Bệnh cúm A gia tăng, nhiều bệnh nhi nhập viện

Số người mắc cúm A đang có xu hướng tăng cao, nhiều trẻ phải nhập viện do biến chứng của bệnh.

Chú thích ảnh
Bệnh nhi đến khám do bệnh cúm.

Hàng trăm bệnh nhân cúm/ngày

Tại khoa Khám bệnh, bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) từ sáng đến chiều ngày 24/12 đông kín bệnh nhân xếp hàng, không khí khá ngột ngạt, khiến nhiều người phải đeo khẩu trang, nhiều bệnh nhân đến khám với các biểu hiện: Sốt, ho, sổ mũi…

Đưa cả hai con đi khám vì đều bị các triệu chứng cúm, anh Lại Công Huân (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Cả nhà tôi đều bị bệnh đường hô hấp, mấy ngày nay cháu lớn nhà tôi bị sốt 40 độ, cháu nhỏ cũng có biểu hiện tương tự, nên tôi đưa cả hai cháu đi khám, xét nghiệm để bác sĩ hướng dẫn điều trị, vì sợ các cháu lây cho nhau”.

Chú thích ảnh
Nhiều gia đình có nhiều người cùng mắc cúm.

Cũng đi khám vì sốt, ho, chị Nguyễn Thị Hằng (ở Hoàng Mai, Hà Nội) lo lắng: “Nhà tôi cả hai vợ chồng và con đều ho, sốt; con tôi còn có biểu hiện khó thở, nên tôi phải xin nghỉ làm để đưa con đi khám, sợ cháu bị biến chứng sang viêm phổi”.

BS. Phạm Thị Như Hoa, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Hiện là thời điểm cúm A gia tăng, những ngày gần đầy số bệnh nhân vào viện tăng cao, có những ngày cao điểm, khoa nhi tiếp nhận tới 200 bệnh nhân, phần lớn là trẻ mắc bệnh đường hô hấp, nhất là bệnh cúm. Đã có trường hợp phụ huynh đưa con đến khám cho biết, ở lớp trẻ có tới 10 bạn nghỉ học vì sốt. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của cúm A là trẻ bị sốt, sốt cao, thường lên tới 39 - 40 độ. Nhiều bố mẹ cho con uống hạ sốt ở nhà, nhưng không đỡ, nên đã đưa trẻ vào khám. Những biến chứng sau đó có thể là trẻ ho nhiều hơn, bị viêm phế quản hoặc viêm phổi”.

Cũng theo BS. Phạm Thị Như Hoa, đang trong mùa dịch cúm A, cha mẹ cần lưu ý khi trẻ bị sốt cao. Với các trẻ lớn đi học, cần có biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang. Nếu trẻ có biểu hiện sốt phải lưu ý để cách ly trẻ, tránh để bệnh lây lan.

Chú thích ảnh
Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn rất đông bệnh nhi nhập viện do các bệnh đường hô hấp.

Tại khoa Nhi của Bệnh viện Thanh Nhàn, các giường bệnh cũng đã chật kín, phần lớn là trẻ mắc bệnh bệnh cúm, các bệnh đường hô hấp.

Còn tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, hai tuần trở lại đây cũng ghi nhận số ca mắc cúm gia tăng từ 10 - 20%. Bệnh viện phải dành hẳn khoa Điều trị tự nguyện B và Trung tâm Y học lâm sàng Nhiệt đới Nhi khoa để tiếp nhận khám và phân loại điều trị bệnh cúm, tránh lây chéo.

Không tuỳ tiện sử dụng thuốc Tamiflu

Thời gian gần đây, có tình trạng các gia đình có con em mắc cúm thường cố gắng đi mua thuốc Tamiflu về điều trị, với mong muốn thuốc sẽ tiêu diệt vi rút cúm gây bệnh.

Về vấn đề này, TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trung tâm bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: “Thực chất, thuốc Tamiflu không phải thuốc diệt vi rút, mà có tác dụng làm ức chế sự nhân lên của vi rút, làm giảm khả năng bám dính của vi rút ở niêm mạc đường hô hấp. Đã có báo cáo cho thấy, các bệnh nhân sau 5 ngày dùng thuốc Tamiflu vẫn có đến gần 60% trẻ xét nghiệm còn vi rút cúm trong người, sau 10 ngày dùng thuốc vẫn còn khoảng 30 - 40% trẻ vẫn thấy vi rút trong họng. Không nhất thiết các trường hợp cứ mắc cúm là phải dùng thuốc này. Hiệu quả điều trị của thuốc Tamiflu là có thể giảm triệu chứng của bệnh cúm, còn các tác dụng khác không nổi bật như dùng kháng sinh khi điều trị nhiễm khuẩn”.

Cũng theo TS. BS. Đỗ Thiện Hải, theo quy định, thuốc Tamiflu là thuốc phải dùng theo kê đơn, chứ không phải thuốc bán ở nhà thuốc thông thường. Vì vậy, muốn sử dụng phải có chỉ định của thầy thuốc. Đặc biệt, thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng rõ rệt trong vòng 48 giờ đầu kể từ khi bệnh nhân có triệu chứng cúm; còn nếu dùng sau thì tác dụng điều trị cũng không khác gì các thuốc dùng cho cảm cúm thông thường.

Theo đó, khi trẻ mắc cúm, cha mẹ cần tập trung vào các khâu quan trọng như: Hạ sốt cho trẻ, kiểm soát nhiệt độ cơ thể trẻ dưới 38,5 độ C; vệ sinh đường hô hấp bằng các dung dịch nước muối sinh lý; cố gắng hạn chế người lớn tiếp xúc với em bé, bởi vì trong niêm mạc đường hô hấp của người lớn có nhiều vi khuẩn dễ đi vào cơ thể của trẻ, dẫn tới nguy cơ bội nhiễm; chú ý bổ sung dinh dưỡng, cho trẻ uống đủ nước, theo dõi, chăm sóc tốt sẽ giúp trẻ hạn chế biến chứng do bệnh cúm.

Đặc biệt, bác sĩ cũng khuyến cáo, cách phòng bệnh cúm tốt nhất là tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm để có miễn dịch, giúp cơ thể chống lại vi rút khi có dịch cúm xảy ra.

Bài, ảnh: Tạ Nguyên: Báo Tin tức
Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống bệnh cúm mùa
Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống bệnh cúm mùa

Ngày 23/12, thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hàng năm ở Việt Nam trung bình có trên 800.000 người mắc cúm, số ca mắc thường gia tăng vào các thời điểm giao mùa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN