11 bệnh nhi vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đã qua cơn nguy kịch

Ngày 29/10, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết các bệnh nhi trong vụ ngộ độc thực phẩm tập thể được chuyển tới bệnh viện chiều 28/10 đã qua cơn nguy kịch và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, vào khoảng 14 giờ ngày 28/10, bệnh viện nhận được điện thoại của bệnh viện quận Tân Phú báo có nhiều trường hợp trẻ nghi ngộ độc thực phẩm nặng sẽ được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1. Sau đó, bệnh viện đã tiếp nhận 11 bệnh nhi, trong đó có 6 ca nặng và 5 ca nhẹ.

Chú thích ảnh
Các bé ngộ độc thực phẩm đã qua cơn nguy kịch và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Những bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng ói, tiêu chảy nhiều, có dấu hiệu trụy mạch, sốc. Trước tình trạng đó, các bác sĩ chẩn đoán đây là bệnh lý tiêu chảy cấp do rối loạn tiêu hóa và mất nước nặng. Đối với 6 bệnh nhi nặng được nhập vào khoa Cấp cứu, có 4 ca nặng sau khi đã xử trí cấp cứu ban đầu được chuyển vào phòng hồi sức cấp cứu. Sau khi truyền dịch liên tục, các bệnh nhi hiện đã qua cơn nguy kịch. Dự kiến các bé sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Chú thích ảnh
Trước đó, những bệnh nhi này được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện quận Tân Phú. 

Bác sĩ Phương cho biết: "Hiện chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra ngộ độc hàng loạt như trên là gì mà phải chờ kết quả lấy mẫu và kết luận của Ban an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế. Tuy nhiên, trước tình trạng xảy ra hàng loạt như vậy, đây có thể là trường hợp nhiễm trùng nhiễm độc hàng loạt. Tùy theo loại thực phẩm, ăn vào sau từ 1-2 giờ có biểu hiện ói, đau bụng, nhức đầu, nôn... thì phải nghĩ đến nhiễm khuẩn, độc đường tiêu hóa. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện chưa tiếp nhận trường hợp nhập viện tiêu chảy cấp hàng loạt như thế này. Tuy nhiên, hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận một vài bệnh nhi nhập viện vì rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp do rất nhiều nguyên nhân với mức độ nặng nhẹ khác nhau", bác sĩ Phương cho biết thêm.

Bác sĩ Phương khuyến cáo, nguy cơ ngộ độc thực phẩm diễn ra quanh năm, nhưng với thời tiết nắng nóng như hiện nay tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh. Bất kỳ thức ăn nào bảo quản không tốt đều có thể bị nhiễm vi khuẩn. Do đó, nếu thức ăn không dùng thì để ngăn mát trong tủ lạnh. Tốt nhất ăn ngay sau khi chế biến. Khi có các dấu hiệu nôn, tiêu chảy, sốt, chóng mặt... cần phải đến cơ sở y tế gần nhất.

Hiện tại bệnh viện quận Tân Phú còn 36 ca đang theo dõi sức khỏe. Trong sáng nay, Thanh tra Ban an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh phối hợp với các quận, huyện kiểm tra cơ sở sản xuất bánh mì ở quận Tân Phú - nơi được cho là cung cấp bánh mì cho nhóm trẻ em nghi bị ngộ độc nói trên.

Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa có thông tin chính thức sau khi kiểm tra cơ sở này.

Đan Phương/Báo Tin tức
Dịch sởi gia tăng, diễn biến phức tạp tại Đắk Lắk
Dịch sởi gia tăng, diễn biến phức tạp tại Đắk Lắk

Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, hiện nay bệnh sởi đang có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn tỉnh với nhiều ca bệnh xuất hiện trong cùng một địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN