‘Canh cánh’ lo phòng chống dịch

Bài 1: Kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát

Thời gian qua, Việt Nam liên tục phải ứng phó với nhiều dịch bệnh, thậm chí có những dịch bệnh diễn biến hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế và chính quyền địa phương, hầu hết các đợt dịch đều được khống chế, hạn chế tối đa các thiệt hại.

Việt Nam luôn phải đối mặt với nguy cơ xâm nhập và diễn biến phức tạp của nhiều loại dịch bệnh. Để khống chế các dịch bệnh, ngành y tế và chính quyền, người dân luôn phải nỗ lực phòng chống dù vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn


Công tác phòng chống dịch được thực hiện quyết liệt. Ảnh: TTXVN

Nhiều dịch bệnh liên tục được khống chế


Nhờ sự nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh, thời gian qua Việt Nam đã đạt những thành công rất lớn trong công tác phòng chống dịch, nhất là dịch bệnh mới nổi, được thế giới đánh giá cao.


Nếu trước kia, nhiều dịch bệnh thường xuyên diễn ra theo mùa và nhiều dịch bệnh nguy hiểm liên tục xuất hiện hàng năm như: Dịch tả, thương hàn, sởi, dịch hạch… khiến nhiều người tử vong thì hiện nay các dịch bệnh nay gần như đã được khống chế, không gây thành các dịch lớn, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong. Bên cạnh đó, nhiều dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như: Cúm A(H7N9), Ebola, Mers-CoV... được ngăn chặn kịp thời không để xâm nhập vào trong nước; đặc biệt Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, cúm A (H5N1), cúm A(H1N1)…


Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện Việt Nam chưa ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi xâm nhập vào Việt Nam, trong khi dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan quốc tế. Các bệnh có vắc xin tiếp tục được khống chế hiệu quả như: Sởi, ho gà, bạch hầu… không có diễn biến bất thường; với tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi cả nước đạt trên 96,8%.


Với những dịch bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh như sốt xuất huyết, việc khống chế dịch tuy còn “loay hoay” nhưng với những cách thức triển khai diện rộng, huy động toàn bộ lực lượng vào cuộc cũng đã rất thành công.


Đơn cử như trong năm 2017, khi dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, nhất là tại Hà Nội; cả nước ghi nhận hơn 184.700 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 32 trường hợp tử vong; mọi nguồn lực đã được huy động vào cuộc để tập trung dập dịch.


Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Khi dịch bùng phát mạnh, toàn thành phố ghi nhận hơn 37.650 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 7 trường hợp tử vong; 100% số quận, huyện đều có ổ dịch sốt xuất huyết. Trước tình hình đó, Hà Nội huy động toàn bộ lực lượng vào cuộc, đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch từ thành phố đến cơ sở. Cụ thể: Toàn thành phố đã tổ chức hơn 780 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, thành lập hơn 35.500 đội xung kích diệt bọ gậy và hơn 5.000 tổ giám sát hoạt động phòng chống dịch. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đã bổ sung kinh phí để mua 308 máy phun ULV, 80 máy phun mù nóng, 10 máy phun cỡ lớn đặt trên ô tô để sử dụng trong các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.


Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến tháng 11/2017, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đã được khống chế, không xuất hiện đỉnh dịch lần thứ hai và trở về mức dịch lưu hành trong những tháng cuối năm.


Theo các chuyên gia, kinh nghiệm từ các đợt dịch vừa qua cho thấy, việc huy động cộng đồng và sự vào cuộc của chính quyền các cấp đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.


Không quyết liệt dịch sẽ bùng phát


Tuy thời gian qua, ngành y tế đã làm tốt công tác phòng chống dịch, tuy nhiên vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.


Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Một trong những khó khăn lớn nhất mà công tác phòng dịch đang gặp phải đó là liên tục phải đối phó với các dịch bệnh diễn ra, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ xâm nhập cao như: Cúm A(H7N9), MERS-CoV, sốt vàng, dịch hạch … Việt Nam lại là nước có hoạt động du lịch phát triển nên nhu cầu đi lại, giao lưu với các nước rất lớn; việc buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm… qua biên giới cũng làm tăng nguy cơ mắc các chủng cúm… Vì thế, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng dịch, dịch bệnh rất dễ bùng phát.


Cũng theo ông Tấn, hiện tỷ lệ tiêm chủng tại một số vùng vẫn còn thấp, thậm chí có nơi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi thấp dưới 80% do chưa quản lý tốt đối tượng đã được tiêm chủng. Các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng như: Sởi, ho gà, bạch hầu … có nguy cơ gia tăng do tiêm chủng chưa đạt được trên 95% quy mô xã phường, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, các địa phương có dân di biến động lớn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến miễn dịch cộng đồng thấp, dễ gia tăng số người mắc khi có dịch xảy ra.


Bên cạnh đó, vấn đề biến đổi khí hậu, đô thị hóa nhanh, di biến động dân cư lớn tại các thành phố là điều kiện thuận lợi cho các véc tơ truyền bệnh phát triển và lan rộng.


Trong khi đó, ý thức của người dân trong phòng chống dịch hiện vẫn chưa cao, nhiều người vẫn còn chủ quan, lơ là xem thường dịch, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch, không thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường… Thậm chí tại nhiều địa phương, chính quyền vẫn chưa thực sự quyết liệt thực hiện, chưa thực sự đầu tư cho công tác phòng, chống dịch bệnh; đôi khi có xảy ra dịch bệnh mới cấp kinh phí hoặc cấp muộn dẫn đến thụ động trong công tác phòng chống dịch.


Bộ Y tế cũng cảnh báo, các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ rất cao xâm nhập vào Việt Nam do vẫn diễn biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các ổ dịch cúm gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người. Thêm vào đó đang là “mùa” của các bệnh: Cúm, sởi, sốt xuất huyết… nếu không quyết phòng chống, rất dễ bùng phát thành dịch.

Bài 2: Đón đầu để phòng dịch hiệu quả

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Hà Nội triển khai 700 điểm giám sát dịch bệnh
Hà Nội triển khai 700 điểm giám sát dịch bệnh

Trước nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh trong mùa hè, Hà Nội đã triển khai gần 700 điểm giám sát dịch bệnh, tổ chức tiêm chủng phòng bệnh hàng tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN