2/3 số người bị đái tháo đường không biết mình mắc bệnh

Dù đái tháo đường được xếp vào hàng nguy hiểm, nhưng nhiều người bệnh lại rất thờ ơ, thậm chí còn coi thường căn bệnh này; một minh chứng cho vấn đề này là: “2/3 số người mắc bệnh đái tháo đường, không biết mình mắc bệnh”.

Nhiều bệnh nhân không hề phát hiện mình nhiễm tiểu đường.

Hãy “Cảnh giác với bệnh đái tháo đường” là Chủ đề của Ngày đái tháo đường năm 2016 do Liên đoàn đái tháo đường Quốc tế đưa ra, để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sàng lọc để chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường type 2 và của việc điều trị, nhằm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng nghiêm trọng.

Ngày đái tháo đường Thế giới được tổ chức hàng năm để đánh dấu ngày sinh của Frederick Banting, người đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra Insulin (là một loại hormon, được sản xuất ra bởi tuyến tụy, nằm sau dạ dày) một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân đái tháo đường vào năm 1922.

Bệnh đang tăng nhanh và có xu hướng trẻ hóa

Bệnh đái tháo đường được mô tả từ thời Cổ đại Ai Cập, cách đây hơn 3.500 năm; trong nhiều thập kỷ qua, bệnh tiểu đường thường được chẩn đoán dựa trên mức Glucoza huyết (đường máu) khi đói hoặc Glucoza huyết 2 giờ sau uống 75g glucoza (nghiệm pháp Glucoza),…

Bệnh đái tháo đường, là một nhóm bệnh chuyển hoá đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết do hậu quả của thiếu insulin tương đối hoặc tuyệt đối (insulin được sản sinh từ tế bào bêta “ß” của tụy tạng, có chức năng vận chuyển đường máu đến các tế bào đích: tế bào cơ, xương, não,…); tình trạng tăng đường huyết lâu dài sẽ gây ra nhiều rối loạn chức năng ở các cơ quan, đặc biệt là các mạch máu lớn và mạch máu nhỏ.

Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 6 trong số các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong; đứng hàng thứ 4 trong số các nguyên nhân gây tử vong do các bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây mù lòa ở người trưởng thành.

Theo báo cáo của Liên đoàn đái tháo đường Quốc tế, năm 2014, có 387 triệu người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới. Đái tháo đường là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho hơn 1,5 triệu người mỗi năm. 80% số người tử vong ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Bệnh đái tháo đường hiện có xu hướng gia tăng nhanh ở các nước đang phát triển, nơi mà có sự thay đổi nhanh về kinh tế, lối sống và tốc độ đô thị hoá… Nếu không phòng chống bệnh cụ thể, đến năm 2036, dự báo sẽ có khoảng 592 triệu người mắc bệnh.

Việt Nam là nước đang phát triển nên cũng không nằm ngoài quy luật trên. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, năm 1990 và 1991, tỷ lệ người bệnh đái tháo đường chiếm từ 0,91 đến 2,25% số người trưởng thành (lứa tuổi từ 30 đến 64 tuổi) tại Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh. Năm 2002, cả nước chỉ có khoảng 2,7% dân số mắc bệnh đáo tháo đường, nhưng đến năm 2012 điều tra tại 6 vùng trên cả nước tỷ lệ này đã tăng lên gần 5,7%.

Nhóm tuổi mắc đái tháo đường cũng đang có xu hướng trẻ hoá theo thời gian, bệnh tăng nhanh không chỉ ở thành phố và các khu công nghiệp mà còn cả ở khu vực trung du, miền núi. Cụ thể là 1,7% ở nhóm tuổi từ 30-39; 3,7% ở nhóm tuổi từ 40 tới 49; 7,5% ở nhóm tuổi từ 50 tới 59 và 9,9% ở nhóm tuổi từ 60 tới 69.

Tỷ lệ bệnh nhân từ 25-35 tuổi chiếm khá cao, khoảng 3%. Ngay cả trẻ em 4 tuổi cũng mắc bệnh, điều này phản ánh sự trẻ hóa về bệnh này ở nước ta. Tỷ lệ nữ giới mắc đái tháo đường nhiều hơn nam giới gần 5%. Những người trên 45 tuổi có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 cao gấp 4 lần những người dưới 45 tuổi.

Những người bị huyết áp cao cũng có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 cao hơn những người khác 3 lần. Người có vòng eo lớn có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn người bình thường 2,6 lần. Tỷ lệ tiền đái tháo đường cũng có sự gia tăng.

Cuộc điều tra đã chỉ ra một thực trạng đáng quan tâm là tỷ lệ người bệnh đái tháo đường trong cộng đồng không được phát hiện là 63,6%, trong khi tỷ lệ này chung trên thế giới là 50%.

Các chuyên gia cho rằng có gần 5 triệu người đang bị đái tháo đường chưa được chẩn đoán. Ngay cả những bệnh nhân đã được chẩn đoán, việc điều trị chưa phải là tối ưu. Đa số các bệnh nhân không đạt được mục tiêu điều trị.

Dữ liệu cũng cho thấy, cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán, thì khoảng 6 trường hợp đã có biến chứng do đái tháo đường. Ước tính chi phí để điều trị đái tháo đường chiếm khoảng 3-6% ngân sách dành cho ngành y tế.

Bệnh đái tháo đường được coi là một căn bệnh “giết người thầm lặng”, gây tỉ lệ tử vong cao như ung thư hay HIV; những nguy hiểm mà tiểu đường gây ra cho người bệnh không thể hiện rõ ràng và ngay lập tức mà mang tính chất “âm ỉ”, đến khi thấy rõ triệu chứng thì đã quá muộn.

Làm tốt công tác dự phòng và kiểm soát bệnh hiệu quả

Hiện nay, với nền y học hiện đại, dù tiểu đường vẫn “chưa thể chữa khỏi hoàn toàn” nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể làm giảm rất nhiều những biến chứng đáng tiếc cho người bệnh và giúp họ có cuộc sống thoải mái hơn khi “sống chung” với căn bệnh này, những dấu hiệu sau là những triệu chứng sớm của tiểu đường mà mọi người cần lưu ý: Khát nước và đi tiểu nhiều lần trong ngày; thường có cảm giác đói cồn cào; giảm thị lực; giảm cân nhanh; mệt mỏi, đau đầu; vết thương ở chân, tay lâu lành; khi ấy, các xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường nên được lập lại để xác định chẩn đoán, trừ trường hợp đã quá rõ khi có những triệu chứng tăng đường huyết kinh điển.

Để phòng, chống bệnh đái tháo đường ở Việt Nam, từ năm 2002-2015, Dự án Phòng, chống bệnh đái tháo đường quốc gia đã được thiết lập và triển khai. Bộ Y tế đã củng cố và hoàn thiện mạng lưới khám, chữa bệnh nội tiết (Phòng khám, Khoa, Trung tâm, Bệnh viện Nội tiết…) trong hệ khám, chữa bệnh và dự phòng; Tăng cường nhận thức của cộng đồng về đái tháo đường; Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế; Tăng cường năng lực Y tế cơ sở trong dự phòng, phát hiện sớm, quản lý đái tháo đường; Hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn; Củng cố hệ thống thông tin, báo cáo; Tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học…

Ngày 20/3/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 376/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai doạn 2015-2025.

Chiến lược nhằm mục tiêu: khống chế tỷ lệ tiền đái tháo đường dưới 16%; tỷ lệ đái tháo đường dưới 8% ở người 30-69 tuổi; 50% số người bị bệnh đái tháo đường được phát hiện; 50% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.

Ngoài ra, để công tác dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường đạt hiệu quả, về mặt chính sách cần tiếp tục tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường, trình Quốc hội phê chuẩn Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, ban hành các chính sách, hướng dẫn để tăng cường dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực cho người dân.

Hệ thống y tế cần được củng cố, tiếp tục nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị tại các bệnh viện, đồng thời chú trọng phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở, mạng lưới bác sỹ gia đình để truyền thông vận động xã hội, thay đổi hành vi, phòng chống yếu tố nguy cơ, cung cấp các dịch vụ dự phòng, tư vấn đầy đủ cho người dân, đồng thời bảo đảm người nguy cơ cao, người mắc bệnh đái tháo đường được phát hiện sớm, quản lý điều trị liên tục và lâu dài tại cộng đồng.

Thực tế cho thấy, công tác dự phòng đóng vai trò rất quan trọng đặc biệt là trong phòng chống các yếu tố nguy cơ và phát hiện sớm bệnh. Bằng chứng khoa học cho thấy nếu loại trừ được các hành vi nguy cơ thì sẽ giúp chúng ta phòng tránh được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2 và trên 40% các bệnh ung thư.

Theo các chuyên gia khuyến cáo, bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu như bản thân mỗi cá nhân thực hiện lối sống lành mạnh. Để phòng bệnh, điều quan trọng là cần đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp với giai đoạn phát triển; hoạt động thể lực 30 phút/ngày, những người cần kiểm soát cân nặng cần được tăng cường luyện tập hơn; nên ăn nhiều rau, giảm đường, giảm chất béo và không sử dụng thuốc lá...

Đàm Trung (TTXVN)
Tìm ra phương pháp trị dứt điểm bệnh tiểu đường
Tìm ra phương pháp trị dứt điểm bệnh tiểu đường

Các bác sĩ tại Viện Y học lâm sàng và thử nghiệm (IKEM) của CH Séc đang tiến hành thử nghiệm một phương pháp mang tính cách mạng trong điều trị bệnh tiểu đường với hy vọng có thể chữa khỏi bệnh vĩnh viễn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN