giá dịch vụ dành cho trẻ em dưới 6 tuổi  đạt mức “rất tốt”. Người dân chấm điểm chất lượng bệnh viện công tuyến huyện, quận cao hơn, song đánh giá của người sử dụng dịch vụ này giữa các tỉnh, thành phố có mức chênh lệch lớn…

Đảm bảo an toàn người bệnh - văn hóa không đổ lỗi

Thực hiện Nghị quyết Đại Hội đồng Y tế Thế giới về “Đẩy mạnh chăm sóc phẫu thuật, cấp cứu, gây mê thiết yếu trong tiếp cận bao phủ y tế phổ cập”, Bộ Y tế Việt Nam đã tích cực tham gia trong cuộc vận động đưa ra sáng kiến Ngày An toàn người bệnh Thế giới - ngày17/9 hàng năm, bắt đầu từ năm nay 2019. Bên cạnh đó, Bộ đã ban hành Bộ tiêu chuẩn chất lượng về phẫu thuật và gây mê an toàn nhằm bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận với dịch vụ phẫu thuật và gây mê an toàn, đúng lúc, chất lượng cao.

Tháng 9/2019, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng ngày An toàn người bệnh toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về An toàn người bệnh trên toàn quốc, cam kết xây dựng văn hóa an toàn người bệnh, chung tay hành động tạo nên môi trường bệnh viện cởi mở, thân thiện và "không đổ lỗi", nhằm khuyến khích sự trao đổi, học hỏi từ các sự cố và lan tỏa thông điệp của năm 2019 "Hãy nói ra vì sự An toàn của người bệnh". Bộ xây dựng hướng dẫn chuẩn chất lượng trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh như đột quỵ, đục thủy tinh thể, đái tháo đường... làm cơ sở tiến hành kiểm định lâm sàng chặt chẽ hơn; xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo phẫu thuật an toàn... Đồng thời tổ chức nhiều hội nghị triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn phẫu thuật cho toàn bộ hệ thống khám, chữa bệnh.

Ngành Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp góp phần đảm bảo an toàn người bệnh như tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn khoa Hồi sức tích cực và Hồi sức cấp cứu; xây dựng hướng dẫn quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn bao gồm hướng dẫn Kiểm soát nhiễm khuẩn trong thận nhân tạo, trong nhi khoa và trong khám, chữa bệnh răng miệng; tăng cường hệ thống giám sát quốc gia về kháng kháng sinh; thực hiện báo cáo dữ liệu giám sát kháng kháng sinh...

Giảm quá tải, nâng cao chất lượng điều trị

Sau 5 năm triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện, số giường bệnh kế hoạch tăng thêm là 29.524 giường (tuyến trung ương tăng 4.980 giường, tuyến tỉnh, thành phố tăng 11.279 giường; tuyến quận, huyện tăng 13.265 giường). Số giường bệnh thực kê là 56.501 giường (tuyến trung ương tăng 8.822 giường, tuyến tỉnh thành phố tăng 24.290 giường; tuyến quận, huyện tăng 23.325 giường). Tình trạng quá tải nhìn chung có giảm, tuy nhiên tình trạng quá tải ở tuyến trung ương vẫn còn diễn ra ở một vài bệnh viện lớn.

Bằng giải pháp phát triển mạnh mạng lưới bệnh viện vệ tinh, đến nay, cả nước đã có 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh tại 62 tỉnh, thành phố tham gia vào đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, gói kỹ thuật tập trung vào các nhóm bệnh chuyển tuyến nhiều, các nhóm bệnh cần điều trị tại chỗ. Nhờ đó, một số bệnh viện vệ tinh đã làm chủ được các kỹ thuật y tế cao do bệnh viện hạt nhân chuyển giao, thiết thực giúp người bệnh, nhất là người bệnh nghèo được tiếp cận và được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới. Điển hình là bệnh viện đa khoa của các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Quảng Nam…

Với việc tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao từ bệnh viện hạt nhân, tỷ lệ chuyển tuyến của các bệnh viện vệ tinh đã giảm rõ rệt, 37,5% số bệnh viện vệ tinh đã có tỷ lệ chuyển tuyến giảm rõ, điển hình là Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ…

Năm 2019, các bệnh viện tham gia đề án Bệnh viện vệ tinh đã tổ chức 386 lớp đào tạo, chuyển giao cho 7.051 cán bộ được 791 kỹ thuật từ hạt nhân cho bệnh viện vệ tinh, làm tỷ lệ chuyển tuyến giảm từ 73-99% theo các chuyên khoa Sản, Nhi, Ung bướu, Tim mạch, Ngoại khoa.

Bên cạnh đó, Đề án 1718/QĐ-BYT ngày 8/5/2019 “Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019 – 2025” với việc triển khai 26 trạm y tế điểm, góp phần giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ  y tế có chất lượng ngay tại địa phương.

Có thể thấy, các giải pháp an toàn người bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức; xây dựng bệnh viện xanh sạch đẹp, an toàn văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh là những hoạt động nổi bật được thực hiện trong suốt năm 2019, góp phần đem lại sự hài lòng của người bệnh.

Tiếp tục nâng cao chất lượng bệnh viện

Năm 2020, hệ thống khám, chữa bệnh trong cả nước tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm là phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng hoàn chỉnh ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bên cạnh hệ thống bệnh viện thuộc lực lượng vũ trang; hoàn thiện hệ thống phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong cả nước. Bên cạnh ban hành tiêu chí đánh giá, thực hiện kiểm định độc lập, xếp hạng bệnh viện theo chất lượng phù hợp với thông lệ quốc tế, toàn ngành thực hiện lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh; lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, giữa các cơ sở khám, chữa bệnh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ và có chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngay tại tuyến dưới.

Ngành Y tế tập trung phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; song song với ban hành danh mục dịch vụ kỹ thuật các tuyến phải có đủ năng lực thực hiện, tiến tới bảo đảm chất lượng từng dịch vụ kỹ thuật đồng đều giữa các tuyến.

Ngành tập trung phát triển đồng bộ, tạo môi trường bình đẳng cả về hỗ trợ, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật giữa các cơ sở khám, chữa bệnh công và tư; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức của cán bộ y tế; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh.

Cùng với tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, bệnh án điện tử và chẩn đoán, xét nghiệm, khám, chữa bệnh từ xa, ngành Y tế tăng cường khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách; triển khai các mô hình tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng nơi để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

PV (TTXVN)
Cải tiến chất lượng bệnh viện vì sự tồn tại của ngành Y tế
Cải tiến chất lượng bệnh viện vì sự tồn tại của ngành Y tế

Năm 2019 đánh dấu năm thứ 7 Bộ Y tế triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam (Bộ 83 tiêu chí).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN